Khách hàng nên cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đặt phòng khách sạn trước mùa du lịch
Sát kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhu cầu du lịch tăng cao, các đối tượng lừa đảo đã lập ra website, fanpage giả mạo của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chính thống và tung ra ưu đãi hấp dẫn nhằm lừa tiền cọc của khách hàng.
Thời tiết dịp Tết Dương lịch 2025 tại các điểm du lịch trên cả nước ra sao?
Sa Pa tổ chức nhiều hoạt động du lịch chào mừng 120 năm du lịch
Đặt khách sạn, resort ở Mũi Né, nhiều du khách phát hiện mình bị lừa
Mạo danh page tick xanh lừa đảo đặt phòng, nhiều người sập bẫy
Ngành du lịch đang chuẩn bị bước vào các đợt cao điểm du lịch lớn và dài nhất trong năm là kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các chiêu trò lừa đảo trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đặt phòng khách sạn, resort ngày càng trở nên tinh vi hơn, khiến nhiều người mất tiền oan dù đã đặt niềm tin vào fanpage có tick xanh.

Điển hình, mạng xã hội mới đây xôn xao câu chuyện một cô gái bị lừa mất gần 5 triệu đồng khi đặt phòng khách sạn qua fanpage có tick xanh - điều tưởng như là một dấu hiệu “bảo chứng” cho độ uy tín. Sự việc nhanh chóng thu hút sự chú ý bởi mức độ tinh vi và đánh trúng tâm lý tin tưởng vào dấu tick xanh của người dùng.
Cụ thể, ngày 14/4/2025, cô gái đã đặt phòng tại fanpage facebook “The Clay Resort Mũi Né” có tick xanh và giao diện rất chuyên nghiệp. Tin tưởng đây là fanpage chính thức, cô không ngần ngại chuyển khoản số tiền 4,736 triệu đồng để đặt phòng. Sau đó, cô nhận được thông báo rằng mình chuyển "sai cú pháp" và được yêu cầu chuyển lại lần nữa. May mắn thay, cô đã sinh nghi và không chuyển thêm tiền, nhưng đồng thời cũng bị fanpage kia chặn mọi liên lạc, không thể kết nối lại.

Điều đáng nói là fanpage giả mạo này không phải trường hợp cá biệt. Trước đó, nhiều khách hàng cũng bị lừa đảo với hình thức tương tự.
Đơn cử, một người dùng mạng xã hội khác cảnh báo: “Nay em lên bài phốt resort The Clay Resort Mui Ne đã giả mạo page chính chủ (The Clay Resort - đây mới là trang thật). Bằng thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, các đối tượng đã lừa rất nhiều người trong đó có em, không những vậy nó còn đưa mã QR code để quét và chuyển hết số tiền mình đang có. Đã có rất nhiều anh chị bị lừa từ một triệu cho tới chục triệu đồng. Em khuyến khích tất cả anh chị nên đặt trên page chính thống, có call video xác minh tại resort thì hãy chuyển tiền”.
Trước sự việc trên, Công an tỉnh Bình Thuận cảnh báo, sắp bước vào mùa du lịch cao điểm, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua lập các website, fanpage giả mạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chính thống tại địa phương vẫn tiếp tục diễn ra và gây bức xúc đối với khách du lịch.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, các phương thức giả mạo của các đối tượng lừa đảo đã được phát hiện như sau: Cung cấp tour du lịch với giá rẻ hơn so với giá thị trường, ưu đãi này khiến nhiều người tin tưởng và quyết định đặt cọc hoặc thanh toán trước để giữ được chỗ.
Tiếp đó, các đối tượng sao chép hoặc tự tạo ra các đánh giá giả mạo: Sử dụng tài khoản ảo để tạo ra những phản hồi tích cực, khen ngợi dịch vụ nhằm tạo dựng niềm tin cho khách hàng.
Đồng thời, các đối tượng gây sức ép tâm lý để khách hàng thanh toán nhanh chóng: Đối tượng thường sử dụng những thủ đoạn gây sức ép tâm lý như “chỉ còn vài suất, khuyến mãi chỉ có hôm nay” để thúc giục khách hàng quyết định thanh toán nhanh chóng mà không có thời gian suy nghĩ hoặc kiểm tra kỹ thông tin.
Cuối cùng, các đối tượng chuyển hướng khách hàng đến website giả mạo: Sau khi liên lạc được với khách hàng, đối tượng có thể gửi khách hàng đến có link chứa mã độc để tiếp tục thu thập thông tin thẻ tín dụng, mật khẩu hoặc yêu cầu khách hàng thanh toán qua các phương thức không an toàn.

Tương tự, Công an TP Hà Nội mới đây cũng phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo khi đặt phòng khách sạn dịp nghỉ hè. Cụ thể, khi khách du lịch liên hệ, các đối tượng sẽ liên lạc qua tin nhắn Messenger hoặc Zalo để giới thiệu về các dịch vụ đi kèm mà khách du lịch quan tâm. Các đối tượng sẽ mời chào với mức giá rẻ (rẻ hơn 30 - 50% so với giá chung của thị trường), khiến du khách nhầm tưởng đối tượng là chủ hoặc nhân viên của khách sạn, villa, homestay…
Để tăng thêm sự tin tưởng cho khách du lịch, các đối tượng còn chụp hình, quay video thậm chí livestream khu nghỉ cho khách xem. Khi đồng ý với giá thuê phòng, các đối tượng yêu cầu chuyển tiền cọc từ 30 - 50% giá trị thuê phòng để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Cần tỉnh táo trên mạng xã hội
Trước hiện tượng trên, để phòng tránh bị lừa đảo trong mùa du lịch, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đi du lịch cần luôn xác minh thông tin đặt phòng qua nhiều nguồn, kiểm tra thông tin từ website chính thức, tổng đài hỗ trợ hoặc tham khảo qua các ứng dụng Agoda, Booking.com. So sánh, đối chiếu số điện thoại và email mà fanpage cung cấp với thông tin chính thức trên website của khu nghỉ dưỡng hoặc các trang uy tín về du lịch.

Công an tỉnh Bình Thuận nhấn mạnh, khách du lịch cần cảnh giác với yêu cầu thanh toán ngay lập tức bởi các khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn lớn thường có quy trình xác nhận đặt phòng rõ ràng qua email chính thức. Nếu fanpage yêu cầu chuyển khoản ngay hoặc không có xác nhận từ hệ thống, khách hàng cần dừng giao dịch ngay. Tuyệt đối không thanh toán qua tài khoản cá nhân.
Trong trường hợp công dân/khách du lịch phát hiện đã bị lừa đảo thì lưu giữ bằng chứng giao dịch, email, tin nhắn và biên lai giao dịch để làm bằng chứng và trình báo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở du lịch tại địa phương, cần tăng cường bảo vệ thương hiệu trên mạng xã hội. Doanh nghiệp du lịch cần đăng ký tick xanh chính thức trên Facebook và các nền tảng khác để khách hàng dễ nhận diện (đăng ký theo các điều, khoản quy định của các nền tảng); thường xuyên rà soát, phát hiện kịp thời các nền tảng thông tin, trang mạng xã hội giả mạo cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của mình; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời giải quyết, xử lý các vụ việc khi phát hiện.
Cùng với đó, doanh nghiệp du lịch cần đăng tải các thông báo cảnh báo trên website, fanpage chính thức về tình trạng lừa đảo và hướng dẫn khách hàng cách phân biệt trang thật – trang giả (nếu có). Khi phát hiện các trang giả mạo cần báo cáo trên các nền tảng và trao đổi và báo cáo các cơ quan chức năng theo dõi. Việc nâng cao nhận thức và cảnh giác sẽ giúp khách hàng tránh được các rủi ro không đáng có, đồng thời góp phần bảo vệ uy tín và thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch.
Trong diễn biến liên khác, Công an TP. Hà Nội cũng đề nghị người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn dịch vụ đặt phòng nghỉ trên mạng. Trong đó, nên lựa chọn những công ty du lịch lữ hành có đủ tư cách pháp nhân hoặc các trang đặt phòng, khách sạn uy tín.
Đặc biệt, không giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin danh tính, địa chỉ; nên kiểm tra kỹ thông tin về khách sạn, lấy số điện thoại của khách sạn gọi xác minh trước khi chuyển tiền cọc. Cảnh giác với các trang quảng cáo giảm giá phòng khách sạn bất thường trong các dịp nghỉ lễ, nhất là những mời chào mua gói du lịch với mức giá rẻ hơn so với giá chung của thị trường.