Thứ ba, 27/02/2024, 11:13 (GMT+7)

“Hâm nóng” tín dụng bất động sản

Nhật Linh (Theo An ninh Thủ đô)

Dù có nhúc nhích tăng nhưng tín dụng bất động sản vẫn rất khó khăn trong tháng đầu năm 2024, đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ pháp lý cho các dự án.

Ngân hàng vẫn thích cho vay bất động sản

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, tín dụng bất động sản tăng 11,81%, chiếm 21,28% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 35,38%, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.

Như vậy có thể thấy nhu cầu mua nhà của người dân gần như “đóng băng” trong năm 2023. Sang đến đầu năm 2024, một tín hiệu đáng mừng là cho vay lĩnh vực này tại một số ngân hàng, nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đã nhúc nhích có sự phục hồi.

Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay đã bớt “đóng băng” so với năm 2023, người dân bắt đầu có động thái đầu tư trở lại. Theo đó, tín dụng mua nhà tại Techcombank đã tăng nhẹ 0,5% trong tháng 1/2024, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản duy trì ổn định so với cuối năm ngoái.

Trên thực tế, tín dụng bất động sản tăng èo uột thời gian qua không phải các ngân hàng thắt chặt đối với lĩnh vực này. Bản thân nhiều ngân hàng cũng thừa nhận “thích” cho vay bất động sản, nhất là bất động sản tiêu dùng.

Các ngân hàng vẫn ưa thích cho vay bất động sản tiêu dùng
Các ngân hàng vẫn ưa thích cho vay bất động sản tiêu dùng

“Bất động sản nếu có đủ giấy tờ pháp lý, thì kể cả khủng hoảng kinh tế xảy ra, ngân hàng cũng không sợ mất vốn. Nếu cho vay sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp phá sản, ngân hàng có thể mất vốn vì “ôm” dây chuyền sản xuất cũng không biết làm gì. Còn nếu nhận tài sản cầm cố là bất động sản, nếu năm nay không bán được thì 2-3 năm sau bán vẫn thu hồi được vốn”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nói.

Pháp lý dự án vẫn là rào cản

Dù tín dụng bất động sản có ấm lên, nhưng theo đánh giá của các ngân hàng vẫn còn vô vàn khó khăn. Rào cản lớn nhất ngăn dòng vốn ngân hàng chảy vào lĩnh vực này là do những vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án thời gian qua. Cùng với đó là việc kinh tế khó khăn làm giảm nhu cầu mua nhà.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này tính tới cuối tháng 1/2024 đã giảm tới 2,3%, tương ứng giảm 30.000 tỷ đồng. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm này là do tín dụng tiêu dùng bất động sản tiếp tục đi xuống.

“Tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, các dự án mới được cấp phép và lượng bất động sản cung ứng ra thị trường rất ít, các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực đất đai làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư mới… là những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này”, ông Tùng cho biết.

Tương tự, tại Agribank, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, dư nợ tín dụng bất động sản đến cuối tháng 1/2024 tại Agribank là hơn 200.000 tỷ đồng, duy trì tương đương so với cuối năm 2023, không tăng trưởng. Theo lãnh đạo Agribank, người dân vẫn lựa chọn gửi vốn vào ngân hàng chứ không đầu tư.

“Nhiều dự án mới và dự án đang đầu tư gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Nhiều dự án đã tồn đọng 1-2 năm do vướng mắc tại chính quyền địa phương. Về việc này, NHNN cũng cần có ý kiến với các bộ, ngành để thống kê lại và có giải pháp tháo gỡ”, ông Phạm Toàn Vượng đề xuất.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cũng cho biết, các dự án bất động sản hiện vẫn đang trong quá trình tháo gỡ nhưng kết quả tháo gỡ thì hiếm. “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024", lãnh đạo MB kiến nghị.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, NHNN chưa bao giờ chủ trương siết tín dụng bất động sản. “Tuy vậy, quan điểm của NHNN là chỉ khuyến khích cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá cả phù hợp với nhu cầu ở thực, bất động sản khu công nghiệp… NHNN khuyến cáo các ngân hàng thương mại hạn chế giải ngân cho các dự án đầu cơ, vì sẽ khiến dòng vốn bị chôn chặt, không luân chuyển được” – Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại cần tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện, đặc biệt là các doanh nghiệp có dự án bất động sản đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.

Bên cạnh đó, cần chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.

Cùng chuyên mục