'Ô tô tiền tỷ nhập khẩu' bán qua mạng chỉ vài trăm triệu: Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo
Nhiều dòng xe đa dạng phân khúc từ sedan, phân SUV, MPV... gắn mác dưới dạng ô tô nhập khẩu được nhiều hội nhóm facebook quảng cáo với giá rẻ bất ngờ, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi đặt cọc để tránh mất tiền.
Ô tô nhập khẩu về Việt Nam vừa có pha quay đầu 'lao dốc' đầy bất ngờ
Nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, zalo.... phát triển sẽ giúp cho những cá nhân, đơn vị doanh nghiệp dễ dàng quảng cáo các sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Trong đó, ngành nghề kinh doanh và buôn bán ô tô cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, hiện trên facebook đang xuất hiện nhiều hội nhóm quảng cáo, chào bán các dòng ô tô nhập khẩu mới 100 % với giá "siêu rẻ" khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Tiếp thị và Gia đình, hiện trên các hội nhóm facebook "Công ty Ô tô Vĩnh Xương, Công ty TNHH Ô tô Hoàng Đạt và Công Ty Ô tô Thành Đạt, Auto Huy Hoàng" đang quảng cáo khá nhiều mẫu ô tô nhập khẩu với giá "siêu rẻ". Điểm chung các fanpage Facebook trên đều quảng cáo và chào bán nhiều mẫu xe ô tô đến từ các thương hiệu lớn như: Toyota, Mitsubishi, Hyundai, Mazda, Honda, Ford, Kia, Peugeot.
Qua ghi nhận, các dòng xe ô tô được chào bán đa dạng phân khúc từ sedan hạng B, SUV hạng A đến hạng E, phân khúc MPV hay mẫu xe hạng sang Toyota Land Cruiser 2025 LC300. Mức giá của các dòng ô tô nhập khẩu được "chào hàng" dao động từ 140 - 650 triệu đồng (tùy từng dòng xe) và giá bán này rẻ hơn tới 3/4 so với giá niêm yết được phân phối chính hãng tại Việt Nam.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, cơ quan Công an nhiều địa phương khuyến cáo, người mua cần tìm hiểu giá trung bình của mẫu xe mà mình muốn mua trên các trang uy tín hoặc thông qua người có kinh nghiệm.
Nếu giá rao bán rẻ hơn nhiều so với thị trường, đây có thể là dấu hiệu của một vụ lừa đảo.
Ngoài ra, nhất định không đặt cọc nếu chưa gặp mặt trực tiếp người bán để xem tình trạng xe. Nếu người bán từ chối gặp hoặc đưa ra lý do không hợp lý thì nên thận trọng.
Thông thường, kẻ lừa đảo thường viện lý do “bán gấp” hoặc “có nhiều người đang hỏi mua” để thúc giục người mua đặt cọc ngay. Đây cũng là cách "thao túng tâm lý" để người mua nhanh chóng cọc tiền. Thủ đoạn lừa đặt cọc khi mua xe ô tô, xe máy cũ ngày càng tinh vi, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Để bảo vệ bản thân, người mua cần nâng cao ý thức cảnh giác, trang bị đầy đủ kiến thức về giao dịch mua bán xe cũ.
Hồi đầu năm nay, Công an huyện Thường Xuân, Công an huyện Nga Sơn phối hợp Công an thành phố Hưng Yên đã bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở của 2 đối tượng Mai Nhữ Minh (SN 1998, trú tại xã Nga Yên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) và Phan Văn Hiệp (SN 1986, trú tại xã Phú Cường, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên); đồng thời, triệu tập để làm việc đối với 6 đối tượng khác để làm rõ hành vi thu thập, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Theo tài liệu điều tra, thông qua mạng xã hội, nhóm các đối tượng lừa đảo là người Việt sống tại Campuchia đã lập các tài khoản Facebook, Zalo và rao mua bán xe nhập khẩu giá rẻ trên không gian mạng.
Sau đó, móc nối với số đối tượng người Thanh Hoá và Hưng Yên nhằm vào số người dân nhẹ dạ cả tin. Khi người mua nhắn tin, bình luận vào các bài viết, các "chân rết" của ổ nhóm này sẽ gửi các thông tin, hình ảnh về các cửa hàng mua bán xe máy, ô tô nhập khẩu giá rẻ tại một số tỉnh thành trên cả nước (hình ảnh đã được cắt ghép, chỉnh sửa) để "con mồi" tin tưởng và đặt cọc tiền từ 3 triệu đến 30 triệu đồng.
Sau khi người mua đã đặt cọc, các đối tượng còn giả danh cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, gọi điện để kiểm tra các thông tin cá nhân và loại xe đã đặt mua, đồng thời yêu cầu tiếp tục chuyển thêm tiền để làm giấy tờ và biển số xe.
Khi người mua chuyển thêm tiền, các đối tượng chặn mọi liên lạc.
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận từ tháng 7-2023 đến khi bị bắt, nhóm này đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại trên phạm vi cả nước với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ, Công an huyện Thường Xuân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Mai Nhữ Minh và Phan Văn Hiệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, tiếp tục điều tra, mở rộng thêm các hành vi “Rửa tiền” và “Thu thập, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng” đối với các đối tượng khác có liên quan.