Thứ tư, 27/11/2024, 15:52 (GMT+7)

Nguyên nhân hàng loạt doanh nghiệp F&B "đuối sức", đóng cửa nhiều chi nhánh

Sau thời gian mở cửa rầm rộ, nhiều doanh nghiệp F&B tại TP HCM đã "đuối sức" và lần lượt rút khỏi thị trường, để lại sân chơi cho những thương hiệu lâu năm và mạnh về tài chính.

Thời gian vừa qua, nhiều người không khỏi bất ngờ khi thấy thông tin The Coffee House đồng loạt đóng cửa các chi nhánh tại TP HCM trên đường Phạm Văn Chiêu, Hoa Hồng. Chuỗi cà phê này trước đó cũng đồng loạt đóng cửa các chi nhánh ở thành phố Cần Thơ sau 5 năm hoạt động và đang có kế hoạch đóng cửa tại Đà Nẵng sau 7 năm hoạt động.

Tính đến cuối tháng 7, chuỗi cà phê này chỉ còn 115 cửa hàng, giảm gần 40 cửa hàng so với thời điểm hơn một năm trước (154 cửa hàng). Chuỗi vẫn duy trì hoạt động tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Tây Ninh, Nha Trang, Kiên Giang, Nghệ An...

z6073950624642_625e7b8393
The Coffee House đóng cửa nhiều chi nhánh trên cả nước trong năm 2024.

Trao đổi với báo chí, đại diện chuỗi cà phê The Coffee House cho biết, việc đóng cửa các cửa hàng ở thành phố Cần Thơ và sắp tới là Đà Nẵng là theo định hướng kinh doanh.

"Trong bối cảnh hiện tại, việc tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động trở thành công việc ưu tiên và thường xuyên. Quyết định này nhằm thích ứng với điều kiện thay đổi, giúp đảm bảo hiệu quả kinh doanh toàn hệ thống",  vị này nói.

Hay một thương hiệu cà phê gắn liền với một KOL nổi tiếng Trần Thanh Tùng (Tùng BT) là Monkey in Black cũng vừa tuyên bố sẽ đóng chi nhánh cuối cùng trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) đã tồn tại hơn 10 năm. Dự kiến, cửa hàng này sẽ đóng cửa vào ngày 30/11 tới. 

Trước đó, vào tháng 5 vừa qua, trà sữa Âm 18 độ C thông báo đóng cửa sau 19 năm hoạt động đã khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" bởi đây là thương hiệu trà sữa thanh xuân của nhiều người Sau đó, cửa hàng này đã hoạt động trở lại với hình thức chỉ bán online.

Theo Báo cáo ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam do nền tảng IPos.vn vừa công bố cho thấy, tính tới hết tháng 6 năm 2024, cả nước ghi nhận khoảng 304.700 cửa hàng ăn uống, giảm tới 3,9% so với cùng kỳ.

Doanh thu thị trường F&B tại Việt Nam
Doanh thu thị trường F&B tại Việt Nam. Đồ họa: iPOS.vn

Như vậy, đã có ít nhất 30.000 cửa hàng trên toàn quốc đã đóng cửa, cùng với số lượng mở mới có phần hạn chế. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tổng giá trị doanh thu ngành F&B gây bất ngờ với mốc 403,9 nghìn tỷ đồng, đạt 68,46% doanh thu của cả năm 2023. 

Cũng theo báo cáo, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng hai tới hơn 43,4%. Tháng 3 có tăng trưởng nhẹ và sau đó giảm đều tới giữa năm. Các doanh nghiệp ngày càng dè chừng trong việc phát triển kinh doanh trong 6 tháng cuối năm. Theo khảo sát, có 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô kinh doanh như hiện tại, trong khi đó, 34,4% dự kiến mở rộng thêm cơ sở mới. So với khảo sát cùng kỳ 2023, số lượng doanh nghiệp F&B có tham vọng tương tự lên tới 51,7%.

Sự suy giảm về doanh thu của các cửa hàng được khắc họa rõ nét qua xu hướng tiêu dùng của thị trường cà phê gần đây. Theo đó mức chi cho việc đi cà phê đã giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024, tần suất cũng giảm đáng kể.

Mặc dù mức giá từ 41.000 đồng  đến 71.000 đồng/ly trở nên phổ biến hơn, với sự tăng trưởng 11,5% về tỷ lệ người lựa chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly đã giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.

Dù đang trong giai đoạn khó khăn, ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn cho biết, các doanh nghiệp F&B Việt Nam đã cho thấy sự linh hoạt đáng kinh ngạc khi nhanh chóng điều chỉnh hoạt động, cắt giảm chi phí không cần thiết và tối ưu hóa dòng tiền. Đồng thời, sự sáng tạo không ngừng trong việc phát triển sản phẩm đã mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ, thu hút đông đảo thực khách.

Cùng chuyên mục