Thứ bảy, 28/12/2024, 06:08 (GMT+7)

Vì sao các cửa hàng thời trang chưa tìm lại được chỗ đứng trên thị trường

Sự phát triển của kinh doanh online đã trở thành thách thức của những cửa hàng kinh doanh truyền thống. Các cửa hàng thời trang đang đối mặt với sức mua ngày càng giảm, vậy chiến lược nào giúp họ tìm lại chỗ đứng trên thị trường.

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh online đã dần thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, đặc biệt là trong ngành thời trang. Các cửa hàng thời trang truyền thống đang phải đối mặt với một thực tế không thể phủ nhận là sức hút ngày càng giảm sút, khi người tiêu dùng dần chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến.

Những con đường thời trang nổi tiếng như Võ Văn Ngân (thành phố Thủ Đức), Hai Bà Trưng (Quận 1, Quận 3), Quang Trung (Quận Gò Vấp), Lý Tự Trọng (Quận 1),.... cũng đang phải chật vật vì sự phát triển quá nhanh của mua sắm online.

Con đường thời trang Hai Bà Trưng (quận 1) giờ khá vắng khách

Anh Lê Đức - chủ cửa hàng thời trang Gapumen con đường thời trang Võ Văn Ngân (Thành phố Thủ Đức) chia sẻ, năm nay việc kinh doanh đặc biệt khác, rất chậm so với những năm trước. Dù đã kinh doanh trong lĩnh vực này hơn 7 năm nhưng năm nay tôi  thấy  kinh tế đi xuống, xu thế mua sắm trực tuyến mạnh dần nên những cửa hàng truyền thống doanh số giảm rất đáng kể. 

Bạn Tapo (người mua hàng) chia sẻ, theo tôi mua sắm online có thể thêm mã giảm giá và được miễn phí vận chuyển giúp tiết kiệm chi phí, có thể tham khảo được đánh giá mua hàng từ khách hàng trước, thuận tiện vì không cần đi đến tận nơi để mua, có thể mua bất kì thời gian nào. 

Con đường thời trang Võ Văn Ngân (Thành phố Thủ đức) cũng rết ế ẩm

Khu mua sắm The New Playground nằm trên đường Lý Tự Trọng (Quận 1) từng là nơi mua sắm thu hút giới trẻ nhất Sài Gòn nhưng hiện tại cũng rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. Hiện tại nơi này chỉ thu hút khách nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan, Trung quốc,... 

Khu mua sắm dưới lòng đất The New Playground

Một trong những lý do khiến việc kinh doanh online trở nên phổ biến đó là sự nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận. Thay vì phải ra tận cửa hàng thì người tiêu dùng có thể dễ dàng mua sắm dù ở nhà hay bất cứ nơi đâu.

Các cửa hàng thời trang online không cần phải trả tiền thuê mặt bằng với giá cao cũng như không cần lo lắng về các chi phí để vận hành cửa hàng. Bên cạnh đó nhờ sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông nên các thương hiệu có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng thông qua mạng xã hội như Facebook, TikTok,.. 

Các sàn thương mại điện tử như Shoppe, TikTok Shop, Tiki đặc biệt là các phiên Mega Live cũng là một đối thủ nặng ký của các cửa hàng truyền thống.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2024 quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo “e-Economy SEA 2024”. 

Con đường thời trang Hai Bà Trưng (quận 3) một thời sầm uất nay vắng lặng

Nhiều cửa hàng thời trang truyền thống đã chuyển mình để thích ứng với xu hướng kinh doanh online, mở thêm cửa hàng trực tuyến để phục vụ khách hàng, cho phép mua sắm trực tuyến hoặc tại cửa hàng với trải nghiệm đồng nhất.

Đồng thời, các cửa hàng cũng nâng cao không gian mua sắm, tổ chức sự kiện, khuyến mãi và cung cấp các dịch vụ như đặt hàng trước hoặc giao hàng miễn phí, nhằm thu hút khách hàng và giảm thiểu sự cạnh tranh từ các nền tảng trực tuyến.

Có thể thấy rằng, sự phát triển của kinh doanh online đã tạo ra thử thách rất lớn đối với các cửa hàng thời trang truyền thống nhưng đây cũng là cơ hội để các cửa hàng thay đổi cách tiếp cận với người tiêu dùng, sáng tạo hơn trong việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh. Nếu biết cách kết hợp giữa hai hình thức kinh doanh này thì các cửa hàng vẫn có thể duy trì sức hút và tồn tại trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Cùng chuyên mục