Thứ bảy, 10/02/2024, 11:45 (GMT+7)

Vị Tết qua những món cổ truyền

Thu Hà (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Món ăn truyền thống ngày Tết mang nét đặc trưng riêng, dù ai đi xa cũng luôn nhớ về hương vị quen thuộc này.

Nước ta có 3 miền Bắc, Trung, Nam với điều kiện địa lý mỗi vùng mỗi khác. Ẩm thực Tết mỗi miền cũng vậy, có những nét độc đáo riêng biệt không thể nhầm lẫn. Dịp Tết là thời điểm gia đình sum vầy, quây quần bên nhau làm những món ăn truyền thống.

Tết Nguyên đán ở Việt Nam có rất nhiều món ăn cầu kỳ trong cách chế biến, vừa tinh tế lại vừa mang nhiều ý nghĩa, tượng trưng cho sự may mắn, đủ đầy cả năm. Dù tới nơi đâu trên dải đất hình chữ S, bạn cũng sẽ bắt gặp mâm cơm ngày Tết có sự xuất hiện của: bánh chưng, giò lụa, xôi, canh măng… mà ăn hoài không ngán.

Bánh chưng

Một trong những món ăn không thể thiếu trong những ngày tết Nguyên đán của người Việt là bánh chưng. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất, là món ăn thể hiện lòng biết ơn của con người với đất trời. Các mâm cơm ngày Tết, đặc biệt của người miền Bắc, không thể thiếu loại bánh này.

banhchung1banhchung1
banhchung2banhchung2

Bánh chưng là sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu xanh ngọt bùi, thịt mỡ béo ngậy và mùi thơm của hành, tiêu, lá dong. Bánh chưng hiện hữu trong bàn thờ tổ tiên ngày Tết, trong mâm cỗ cúng quây quần chiều 30.

Hơn cả, nó còn ẩn sâu trong tiềm thức của mỗi người với những kỷ niệm, hồi ức ngồi canh nồi bánh chưng thuở nhỏ. Mọi người vẫn thường bảo, thấy bánh chưng là thấy Tết!

Dưa hành

Một trong những món dân dã nhưng lại có vị trí đặc biệt trong mâm cỗ cổ truyền của người miền Bắc chính là món hành muối chua, hay còn gọi là dưa hành.

dua-hanh

Dưa hành có vị cay cay, hơi chua, thường được dùng ăn kèm với bánh chưng hay thịt đông cũng như các món ăn khác trong ngày Tết, làm tăng thêm hương vị của thức ăn và còn giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn hơn. Đây chính là món chống ngán hữu hiệu nhất trong ngày Tết.

Canh khổ qua nhồi thịt

canh-kho-qua

Canh khổ qua (mướp đắng) được nấu vào dịp Tết với ý nghĩa mong cho những khó khăn, vất vả, cay đắng của năm cũ qua đi, sang năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi. Bên cạnh đó, ăn canh khổ qua ngày Tết còn giúp chống ngán hiệu quả, giúp tiêu hoá thức ăn dễ dàng, tránh đầy bụng, khó tiêu. Với nhiều gia đình, đây là món ngon ngày Tết không thể thiếu.

Củ kiệu tôm khô

Nếu mâm cơm truyền thống ngày Tết của người miền Bắc luôn có dưa hành thì người miền Nam lại chẳng thể thiếu hũ củ kiệu hay đĩa tôm khô trộn củ kiệu chua ngọt. Đặc biệt, người miền Nam không ăn củ kiệu với bánh tét mà thường ăn kèm tôm khô, tạo thành một món riêng.

cu-kieu-tom-kho

Thịt đông

Món ăn truyền thống quen thuộc vào mỗi dịp đầu năm không thể không nhắc tới thịt đông. Món ăn này được chế biến khá đa đạng, tùy theo khẩu vị của mỗi gia đình.

thit-dong

Thịt đông được làm từ thịt lợn ba chỉ, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Các nguyên liệu sau khi được ninh nhừ thì để nguội rồi cho ngăn mát tủ lạnh. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành thì thật đúng nghĩa Tết miền Bắc.

Xôi gấc

Mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu đĩa xôi nếp. Với mong muốn một năm nhiều may mắn, các gia đình thường lựa chọn xôi gấc để dâng lên mâm cúng ông bà tổ tiên, trời đất.

Theo quan niệm của người xưa, màu đỏ là màu của may mắn, màu của hạnh phúc lứa đôi. Vì vậy, trong những ngày lễ, Tết nhất định phải có một đĩa xôi gấc.

Xôi gấc được nấu từ gạo nếp ngon, trộn với gấc tươi rồi cho vào nồi hấp. Sau khi được đun chín, xôi sẽ có màu đỏ tươi rất đẹp và hấp dẫn.

Giò lụa

gio-lua

Giò lụa là một món ăn thường xuyên xuất hiện trong những bữa ăn của người dân Việt Nam và đặc biệt không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Giò lụa được làm từ thịt heo giã nhuyễn trong cối đá, gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những cây giò trắng mịn, giòn dai, thơm ngon còn là món quà Tết để mọi người tặng nhau.

Nem rán

Nem rán là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ Tết của người Việt. Nem rán nhìn đơn giản, nguyên liệu cũng dễ kiếm nhưng lại thể hiện hết sự tài hoa, tinh tế của người chế biến. Mang nhiều hương vị chua cay mặn ngọt nhờ các nguyên liệu chính như thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương, rau, giá đỗ... nên nem rán được coi là món ăn “quốc hồn, quốc túy”.

Canh măng khô

Nồi canh măng nấu cùng chân giò là một món ăn không thể thiếu của người dân miền Bắc và của người Hà Nội mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây cũng là một nét văn hóa thể hiện truyền thống của người Việt từ xa xưa với món ăn dân dã có nguồn gốc từ thiên nhiên như măng, khoai…

canh-mang

Vị ngọt thanh của bát canh măng cũng làm dịu đi cái chua của củ kiệu, dưa hành và bớt đi cái ngấy của những miếng thịt kho tàu béo ngậy trong mâm cơm ngày Tết. Được bưng bát canh hít hà làn hơi nóng tỏa ra xen lẫn mùi măng thơm nồng trong tiết trời se lạnh là cảm giác dù ai có đi đâu xa cũng khó lòng quên được.

Cùng chuyên mục