Thứ năm, 26/10/2023, 09:39 (GMT+7)

Đem tiền đi gửi tiết kiệm, cần lưu ý 5 lỗi nguy hiểm sau

Chỉ cần một vài sơ suất nhỏ, người gửi có thể mất số tiền vào tay những kẻ lừa đào. Vì vậy, khi đem tiền đi gửi tiết kiệm, người gửi cần lưu ý một số điểm sau để không bị mất tiền oan.

Liên quan đến các giao dịch gửi tiền tại một số ngân hàng, có thể thấy mặc dù quy trình, quy định được ban hành khá đầy đủ song vẫn bị khách hàng và cán bộ ngân hàng bỏ qua. Đây là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi phạm pháp. Chính vì thế, khi đem tiền đi gửi tiết kiệm, người gửi tuyệt đối không thực hiện các việc làm sau.

Ký sẵn chứng từ, nhờ người khác gửi hộ

Tất cả các hóa đơn, chứng từ liên quan đến các hoạt động giao dịch tại ngân hàng đều phải có nội dung rõ ràng. Theo đó, khi làm thủ tục gửi tiền hoặc rút, chuyển tiền, trong bất cứ trường hợp nào thì khách hàng cũng không được ký vào các tờ giấy trắng hay nhờ người khác ký hộ. 

Nếu nhẹ dạ cả tin, người khác có thể điền thông tin vào đó nhằm rút tiền của khách hàng theo nhiều cách khác nhau, thậm chí tin nhắn rút tiền cũng không được gửi đến số điện thoại mà người gửi đã đăng ký trước đó. Như vậy, tiền của bạn sẽ không cánh mà bay.

Khách hàng không gửi tiền tại quầy

Theo quy định tại các ngân hàng, khi gửi tiền tiết kiệm, khách hàng phải gửi tiền trực tiếp tại quầy. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có một số trường hợp đặc biệt với khách hàng VIP, thường được các nhân viên quen biết hỗ trợ mở tài khoản gửi tiền mà không cần đến ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. 

Tìm hiểu cách làm sổ tiết kiệm ngân hàng. Mở sổ cần lưu ý gì?
Nên đến trực tiếp ngân hàng khi gửi tiền tiết kiệm. (Ảnh: Anfit)

Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo đã mạo danh nhân viên ngân hàng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Thực tế cũng có một số người là nhân viên ngân hàng thực sự nhưng khi đứng trước số tiền khổng lồ họ lại không nộp tiền vào tài khoản của khách hàng hoặc không đưa đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho khách hàng ký hay tráo hồ sơ hòng chiếm đoạt tài sản. 

Vậy nên, dù tiền ít hay nhiều, người gửi nên trực tiếp đến ngân hàng để mở sổ. Đây là cách tốt nhất để đảm bảo số tiền tích góp của bạn vẫn được an toàn. Hơn nữa, khi giao dịch tại quầy, khách hàng sẽ được camera ghi hình và đây là bằng chứng rất tốt khi có sự cố xảy ra sau này.

Gửi tiền trước, nhận sổ sau

E ngại việc chờ đợi lâu khi gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng, dưới sự dụ dỗ của nhân viên ngân hàng, nhiều người đã vô tình tạo điều kiện cho người khác thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nhân viên ngân hàng bằng cách tạo niềm tin sẽ gợi ý bạn gửi tiền trước và lần sau đến nhận sổ tiết kiệm, chứng từ. 

Tuy nhiên, sau đó nhân viên nghỉ việc hoặc bỏ trốn và mang theo luôn số tiền của khách hàng, khi ấy không có gì chứng minh đó là tiền của mình, người gửi sẽ rất thiệt thòi. Do đó, ngoài việc đến ngân hàng thì mọi người nên mở sổ đúng quy trình, giao tiền và nhận đủ sổ cũng như chứng từ xác nhận.

Sau khi gửi tiền tiết kiệm và nhận sổ hãy kiểm tra nội dung chi tiết

Đề phòng trường hợp sổ tiết kiệm bị nhập nhầm vào hệ thống, sau khi gửi tiền tiết kiệm và nhận sổ, người nhận phải kiểm tra lại nội dung và sổ, nhất là số tiền, dễ bị nhầm nhất là dư hoặc thiếu số 0.

Rắc rối thừa kế sổ tiết kiệm - Tuổi Trẻ Online
Sau khi hoàn tất giao dịch, người gửi cần kiểm tra đầy đủ các thông tin tránh trường hợp sai sót. (Ảnh: Quang Định)

Các thông tin khác cũng cần kiểm tra bao gồm:

  •  Tên ngân hàng.
  •  Loại hình tiền.
  •  Kỳ hạn gửi tiền.
  •  Ngày gửi tiền và ngày đến hạn.
  •  Lãi suất.
  •  Phương thức trả lãi.
  •  Họ tên, địa chỉ, số CMND hoặc thẻ Căn cước công dân của chủ sở hữu gửi tiền tiết kiệm và đồng sở hữu (nếu có).

Lưu ý khi giao dịch online

Khách hàng nên thận trọng khi vào các trang web lạ và có tính bảo mật kém trên máy tính hoặc điện thoại. Theo đó, khi nhận tin nhắn giả mạo ngân hàng từ các trang mạng xã hội, email... tuyệt đối không được nhấp vào các đường link lạ. Tương tự, bạn cần chú ý các cuộc gọi giả danh Công an, Viện kiểm sát, nhân viên bưu điện... viện lý do để yêu cầu đọc số tài khoản tiết kiệm. Việc làm này có thể dẫn đến truy cập vào tài khoản ngân hàng của bạn và rút hết số tiền hiện có. Thực tế, nhiều người đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo này.

Ngoài ra, khách hàng cũng nên thường xuyên có chương trình quét virus của các hãng phần mềm uy tín và luôn cập nhật phiên bản mới; luôn tiếp nhận kịp thời các thông báo của ngân hàng nơi mở tài khoản về các cảnh báo rủi ro trong giao dịch trực tuyến.

Cùng chuyên mục