Đồ gia dụng đa năng có đáng mua không? Khi nào nên chọn thiết bị 2 trong 1 để vừa tiện, vừa tiết kiệm?
Không thể phủ nhận sức hút của các thiết bị gia dụng đa năng – nồi vừa nấu cơm vừa hầm xương, máy hút bụi kiêm lau nhà, máy giặt tích hợp sấy… Nhưng liệu món đồ “nhiều trong một” có thật sự đáng đầu tư?
Mỗi tháng chỉ chọn 1 món: Cách tôi sắm đồ gia dụng mà không bị vung tay quá trán
Máy hút bụi cầm tay mini: Nhỏ gọn, tiện dụng nhưng có thực sự hiệu quả?
Không cần quá nhiều đồ, chị em chỉ cần sắm 5 món này là đủ cho căn bếp gọn gàng – tiện lợi – sạch sẽ
Câu chuyện của chị Thu Hà, 42 tuổi (TP.HCM) là một ví dụ điển hình cho việc mua sắm thông minh, biết lúc nào nên “gộp”, lúc nào nên “tách”.
Đồ đa năng: Tiện gọn nhưng không phải lúc nào cũng tiết kiệm
Chị Hà từng không ít lần bị hấp dẫn bởi các video review đồ gia dụng đa năng trên mạng. “Máy ép chậm kiêm xay sinh tố, nồi chiên không dầu có luôn chế độ hấp, nghe rất tiện, giá cũng tốt. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận ra không phải cái gì gộp lại cũng tối ưu,” chị chia sẻ.

Một trong những thiết bị chị từng tiếc nuối nhất là máy giặt sấy 2 trong 1. “Tôi mua vì nghĩ tiết kiệm diện tích. Nhưng máy giặt xong phải đợi 30 phút mới chuyển sang chế độ sấy, không thể tách rời hai khâu. Vào mùa mưa, đồ sấy xong vẫn còn ẩm, lại tốn điện. Sau cùng tôi phải mua máy sấy riêng".
Khi nào nên mua đồ 2 trong 1?
Không phải món đồ đa năng nào cũng đáng đầu tư. Để tránh mua về rồi bỏ xó, chị Thu Hà khuyên nên cân nhắc theo 4 tiêu chí sau:
Không gian sống nhỏ, cần tối ưu diện tích
Nếu bạn đang sống trong căn hộ nhỏ, nhà trọ hoặc không có nhiều chỗ để đồ, các thiết bị đa năng sẽ giúp tiết kiệm diện tích đáng kể.
Ví dụ: Một chiếc nồi chiên không dầu kiêm lò nướng sẽ tiết kiệm cả chỗ để nồi lẫn lò vi sóng.
Lưu ý: Hãy chọn loại thiết kế gọn, dễ vệ sinh, không chiếm quá nhiều chiều cao khi đặt lên kệ bếp.
Gia đình ít người, nhu cầu sử dụng không quá cao
Đồ 2 trong 1 phù hợp với hộ gia đình 1–2 người hoặc những ai nấu ăn vừa đủ, không cần công suất lớn.
Ví dụ: Với gia đình 2 người, máy hút bụi kiêm lau nhà là vừa đủ để dọn sàn mỗi ngày. Nhưng nếu nhà có trẻ nhỏ hay nuôi thú cưng, thiết bị riêng biệt sẽ bền và chuyên sâu hơn.

Các chức năng không ảnh hưởng đến nhau khi dùng
Nên chọn thiết bị mà hai chức năng có thể hoạt động độc lập, hoặc luân phiên hiệu quả – tránh tình trạng "chức năng này đợi chức năng kia xong mới dùng được".
Ví dụ nên mua: Nồi áp suất điện kiêm hấp – hầm – nấu cơm vì đều dùng hơi nước, thời gian nấu gần tương tự nhau.
Ví dụ không nên mua: Máy giặt sấy 2 trong 1, vì giặt xong phải đợi máy nghỉ rồi mới sấy, không phù hợp với nhu cầu giặt đồ liên tục, đặc biệt mùa mưa.
Thường xuyên sử dụng cả hai chức năng
Đừng vì “tiện lợi” trên lý thuyết mà mua đồ đa năng rồi chỉ dùng một chức năng. Khi đó, thiết bị sẽ hao mòn không đều, dễ hỏng, lãng phí chi phí đầu tư.
Ví dụ: Nếu chỉ ép nước trái cây mỗi tuần, còn hiếm khi xay sinh tố – thì máy ép kiêm xay sinh tố sẽ không phát huy hiệu quả. Lúc này, nên mua loại đơn năng, nhỏ gọn, dễ bảo quản.
Gợi ý nhỏ từ chị Hà: "Tôi thường đặt câu hỏi: Mình sẽ dùng món này bao nhiêu lần/tuần? Nếu dưới 3 lần, tôi sẽ cân nhắc kỹ, vì có thể đó chỉ là hứng thú nhất thời".
Thiết bị 2 trong 1 đáng mua nhất hiện nay
- Robot hút bụi kiêm lau nhà: Tiết kiệm công sức dọn dẹp mỗi ngày, đặc biệt phù hợp với nhà sàn gỗ, có trẻ nhỏ.
- Nồi áp suất điện kiêm hầm – nấu cơm – hấp: Dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian nấu nướng, đặc biệt cho gia đình bận rộn.
- Nồi chiên không dầu kiêm lò nướng: Có thể thay thế cả lò vi sóng, tiện lợi với các món nướng, chiên giòn mà không lo nhiều dầu mỡ.
Chốt lại, chị Hà cho rằng: “Đồ gia dụng đa năng rất hữu ích nếu biết chọn đúng món, đúng nhu cầu. Quan trọng nhất là đừng mua vì lời quảng cáo, mà hãy hỏi kỹ: Mình có dùng nó hàng ngày không? Nếu chỉ dùng 1–2 lần rồi cất, thì dù đa năng đến đâu cũng là lãng phí”.