Huyền ảo sắc lụa Hà Nội phố xuân
"Lộng lẫy trong huyền ảo, mềm mại trong quyến rũ, sắc lụa Hà Nội phố xuân đã như một níu kéo vương vấn tương tư huyền hoặc trong tôi".
1.Hà Nội xuân phảng phất giọt mưa lộc cho chồi non bật nhú mầm lá tơ. Những tia nắng mỏng óng ánh xiên chéo khoảng không chiếu qua kẽ lá tạo thành nhiều mảnh vàng lấp lánh lả lơi rơi xuống. Cơn gió lạnh mơn man ngọt như kem làm bước chân ai phố cổ có chút thong dong nhàn du. Thời gian như chậm rãi trôi trong chùng chình níu kéo ngày dài thêm chút nữa.
Tôi thả mình đắm trong cái dịu ngọt quyến rũ của một ngày xuân Hà Nội phố, bước chân phiêu đưa đẩy hướng Hoàng Thành, một khoảnh khắc chợt lướt nhẹ qua, giống ảo ảnh trong mộng. Sen, những cánh sen hồng vương vào ánh mắt, như có như không, thấp thoáng phía trước một dáng ngọc ngà phiêu dật và tôi hút theo sự chuyển động của những cánh sen như mơ hồ ôm ấp trên bờ vai thon, là em Hà Nội hay là một lời mời gọi tha thiết huyền bí của sen…
Tôi như lạc trôi vào một mê cung của sắc sen ẩn mình trong mượt mà tao nhã đầy mê hoặc của lụa. Những mảnh khăn lụa tơ tằm làm nên lộng lẫy nhan sắc mỹ nhân của ngàn năm kinh thành Thăng Long đang xuyên không, lấp lánh trong một không gian ấm áp ánh sáng hoàng kim thần thoại. Bỗng dưng cảm giác như mình là một quân vương, được đắm trong vẻ đẹp sang quý mà thanh cao, e ấp mà kiêu hãnh, rực rỡ mà thanh khiết của sen. Những cánh sen ẩn vào từng sợi tơ nõn nà trên những chiếc khăn lụa như mang cả khí chất hồn phách Thăng Long, khoác trên những diễm lệ giai nhân hoàng triều.
Giống như những vũ điệu thần tiên của thiên nhiên hòa quyện hoàn hảo, người nghệ nhân đã thổi hồn vào sen in trên lụa, để mỗi chiếc khăn là một tác phẩm nghệ thuật tinh tế mang vẻ đẹp của sen đầy sống động. Mỗi chuyển động rất nhẹ cũng có cảm giác những cánh sen lay động trên một đầm sen trong bình minh. Những đóa sen còn mọng sương sớm, sắc trắng tinh khôi e ấp hay sắc hồng ngọt ngào quyến rũ, sen nôn nao thức dậy, mặt nước sóng sánh những chiếc lá sen xanh lục lúc ẩn lúc hiện, lan tỏa cùng những tia nắng ban mai… Huyền ảo lụa mà cũng là huyền bí sen.
Có một sự thảng thốt tê người khi tôi chạm vào mảnh khăn lụa ẩn hiện những cánh sen hồng pastel, hình như tôi đang cận kề làn da mỹ nữ non tơ nuột nà, cảm nhận như có hơi thở nhẹ thoảng hương sen phả vào môi như nụ hôn ấm áp và đặc biệt có một ẩn ngôn đầy nhạc điệu kỳ bí, êm ái, du dương giống dòng chảy cuốn người vào đắm đuối chốn thiên thai khó mà dứt ra.
Lụa nhẹ mà quấn quýt, lụa nặng nhưng không tuột khỏi tay, lụa mềm mại cho uyển chuyển gót sen ai, lụa mỏng manh để người thương kẻ quý, lụa mong manh để luôn được gượng nhẹ yêu chiều, lụa kín đáo thâm trầm thanh khiết, lụa thướt tha e ngại xôn xao, lụa kiêu hãnh sánh ngang cao sang, lụa dịu dàng tan chảy bao mạnh mẽ…
Là lụa hay là em Hà Nội, một giai nữ của kinh thành Thăng Long xưa xuyên không 10 thế kỷ, lạc vào xuân phố, để cho tim tôi xao động, khi ngắm em khoác trên vai chiếc khăn như một bức tiểu họa hoa sen tuyệt mỹ trong một lăng kính mộng, từng cánh sen giống giọt hồng ngọc trong suốt lấp lánh, để mỗi giọt ngọc lại như có hàng trăm cánh sen hồng xếp lớp, tạo thành một đóa sen lớn ôm trọn lấy em… Tôi không dám thở mạnh, cảm giác bồng bềnh bên sen hay chếnh choáng say bên em Hà Nội, như đang được sống trong giấc mộng thần thoại…
Phải chăng chính là sự huyền ảo của lụa đã mê hoặc như một thứ bùa yêu, bùa tình?
Vâng! Lụa là yêu, lụa là tình, lụa là hồng nhan. Không biết dây tơ hồng của Nguyệt Lão có phải là mảnh khăn lụa biến hình, mà sao tim tôi đã rung lên những nhịp tương tư em Hà Nội, tương tư từ mảnh khăn lụa ẩn hiện những cánh sen ảo diệu em khoác hờ hững trên vai, như sợi dây vô hình trói chặt tim tôi neo vào em một ngày xuân Hà Nội phố.
2. Tôi lại như mê như đắm trong một không gian có chút huyền hoặc của lụa Việt mang cái tên chân phương Lụa, giữa sắc xuân ấm ngọt của Thăng Long thành ngàn tuổi. Như lạc vào một vườn kỳ hoa dị thảo với những dải lụa tràn chảy bồng bềnh mê mải, được in các hoa văn theo cảm hứng bất tận từ cây cỏ hoa lá thiên nhiên, lóng lánh ngũ sắc biến ảo từ màu lục, lam, cam, hồng, tím, hư hư thực thực trong ánh sáng như màu tơ óng. Bất chợt giống một thần bí vô hình, thấy mình xuyên không ngược thời gian để đắm trong huyền thoại lụa.
Tơ lụa Việt Nam với những ưu điểm vượt trội và đặc biệt đã được thế giới nhìn nhận là một quốc gia có nghề tơ lụa trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Chiếu theo thần tích làng Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội, nghề chăn tằm, ươm tơ đã có từ thời vua Hùng Vương thứ 6 do công chúa Thiều Hoa khởi xướng, tạo nghề, phát nghiệp - trở thành “Tổ nghề” lụa Việt. Và từ đó, lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp các vùng từ đồng bằng châu thổ phì nhiêu màu mỡ đến núi đồi cao nguyên lồng lộng gió ngàn rợp xanh mát, hợp thành những làng nghề truyền thống với bề dày từ mấy trăm năm lên đến cả ngàn năm tuổi.
Hay chuyện Bà chúa Tằm Tang - Quý phi Đoàn Thị Ngọc - Hiếu Chiêm Hoàng hậu triều Nguyễn, khuyến khích dân chúng phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, mà suốt dải sông Thu Bồn, nghề tằm tang phát triển rực rỡ, thành một phần “con đường tơ lụa” trên biển của xứ Đàng Trong cách đây 4 thế kỷ và có một “văn hóa tơ lụa” vang bóng một thời ở đất Quảng Nam - Hội An hôm nay.
Dọc dài theo hình chữ S, những vùng tơ lụa Việt như gấm như hoa làm thao thiết trong miền ký ức, trong những đau đáu thăng trầm tang điền dâu bể… Những địa danh Hà Đông, Nha Xá, Cổ Chất có lịch sử ngàn năm ở miền Bắc đến Hội An, Mã Châu cả 400 năm ở miền Trung, vào đến đất cao nguyên Bảo Lộc, Lâm Đồng mỹ miều cả trăm năm, tới miền sông nước Nam bộ miệt An Giang nổi danh Tân Châu có thương hiệu lãnh Mỹ A đã đi vào huyền thoại từ thời mở đất phương Nam...
Hơn trăm năm trước, lụa tơ tằm làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội, từng được người Pháp, trung tâm thời trang châu Âu hàng chục thế kỷ nay, đánh giá là loại sản phẩm thủ công tinh xảo ở xứ Đông Dương, lần đầu tham gia hội chợ quốc tế Marseille năm 1931 đã gây sửng sốt đến mê hoặc giới thời trang quý tộc châu Âu. Tiếp theo, lụa làng Cổ Chất, Nam Định cho đến nay vẫn lưu truyền từ những năm 40 của thế kỷ 20 sản phẩm tơ lụa đoạt giải cao tại phiên đấu xảo quốc tế nhằm tìm kiếm tinh hoa làng nghề xứ Đông Dương...
Từ sợi tơ tằm, rất nhiều loại vải lụa được chế tác qua tay nghệ nhân dệt, không hổ danh tinh xảo và tinh tế, ứng dụng cho mọi nhu cầu thời trang của nhiều tầng lớp xã hội: Trừu, Nái, Đũi, The, Sa, Lượt, Xuyến, Băng, Cấp, Lương, Lụa, Là, Nhiễu, Kỳ cầu, Lãnh, Đoạn, Vóc, Vân, Gấm... Ngàn năm áo mũ Việt cũng từ đây mà ra, để lại một di sản văn hóa thành bảo vật quốc gia.
Một ngàn năm, một vạn năm
Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ
Ai ơi chín đợi mười chờ
Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai
Câu ca dao xưa đâu đó từ ngàn dâu xanh ngắt cổ tích bên bờ sông Hồng, nương theo gió xuân, vượt qua những hàng cây phố xanh mướt mầm non xanh, len qua tiếng ồn ào phố Hà Nội một cách bí ẩn, dừng lại không gian dập dờn sóng lụa, để tôi chợt bừng tỉnh, thấy mình đang thong thả vuốt ve bằng mắt những óng chuốt của lụa nõn, đang mơn man từng ngón tay chạm nhẹ vào những huyền mị ẩn hiện trên lụa nõn, một vẻ đẹp phi thời gian hiện hữu trăm năm, ngàn năm…
Có khoảnh khắc lãng đãng, ngắm lụa mà như hư ảo loài cây quý hiếm có tên khoa học Monstera Variegata, với tên gọi Việt khá chân phương là “trầu bà”, lá có từng vệt trắng xanh đan xen bất đối xứng, và như một biến tấu, lá của cây trở thành những tấm lụa mềm mại mịn mát như ban mai xanh, cảm nhận trong phiêu ảo có cả mùi hương của lá cỏ phảng phất, lụa là lá, mà lá cũng là lụa.
Có khoảnh khắc mơ màng, ướm mảnh lụa lên người, soi vào tấm gương trong suốt, như một chớp mắt ảo diệu, biến thành một ngọc nữ xiêm áo diễm lệ trâm cài lược giắt, và qua phản chiếu lung linh trong gương, bỗng chốc mỗi tấm lụa biến thành một tiên nữ tuyệt sắc hợp thành trong vũ điệu thiên tiên mê ảo quyến rũ kỳ lạ. “Người tốt vì lụa”, phải chăng vì thế mà lụa đã tôn vẻ đẹp mỹ nhân xưa nay, để mỹ nhân với lụa trở thành mối gắn kết tương ái mỹ miều tú lệ.
Có khoảnh khắc ngỡ ngàng, đưa tay chạm vào lụa để xem hư thực, bởi giống như ảo ảnh huyền hoặc, các hoa văn trên lụa phát quang phổ những tia sáng màu sắc lộng lẫy của các loại đá quý như kim cương, ruby, sapphire, emerald, aquamarine, topaz, thạch anh, cẩm thạch… Sắc lụa trắng, vàng, lục, lam, tím, đỏ, hồng… hòa vào nhau như một vũ trụ ngũ hành thu nhỏ, như có một sự chuyển động thần bí, rất động mà tĩnh, mang những thông điệp thời gian, nhân gian, để lụa cũng là một triết lý sống chân - thiện - mỹ.
Tôi là một “fan” của áo dài Việt, áo dài cảm hứng cả không gian bốn mùa, đặc biệt chiêu tuyết mặc khải vào mùa xuân, phải chăng vì thế mà Tháng Ba xuân là tháng của Lễ hội áo dài Việt. “Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ” - Nguyên Sa, và cũng vì thế mà tôi si mê kỳ lạ với lụa Việt.
Không lụa bất thành “Áo Dài”. Như một giao kết âm thầm thuộc về sở thích, mỗi lần ra Hà Nội, tôi lại dành chút thời gian để ngắm lụa. Và lần này như một mối lương duyên tương tư vẻ đẹp của lụa, mà tôi đắm vào thế giới lộng lẫy huyền ảo, mềm mại quyền rũ của ngàn năm sóng lụa tơ tằm.
Tạm biệt Lụa, có chút bâng khuâng khi nghe một khúc ca trù ở đình Kim Ngân, Hàng Bạc…
“Bãi xưa xanh ngắt ngàn dâu.
Người xưa áo lụa tình đầu chưa phai.
Tơ xưa sợi vắn sợi dài.
Chiều nay mây trắng Xứ Đòai còn không.
Em về áo lụa Hà-Đông…”
(Lê Trường Nhiên)
Lộng lẫy trong huyền ảo, mềm mại trong quyến rũ, sắc lụa Hà Nội phố xuân đã như một níu kéo vương vấn tương tư huyền hoặc trong tôi.
Tác giả Hoài Hương: Hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Hội viên Hội Điện ảnh TPHCM. Giải B truyện ngắn “Hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân” - Bộ Công an năm 2022; Giải Ba Bút ký “Những hy sinh thầm lặng” - Hội Nhà văn TPHCM năm 2022; Giải Ba Bút ký “Bếp nhà mình ngày Tết” - Tạp chí Du lịch TPHCM năm 2023; Giải Nhì Bút ký “Tam Nông” - Hội Nông dân TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM năm 2023. |