Người dân có nên mua nhiều hàng hóa để dự trữ Tết không?
Tết Nguyên đán 2025, các hệ thống phân phối hàng hoá ở TP HCM chỉ nghỉ thời gian ngắn, hầu hết mở cửa vào ngày mùng 2. Do đó, người tiêu dùng không cần mua lượng lớn hàng hóa để dự trữ trong dịp này.
Liên quan đến các hoạt động bình ổn thị trường, theo ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng Phòng Quản lý thương mại - Sở Công thương TP HCM, trong 11 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng đến người dân và nhận được sự đồng thuận, đồng hành từ nhiều doanh nghiệp.
Kết quả, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng đầu năm 2024 của Thành phố chỉ tăng 3,19% so với cùng kỳ; thấp hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 3,69%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng đầu năm của Thành phố đạt 514.478 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 8,1%).
Về công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, việc chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp cơ bản đã đáp ứng kế hoạch đề ra, đủ để cung cấp cho thị trường. Cụ thể, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết.
Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thuỷ hải sản…
“Trong một tháng trước và sau Tết, giá cả những mặt hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ được giữ cố định, không thay đổi. Trong Tết, các hệ thống phân phối chỉ nghỉ thời gian ngắn, hầu hết mở cửa vào ngày mùng 2. Do đó, người dân không cần mua lượng lớn hàng hóa để dự trữ trong dịp này”, đại diện Sở Công Thương cho biết.
Theo thông tin từ Sở Công thương TP HCM, giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình bình ổn giá sẽ không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Bên cạnh đó, để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm; các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.
Tết này, Công ty Cổ phần Sài Gòn Food chuẩn bị lượng hàng hóa tăng từ 20 -30% so với ngày thường. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như cháo tươi, doanh nghiệp có thêm bộ sản phẩm lẩu ăn liền. Đặc biệt, doanh nghiệp này còn đáp ứng nhu cầu của giới trẻ, thế hệ "gen Z" bằng dòng sản phẩm Pizza & Gratin nhập từ Nhật Bản về tiêu thụ dịp Tết.
Ở hệ thống siêu thị, đại diện Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (SATRA) cho biết, hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu dự trữ cho dịp Tết tăng từ 15% đến 20% so với tết trước, giá ổn định và nhiều khuyến mãi. Trong đó, dự trữ lượng hàng bình ổn thị trường tăng từ 6% đến hơn 14%.
Ngoài việc tăng nguồn cung cho thị trường dịp Tết, SATRA có kế hoạch dự trữ thêm từ 10- 20% sản lượng hàng hóa để dự phòng các trường hợp khan hiếm hàng hóa, thiếu hụt nguồn cung đột biến.
Còn tại SaiGon Co.op, để có nguồn cung hàng hóa Tết dồi dào và giá ổn định, từ 3- 6 tháng trước, doanh nghiệp đã phối hợp với các nhà cung ứng chuẩn bị hàng. Riêng lượng hàng bình ổn thị trường tăng 30%- 40% so với ngày thường.
- Vì sao các cửa hàng thời trang chưa tìm lại được chỗ đứng trên thị trường
- Thị trường chứng khoán 2025 sẽ thế nào, người mua nên đầu tư vào đâu?
- TP.HCM ban hành quy định cấm phân lô bán nền tại các huyện vùng ven, thị trường sẽ về đâu?
- WinMart tăng 20% nguồn cung hàng hóa, đảm bảo bình ổn giá cuối năm
- Năm 2025, hàng hóa, dịch vụ dưới 20 triệu đồng phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, quy định cụ thể ra sao?
- Ngăn chặn kịp thời 30 tấn thực phẩm, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển từ Bắc vào Nam tiêu thụ, người tiêu dùng cẩn trọng khi mua hàng hóa những ngày áp Tết