Ăn lành mạnh - Bí quyết kiểm soát đường huyết, phòng ngừa biến chứng đái tháo đường
Một chế độ ăn lành mạnh và cân đối có thể thay đổi tiến triển bệnh đái tháo đường theo hướng tích cực - từ kiểm soát đường huyết đến giảm nguy cơ biến chứng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một bữa ăn lành mạnh cần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và cân đối các nhóm chất: carbohydrate, protein, chất béo. Lượng chất này nên điều chỉnh linh hoạt theo thể trạng sức khỏe, mức độ vận động, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Đối với người bệnh đái tháo đường, chế độ ăn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết. Một chế độ ăn khoa học có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển các biến chứng liên quan đến tim mạch, thần kinh, thận hoặc thị lực.
Cân bằng nhóm chất – nền tảng dinh dưỡng thiết yếu
Carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể nhưng cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đường huyết. Trong chế độ ăn lành mạnh, người bệnh đái tháo đường cần lựa chọn carbohydrate một cách có chọn lọc, nên ưu tiên loại có chỉ số đường huyết (GI) thấp như gạo lứt, yến mạch, các loại đậu và rau củ giàu chất xơ. Carbohydrate có trong ngũ cốc, trái cây, sữa và các thực phẩm có đường - tuy nhiên cần kiểm soát liều lượng phù hợp. Theo khuyến nghị, carbohydrate nên chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng hàng ngày để đảm bảo dinh dưỡng cân đối mà vẫn hỗ trợ ổn định đường huyết.
Protein đóng vai trò hỗ trợ kiểm soát cảm giác đói và cung cấp năng lượng bền vững. Nên chọn nguồn protein lành mạnh như thịt nạc, cá, trứng, sữa ít béo, đậu phụ, đậu đỏ. Hàm lượng khuyến nghị chiếm 15-20% năng lượng khẩu phần.
Chất béo nên duy trì ở mức 20-30% tổng năng lượng mỗi ngày. Ưu tiên nhóm chất béo không bão hòa như dầu ô liu, dầu đậu nành, quả bơ, cá hồi. Hạn chế chất béo bão hòa (mỡ động vật, bơ sữa nguyên kem) và tránh chất béo chuyển hóa từ thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn.
Phương pháp “đĩa dinh dưỡng” đơn giản, hiệu quả
Một trong những phương pháp được khuyến nghị là phương pháp “đĩa dinh dưỡng”. Theo đó, đĩa ăn nên chia thành ba phần:
- ½ là rau củ không chứa tinh bột (rau xanh, cà chua…).
- ¼ là tinh bột hấp thụ chậm (gạo lứt, khoai lang, yến mạch…).
- ¼ là protein lành mạnh.
Cách chia tỉ lệ này giúp kiểm soát khẩu phần dễ dàng, giảm nguy cơ dư thừa carbohydrate và đường máu tăng đột ngột sau ăn.
Ăn đúng giờ, đúng cách để ổn định đường huyết
Người bệnh nên ăn đúng giờ, chia thành ba bữa chính và thêm một hoặc hai bữa phụ nếu cần. Duy trì thói quen ăn lành mạnh, đúng thời điểm giúp ổn định hoạt động của tuyến tụy và kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn. Tránh tình trạng bỏ bữa hoặc ăn không đúng thời điểm – vì điều này dễ làm dối loạn insulin, gây khó khăn trong kiểm soát bệnh.
Khi lựa chọn đồ ăn vặt, nên ưu tiên thực phẩm có lợi như trái cây nguyên quả, sữa chua không đường, hạt dinh dưỡng. Tránh dùng quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, kể cả những loại thực phẩm quảng cáo “ít ngọt” có thể không được kiểm soát rõ thành phần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Nên gặp bác sĩ khi nào?
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị rằng bạn nên đi kiểm tra đường huyết định kỳ nếu có các yếu tố nguy cơ cao sau:
- Từ 45 tuổi trở lên, ít vận động.
- Bị thừa cân, có thêm một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ví dụ như có tiền sử gia đình mắc bệnh đái tháo đường , tiền sử cá nhân về tiền đái tháo đường, đái tháo đường thai kỳ hoặc lối sống kém lành mạnh.
Khi từ 45 tuổi trở đi bác sĩ thường khuyên bạn nên khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cứ ba năm một lần. Ngoài ra, bạn cũng nên chia sẻ mối quan tâm của mình về phòng ngừa bệnh tiểu đường với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và đưa ra các đề xuất phòng ngừa bệnh hiệu quả dành cho bạn.
Không cần ăn kiêng quá mức mỗi ngày. Với người bệnh đái tháo đường, chỉ cần duy trì thói quen ăn lành mạnh, lựa chọn thực phẩm đúng cách, ăn đúng giờ và kiểm soát khẩu phần hợp lý, bạn hoàn toàn có thể giảm nguy cơ biến chứng và sống khỏe mạnh.