Thứ bảy, 25/11/2023, 14:22 (GMT+7)

Gojek có thể sẽ rời thị trường Singapore

Minh Sơn (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Áp lực có lợi nhuận đang khiến các siêu ứng dụng Đông Nam Á như Gojek phải cân nhắc tối ưu và tinh giảm vận hành ở các thị trường cạnh tranh cao.

Tài xế Gojek tại Singapore có thể đang vui mừng vì khoản phí hoa hồng trả cho Gojek mới đây được cắt giảm. Song, các nhà nghiên cứu thị trường lại nhìn nhận điều này u ám hơn. Theo đó, Gojek có thể đang cân nhắc rời thị trường Singapore.

Hồi tháng 10, Gojek cho biết sẽ giảm phí hoa hồng tài xê cần thanh toán cho Gojek từ mức 15% xuống còn 10%. Điều này sẽ được áp dụng từ tháng 11/2023 cho tới tối thiểu là cuối năm 2024. Đây được xem là động thái Gojek áp dụng để hỗ trợ tài xế trong bối cảnh giá cả leo thang và thu hút theo nhiều tài xế hơn đến với Gojek.

anh
(Ảnh: Tech in Asia).

Dù vậy, theo DBS Group Research, việc cắt giảm phí hoa hồng này sẽ làm trầm trọng hơn các khoản lỗ của Gojek và công ty mẹ GoTo. DBS nhận định khả năng Gojek tiếp tục kinh doanh ở Singapore là “yếu” đồng thời cho rằng Gojek sẽ rời thị trường này trong trung đến dài hạn. DBS điều chỉnh quan điểm này vào hôm 25/10 song nhà phân tích Andy Sim nói rằng quan điểm của họ về sự khắc nghiệt của thị trường là “không thay đổi”.

Lúc này, GoTo đang chịu nhiều áp lực phải có lãi từ các nhà đầu tư và việc cắt giảm phí hoa hồng có thể sẽ đặt thêm thách thức cho mục tiêu này.

Đến hết quý II/2023, GoTo thu hẹp khoản lỗ xuống 3,3 nghìn tỷ rupiah (207 triệu USD) từ con số 7,6 nghìn tỷ rupiah (477 triệu USD) của cùng kỳ năm 2022.

Ở mảng gọi xe, EBITDA sau điều chỉnh của công ty này cải thiện lên mức âm 164 tỷ rupiah từ âm 1,4 nghìn tỷ rupiah một năm trước đó. Hiện tại Indonesia vẫn là thị trường lớn nhất của GoTo tại Đông Nam Á.

Lựa chọn phương án

Trong bối cảnh hiện tại, GoTo có thể sẽ tiếp tục dành nguồn lực và sự chú ý cho Indonesia. Việc chính phủ Indonesia cấm các mạng xã hội như TikTok thực hiện giao dịch TMĐT là một yếu tố tích cực cho mảng kinh doanh TMĐT (Tokopedia) của GoTo. Trước đó, Tokopedia không chỉ phải thuyết phục người dùng mà còn phải thuyết phục cả các nhà bán hàng lựa chọn nền tảng của mình.

Trong một báo cáo, UBS Securities Asia nhận định Tokopedia là sàn TMĐT được hưởng lợi nhiều nhất trước các khó khăn của TikTok Shop ở Indonesia.

Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2022” của Bain, Google và Temasek, tổng giá trị hàng hóa giao dịch TMĐT của Indonesia sẽ chạm mốc 95 tỷ USD vào năm 2025. Điều này khẳng định Indonesia sẽ vẫn là thị trường cạnh tranh quan trọng của Tokopedia với các đối thủ như Shopee hay Lazada. Các dịch vụ tài chính mà GoTo triển khai ở Indonesia cũng có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi.

GoTo Financial mới đây hợp tác với Bank Jago để cho phép người dùng truy cập tài khoản ngân hàng ngay trong ứng dụng Gojek hay GoPay. Trước đó, dịch vụ ví điện tử GoPay cũng được Gojek mở rộng.

Các dịch vụ mới này có thể tiếp cận tới khoảng 97 triệu người trưởng thành chưa được ngân hàng phục vụ tại Indonesia.

Tăng trưởng nhờ thị trường Indonesia

Cuộc đua phục vụ nhóm dân số chưa được ngân hàng phục vụ tại Indonesia không dễ. Các công ty công nghệ như Sea, Grab hay WeLab đều đã thâu tóm các ngân hàng Indonesia và biến chúng thành ngân hàng số cho nhóm người dùng này.

Khi Gojek mua 22% cổ phần của Bank Jago vào tháng 12/2020, mục đích lúc đó là để người dùng Gojek có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng số. Quyết định này hiện đang mang lại trái ngọt.

Ở một diễn biến khác, Grab mới đây đã mua đơn vị vận hành taxi lớn thứu 3 Singapore là Trans-cab, điều này khiến cạnh tranh với các công ty như Gojek căng thẳng hơn bao giờ hết. Lúc này, Tech in Asia nhận định Gojek sẽ cần cân nhắc cơ hội lớn ở Indonesia đồng thời đánh giá việc cạnh tranh ở Singapore còn ý nghĩa hay không. Từ góc nhìn này, sẽ không quá bất ngờ nếu Gojek rời Singapore

Từ khóa:
Cùng chuyên mục