Thứ sáu, 21/06/2024, 19:30 (GMT+7)

Giá xăng dầu hôm nay 22/6: Hạ nhiệt do đồng USD tăng mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 22/6 trên thị trường trong nước, quốc tế như thế nào? Giá xăng RON95-III, giá xăng E5RON92, giá dầu diesel 0.05S, giá dầu hỏa, giá dầu mazut 180CST 3.5S ra sao… sẽ được Tiếp thị & Gia đình cập nhật liên tục.

giaxang22

Giá xăng dầu hôm nay trong nước

Giá xăng dầu hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 22/6 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 20/6 của liên bộ Tài chính – Công Thương.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 198 đồng/lít, lên mức 21.508 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 231 đồng/lít lên mức 22.466 đồng/lít. Giá dầu điêzen 0.05S tăng 720 đồng/lít, lên mức 20.360 đồng/lít; dầu hỏa tăng 497 đồng/lít, ở mức 20.356 đồng/lít; dầu madút 180CST 3.5S tăng 334 đồng/kg, lên mức 17.223 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu madút.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 25 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 10 kỳ tăng đồng loạt, 7 kỳ giảm giá, 8 kỳ giảm giá xăng dầu tăng – giảm đan xen.

Giá xăng dầu hôm nay thế giới

Giá xăng dầu hôm nay, trên thị trường thế giới, ghi nhận trên Oilprice lúc mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 22/6, giá dầu WTI ở mốc 80,59 USD/thùng, giảm 0,69% (tương đương giảm 0,56 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 85,16 USD/thùng, giảm 0,64% (tương đương giảm 0,55 USD/thùng).

Giá dầu thô thế giới giảm khoảng 1% vào phiên giao dịch hôm nay do lo ngại rằng tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi đồng Đô la Mỹ mạnh và tin tức kinh tế tiêu cực từ một số nơi trên thế giới. Giá giảm bất chấp dấu hiệu nhu cầu dầu của Mỹ cải thiện và tồn kho nhiên liệu giảm đã giúp đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất 7 tuần một ngày trước đó.

Theo Reuters, đồng USD đã tăng lên mức 105,81 - mức cao nhất trong 8 tuần so với đồng yên nhờ cách tiếp cận kiên nhẫn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất, trái ngược với đợt cắt giảm lãi suất lần thứ 2 liên tiếp của Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ và gợi ý từ Ngân hàng Anh về việc giảm lãi suất vào tháng 8.

Theo đó, Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong 2 năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát gia tăng. Lãi suất cao hơn đã làm tăng chi phí đi vay đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu về dầu. Đồng Đô la Mỹ mạnh hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu về dầu bằng cách làm cho các mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Tuần trước, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, tổng sản phẩm được cung cấp, đại diện cho nhu cầu dầu, đã tăng 1,9 triệu thùng/ngày lên 21,1 triệu thùng/ngày. Mặc dù giá dầu thô giảm, giá xăng kỳ hạn tại Mỹ vẫn tăng ngày thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất trong 1 tháng do nhu cầu tăng trong mùa lái xe mùa Hè và tồn kho giảm, theo Kinh tế Chứng khoán Việt Nam.

Cùng chuyên mục