Khám phá nét đẹp quyến rũ của Biển Hồ Gia Lai
Biển Hồ Gia Lai là một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái nổi tiếng của Gia Lai. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của Pleiku với khung cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng.
Cẩm nang du lịch Tà Xùa “chuẩn đét” cho dân mê du lịch
Giới thiệu Biển Hồ Gia Lai
Biển Hồ còn được người dân bản địa gọi là Ia Nueng hay hồ T'nưng, trong tiếng Ê Đê có nghĩa là biển ở trên núi. Biển Hồ nằm trong quần thể “Khu Du lịch sinh thái lâm viên Biển Hồ - Chư Đăng Ya” vừa được bổ sung vào danh sách các Khu Du lịch Quốc gia trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.” Đây là một hồ nước ngọt nằm cách thành phố Pleiku 7km về phía Tây Bắc, có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển.
Là hồ nước ngọt cung cấp nước cho thành phố Pleiku, nguồn nước Biển Hồ được gìn giữ vệ sinh vô cùng nghiêm ngặt, gồm hai hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300ha. Biển Hồ có làn nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ giúp du khách có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ.
Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn hàng thông xanh mát mắt. Cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ.
Ngày 30/11/2018, tỉnh Gia Lai cho phục chế tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá cẩm thạch trắng, cao 15m. Biển Hồ trở thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh sinh thái do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Pleiku quản lý.
Mỗi mùa Biển Hồ lại có một điểm ấn tượng riêng. Mùa khô nước vơi, để lộ những dải đất bazan màu mỡ, thường có nhiều loài chim quý đến kiếm ăn. Mùa mưa thì nước dâng cao, tạo những đợt sóng lớn vỗ bờ như sóng biển.

Truyền thuyết về biển hồ Gia Lai
Biển Hồ được đánh giá là hồ tự nhiên đẹp nhất ở Tây Nguyên. Theo các nghiên cứu khoa học, Biển Hồ chính là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm nay. Còn đối với người dân tộc thiểu số nơi đây, Biển Hồ gắn với nhiều truyền thuyết thú vị.
Già làng Ksor Kril, làng Sơ, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, kể người Jrai là dân tộc đông nhất cư trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người lớn tuổi trong làng truyền lại cho con cháu rằng Biển Hồ có hai hồ nước lớn và nhỏ thông nhau, thuộc hai làng gần kề. Ở đây, có hai chị em sinh ra trong một gia đình nhưng lấy chồng ở hai làng gần nhau. Người chị (Yă Chao) ở ngôi làng có một hồ nước lớn, còn gia đình người em (Yă Num) ở ngôi làng có hồ nước nhỏ.
Vào một hôm, hai chị em đang cùng hái măng rừng, bỗng nghe trong bụi rậm có tiếng kêu của lợn rừng. Do tò mò nên hai chị em lại xem và phát hiện cả đàn lợn rừng con. Sau đó hai chị em bắt một chú lợn rừng con mang về nuôi. Chú lợn này được nuôi ở nhà người chị, không ăn rau mà chỉ ăn đất cát. Người chị thấy lạ nên đưa chú lợn sang nhà người em xem nó có ăn thức ăn khác không. Người chị thề độc rằng cả nhà chị sẽ không ăn thịt chú lợn bởi chị cho rằng nếu ăn sẽ bị thần linh trừng phạt.
Chú lợn con lớn dần ở nhà người em, cho đến ngày người em tổ chức lễ trả ơn cho chị, trong nhà không có gì quý hiếm nên đành giết thịt chú lợn đó để làm lễ. Người em chia thịt cho nhà người chị, tuy nhiên vì lời thề năm xưa nên người chị không ăn nhưng khi nhìn đứa con khóc lóc đòi ăn, chị đành nướng một miếng thịt lợn rừng cho cháu ăn.
Sau khi đứa bé vừa ăn xong miếng thịt, xung quanh trời đất bỗng rung chuyển, nhà cửa bốc cháy, đất bị sụt lún, nước dâng lên bao phủ cả hai ngôi làng. Trong chốc lát hai ngôi làng chìm trong biển nước, tạo thành hai hồ nước lớn, nhỏ thông nhau. Vì diện tích hồ lớn nên vào mùa mưa, sóng lớn đánh như biển nên người dân thường gọi đó là Biển Hồ.
Cho dù lịch sử hình thành Biển Hồ là miệng núi lửa ngưng hoạt động hay theo truyền thuyết của các dân tộc thiểu số tương truyền thì Biển Hồ vẫn thơ mộng, trữ tình. Đã có khá nhiều tác phẩm văn, thơ, nhạc ra đời từ cảnh đẹp của Biển Hồ. Do đó, nơi đây là điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách khi đến với vùng đất Gia Lai.

Thời điểm lý tưởng để khám phá Biển Hồ Gia Lai
Khách du lịch nên đi tham quan Biển Hồ Gia Lai vào tháng 9 đến khoảng thời gian tháng 2-3 năm sau bởi những tháng cuối năm Gia Lai có khá nhiều lễ hội. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên Đán chính là thời điểm đẹp nhất trong năm để ngắm Biển Hồ. Bởi khi ấy, thời tiết chuyển mình sang xuân se lạnh, mặt nước hồ trong xanh, cây hoa đâm chồi nảy lộc, cảm giác vô cùng trong lành và yên bình. Khi đón bình minh ở Biển Hồ, bạn sẽ cảm nhận được cái lạnh của vùng đất đỏ bazan. Buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, du khách sẽ được ngắm nhìn khung cảnh lãng mạn, khó quên của núi rừng Tây Nguyên khi ánh mặt trời xuyên qua các tán thông.

Một số lưu ý khi du lịch tại Biển Hồ Gia Lai
Để có một chuyến khám phá Biển Hồ Gia Lai trọn vẹn, bạn nên lưu ý một số điều sau đây:
-
Bạn nên dành trọn một ngày để trải nghiệm hết các hoạt động hấp dẫn tại Biển Hồ.
-
Bạn tuyệt đối không tự ý tắm tại hồ khi chưa có sự cho phép của ban quản lý cũng như khi chưa trang bị các thiết bị bảo hộ đi kèm.
-
Bạn nên đặt phòng khách sạn trước để tránh tình trạng hết phòng hoặc tăng giá mùa cao điểm.
-
Bạn nhớ mang đầy đủ các loại giấy tờ tùy thân như CMND/CCCD, giấy phép lái xe, hộ chiếu… để thuận lợi trong quá trình nhận phòng khách sạn hoặc khi đặt dịch vụ thuê xe máy.
-
Bạn nên mang theo thuốc xịt muỗi, xịt côn trùng để bảo vệ làn da và thuốc say xe, thuốc cảm,... để đảm bảo sức khỏe.
-
Phí vào cổng tham quan là 10.000 vnd/người lớn, miễn phí cho trẻ em, phí gửi xe là 5.000 vnd/xe máy.

Một số địa điểm tham quan gần biển hồ Gia Lai
Xung quanh hồ đều có các địa điểm tham quan độc đáo, cụ thể như sau:
Đồi chè Nghĩa Hưng Chư Pah
Ghé thăm Biển Hồ Gia Lai xong, bạn có thể di chuyển tham quan đồi chè Nghĩa Hưng Chư Pah. Đồi chè nằm ở phía bắc của Biển Hồ T’nưng, cách trung tâm TP Pleiku khoảng 10km. Đồn chè đã có từ năm 1919 – 1920 khi người Pháp bắt đầu cuộc khai khẩn vùng đất cao nguyên Pleiku để trồng chè vì có khí hậu mát mẻ giống châu Âu. Đây cũng là đồi chè đầu tiên của Tây Nguyên. Đồi chè có vị trí gần hồ thủy lợi nên khá thuận lợi cho việc tưới tiêu. Hiện nay, đồi chè này có diện tích khoảng 1000 hecta. Điểm đến du lịch này này hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị trong chuyến khám phá Gia Lai sắp tới.

Núi lửa Chư Đăng Ya
Một địa điểm khác bạn có thể lựa chọn ghé thăm sau khi đi Biển Hồ là núi lửa Chư Đăng Ya. Ngọn núi lửa này là món quà kỳ diệu mà thiên nhiên đã dành tặng cho vùng đất Gia Lai, thu hút nhiều du khách gần xa đến tham quan.
Núi lửa Chư Đăng Ya có địa chỉ tại làng Ploi Lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Thành phố Gia Lai, cách trung tâm Thành phố Pleiku khoảng 30km về hướng Đông Bắc. Núi lửa có độ cao khoảng 500m so với mực nước biển. Trước đây, Chư Đăng Ya là ngọn núi phun trào dữ dội và có lịch sử tồn tại lâu đời nhất tại Gia Lai. Trải qua hàng triệu năm, lớp dung nham đã biến nơi đây thành một vùng đất đỏ bazan vô cùng phì nhiêu. Người dân địa phương nơi đây đã tận dụng mảnh đất trù phú này để trồng nhiều loại cây lương thực, hoa màu. Bên cạnh sự hùng vĩ, hoang sơ, núi lửa Chư Đăng Ya còn được điểm tô thêm màu sắc rực rỡ của những bông hoa dong riềng. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng lãng mạn, nên thơ.

Đập thủy điện Yaly
Nếu còn thời gian sau khi khám phá Biển Hồ, các bạn có thể di chuyển đến công trình nổi tiếng là đập thủy điện Yaly đi theo hướng Kon Tum để tham quan. Đập thủy điện thuộc địa bàn xã Yaly, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Nằm giữa núi rừng Tây Nguyên, hồ thủy điện Yaly được bao quanh bởi rừng cây hùng vĩ, giúp cho cảnh quan thiên nhiên của nơi đây trở nên thơ mộng, trữ tình hơn bao giờ hết.
Yaly chính là công trình thủy điện lớn thứ hai của nước ta, chỉ sau thủy điện Sông Đà. Được xây dựng vào năm 1993, sau ba năm nhà máy đi vào hoạt động và trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, là nơi cung cấp điện chính cho đồng bào Tây Nguyên. Lòng hồ thủy điện rộng tới 64.5km2, với công suất 720MW, cùng bốn tổ máy, Yaly sản xuất lượng điện lên tới 3.650 triệu KWh mỗi năm.
Đặc biệt, công trình thủy điện còn gắn liền với thác Yaly – một trong những thác nước lớn nhất ở Việt Nam với độ cao lên đến 42 mét. Do đó, khi đến với công trình này, du khách có thể ghé qua thác Yaly để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của thác nước này.

Đến biển hồ Gia Lai, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên vô cùng hùng vĩ nhưng không kém phần nên thơ. Nếu có dịp du lịch Gia Lai, bạn đừng bỏ lỡ địa điểm lý tưởng này nhé!