Diễu binh, diễu hành và duyệt binh: Biểu tượng sức mạnh, niềm kiêu hãnh dân tộc
Diễu binh, diễu hành và duyệt binh không chỉ là nghi lễ trang trọng mà còn là biểu tượng sức mạnh, khơi dậy niềm tự hào và khí thế dân tộc.
Khách đổ về TP.HCM xem lễ diễu binh dịp nghỉ lễ 30/4, loạt tour 'cháy vé'
Hơn 100.000 học sinh Cà Mau sẽ được trang bị kiến thức an toàn giao thông và kỹ năng sơ cấp cứu
Hiểu về diễu binh, diễu hành và duyệt binh
Trong những dịp lễ lớn của đất nước, đặc biệt là các mốc son lịch sử như ngày Thống nhất 30/4, các hoạt động như diễu binh, diễu hành hay duyệt binh thường xuyên được tổ chức trang trọng và đầy khí thế. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ sự khác biệt giữa ba hình thức biểu dương lực lượng này. Việc nắm rõ khái niệm không chỉ giúp người dân thêm hiểu, thêm tự hào, mà còn cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần dân tộc được thể hiện qua từng bước chân đồng đều, từng đội hình khí thế.

Diễu binh là hoạt động của lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố với hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, nhằm biểu dương sức mạnh.
Diễu binh thường được tổ chức trong các lễ kỷ niệm trọng đại như Quốc khánh, Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước... Mục đích là phô diễn đội ngũ, thể hiện kỷ luật, sự tinh nhuệ và trang bị hiện đại của quân đội. Trong các cuộc diễu binh, lực lượng tham gia chủ yếu là các đơn vị quân sự mang theo vũ khí, khí tài cá nhân. Một số trường hợp có thể kết hợp với các lực lượng quần chúng để tạo nên quy mô lớn và tính đại diện cao.

Trong khi đó, duyệt binh là hoạt động mang tính nghi lễ cao, là dịp để lãnh đạo cấp cao duyệt qua đội hình của các lực lượng vũ trang. Đây không đơn thuần là sự di chuyển biểu dương mà là hình thức kiểm tra mang tính tượng trưng đối với sự chỉnh tề, đồng bộ và trang bị của quân đội.
Khác với diễu binh, duyệt binh thường có sự tham gia của những lực lượng tinh nhuệ nhất từ nhiều quân binh chủng khác nhau. Không chỉ có vũ khí cá nhân, các đơn vị còn trình diễn khí tài hiện đại như xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành, máy bay chiến đấu… nhằm khẳng định tiềm lực quốc phòng, gửi thông điệp mạnh mẽ về sự sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.

Nếu như diễu binh và duyệt binh mang đậm tính quân sự thì diễu hành lại là màn trình diễn của các đoàn thể, tầng lớp nhân dân. Diễu hành là đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, thể hiện khí thế và sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.
Các khối diễu hành thường bao gồm đại diện công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, trí thức, doanh nhân… được tổ chức thành từng đoàn theo chủ đề. Qua đó truyền tải thông điệp về sự đồng lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ đất nước.

Dù mang sắc thái riêng, cả diễu binh, duyệt binh lẫn diễu hành đều nhằm thể hiện lòng tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết và sức mạnh của một quốc gia độc lập, hùng cường. Trong đó, diễu binh và duyệt binh là hai hoạt động song hành, tạo nên không khí trang nghiêm và hùng tráng của các buổi lễ cấp quốc gia, còn diễu hành bổ sung màu sắc quần chúng, góp phần làm nên bản hòa âm đoàn kết và quyết tâm phát triển đất nước.
Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025), TP.HCM tổ chức lễ diễu binh, diễu hành quy mô lớn, cùng nhiều hoạt động nghệ thuật, trình diễn công nghệ hiện đại, thể hiện một Việt Nam không chỉ kiên cường trong chiến tranh, mà còn đang phát triển mạnh mẽ trong thời bình. Hiểu đúng và trân trọng những biểu tượng như diễu binh hay duyệt binh cũng chính là một cách để mỗi người dân thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào và trách nhiệm với tương lai đất nước.
Rực rỡ Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
Sáng 30.4, tại TP.HCM sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với nhiều hoạt động đặc biệt. Theo đó, Lễ kỷ niệm chính thức diễn ra lúc 6 giờ 30 ngày 30.4 tại trục đường Lê Duẩn (Q.1), trước lễ đài chính đặt tại Hội trường Thống Nhất – nơi ghi dấu thời khắc lịch sử 30.4.1975.
Sự kiện sẽ bắn 21 phát đại bác, diễu binh – diễu hành với 13.000 người đại diện cho 48 khối lực lượng. Đoàn xuất phát từ giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Lê Duẩn, tiến qua lễ đài chính, sau đó tỏa về 4 hướng. Các khối diễu binh bao gồm lực lượng quân đội, dân quân tự vệ, công an và khối quần chúng nhân dân, cùng với xe mô hình Quốc huy, cờ Đảng – cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu tượng 50 năm thống nhất...

Đặc biệt, chương trình còn có màn bay chào mừng của không quân với 13 trực thăng, 9 máy bay huấn luyện Yak-130 và 7 tiêm kích Su-30MK2, tạo nên bức tranh rực rỡ trên bầu trời thành phố mang tên Bác.
Song song với lễ diễu binh là chuỗi hoạt động hoành tráng về đêm. Vào tối 30.4, TP.HCM sẽ trình diễn 10.500 drone ánh sáng trên bầu trời sông Sài Gòn và trung tâm Q.1 – một trong những màn trình diễn drone lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Pháo hoa sẽ được bắn tại 30 địa điểm, gồm 2 điểm tầm cao (công viên bờ sông Sài Gòn, Đền Bến Dược – Củ Chi) và 28 điểm tầm thấp ở các quận, huyện. Trước đó, các đêm 19.4 và 26.4 cũng có pháo hoa và drone trình diễn tại TP.Thủ Đức và phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Một chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra từ 19 giờ 30 đến 21 giờ 30 trong các ngày 19, 26, 29 và 30/4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và khu vực trước trụ sở UBND TP.HCM. Đáng chú ý là chương trình 3D Mapping nghệ thuật kết hợp với các nhóm sáng tạo quốc tế từ Pháp, Singapore, Bỉ, Việt Nam.
Một điểm nhấn chưa từng có trong các lễ kỷ niệm trước là chương trình diễu hành kỵ binh đặc biệt của Bộ Công an, diễn ra trên đường Nguyễn Huệ vào tối 30.4. Kết nối với đó là hoạt động cộng đồng “Vũ điệu khăn rằn”, thể hiện hình ảnh người dân Nam Bộ giàu truyền thống cách mạng trong ngày hội lớn.
50 năm nhìn lại, TP.HCM – Thành phố anh hùng – tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu cả nước bằng những hoạt động tri ân lịch sử, kết nối tương lai, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thời đại mới.