Giá vàng trồi sụt, người tiêu dùng băn khoăn
Giá vàng liên tục tăng giảm những ngày qua quanh mốc 80 - 82 triệu đồng/lượng vàng miếng và 69 - 71 triệu đồng/lượng vàng nhẫn khiến nhiều người lo lắng: nên hay không nên đầu tư vào vàng?
Đứng hồi lâu trước cửa hàng của một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc có tiếng nằm trên “phố vàng” Trần Nhân Tông, Hà Nội, chị Minh Anh lưỡng lự: "Lương của tôi hiện tại là 15 triệu đồng/tháng, nếu tính theo giá vàng của năm ngoái thì sau 1 năm chi tiêu tích cóp tôi vẫn để dành được 1 lượng vàng. Năm vừa rồi tôi bận không kịp đi mua, không ngờ đến giờ sau hơn 2 tháng tôi phải bỏ thêm 8 triệu nữa mới mua được 1 lượng. Giá mua vào - bán ra chênh 2 triệu thế này thì vừa mua xong đã mất, mà chưa biết ôm đến bao giờ mới có lãi?".
Băn khoăn của chị Minh Anh là có cơ sở. Ngày 31.12.2023 giá vàng miếng là 74 triệu đồng/lượng, đến 10h sáng ngày 19.3.2024 giá bán vàng miếng SJC (thương hiệu quốc gia, loại vàng miếng duy nhất đang được lưu hành) đã lên 81,9 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giữa giá mua vào và giá bán tới 2 triệu đồng/lượng. Mức chênh này tuy đã được thu hẹp nhiều so với trước đó nhưng rõ ràng người mua vừa "xuống tiền" là đã mất ngay 2 triệu đồng.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn cùng thương hiệu là 67,5 triệu đồng/lượng mua vào và 68,7 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, giá vàng miếng vẫn cao hơn giá vàng nhẫn tới 13,2 triệu đồng/lượng.
Trên thực tế, giá vàng trong nước không chịu tác động trực tiếp của giá vàng thế giới bởi nhiều năm nay nước ta không nhập khẩu vàng. Tuy nhiên, nếu lấy giá 10h ngày 19.3.2024 là 2.160,7 USD/ounce (1 ounce tương đương 8,3 chỉ vàng) nhân với tỷ giá bán ra của Ngân hàng Vietcombank cùng thời điểm là 24.890 đồng/USD thì giá vàng thế giới quy đổi chỉ là 64,8 triệu đồng/lượng, chưa kể thuế, phí và vẫn thấp hơn giá trong nước khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Còn nếu dùng lương cơ sở (mức hiện hành là 1.800.000 đồng/tháng) làm mốc so sánh, thì 1 lượng vàng miếng SJC hiện tại đang có giá trị tương đương 45,5 tháng lương cơ sở. Trong khi giá vàng thời điểm cuối năm 2023 tương đương 41 tháng lương cơ sở.
Trong bối cảnh đó có nên tham gia mua bán vàng hay không? Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú phân tích: nếu không mua và trữ vàng từ giai đoạn giá thấp trước đó thì đầu tư vào vàng thời điểm này hầu như không có khả năng sinh lời. “Với giá vàng miếng hiện tại, sau khi thanh toán, người mua đã mất ngay 2 triệu đồng/lượng, mua vàng nhẫn thì mất 1,2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, nếu đua nhau mua đuổi đẩy giá vàng lên thì vô hình chung làm giảm thu nhập thực tế của người lao động, dù vàng không còn nằm trong rổ giá trị hàng hóa tính chỉ số giá” - ông Phú chia sẻ.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cố vấn Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, phân tích: “Riêng tôi thấy mua giá đỉnh kỷ lục thì lúc nào cũng có nhiều rủi ro. Nếu bạn không sành kinh doanh vàng thì rất dễ rơi vào tình trạng “mua đỉnh bán đáy”. Hơn nữa, đầu tư vào vàng phải tính trung hạn, dài hạn từ sáu tháng đến một năm thì mới thấy được lời hay lỗ, chứ nếu chỉ đầu tư trong một vài ngày hay một vài tuần theo kiểu “lướt sóng” rất dễ thua lỗ. Chênh lệch mua bán hiện nay lên tới 2 triệu đồng/lượng đã là mất lãi rồi”.
Cần nhắc lại, trước khi có Nghị định 24/2012, trên thị trường ngoài vàng miếng SJC (lúc đó là thương hiệu riêng của Công ty VBĐQ Sài Gòn), còn có các thương hiệu Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín - Minh Châu, Phượng Hoàng của PNJ, DOJI của DOJI, SBJ của Sacombank, AAA của Agribank…được đánh giá cao về uy tín và chất lượng.
Cũng giai đoạn đó, có những năm NHNN cấp hạn mức (quota) nhập khẩu hơn 100 tấn vàng. Nhưng đã nhiều năm nay nước ta không nhập khẩu vàng. Theo tính toán của VGTA, nhu cầu vàng hiện khoảng 50 - 60 tấn/năm.Vàng nữ trang tái chế tái sinh đáp ứng mức độ cao nhất cũng chỉ khoảng 4 - 5 tấn, không đủ đáp ứng nhu cầu đó. Khan hiếm nguyên liệu dẫn đến giá vàng trong nước “một mình một chợ”, ngày càng chênh lệch với giá thế giới, từ đó kích thích nhập lậu vàng./.