Bỏ túi tuyệt chiêu để tránh bị “chặt chém” khi đi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, ai cũng nên lưu lại ngay
Những tuyệt chiêu đơn giản nhưng cực kỳ hữu ích này sẽ giúp bạn tránh bị “chặt chém” khi du lịch dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 từ lúc lên kế hoạch đến khi kết thúc hành trình.
Yêu Đà Lạt đến mức một năm phải đi 3 lần, cô gái 25 tuổi chia sẻ công thức 'chill không tốn kém'
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: Nên đi du lịch ở đâu để vừa vui vừa tránh 'biển người'?
Nghỉ lễ 30/4 – 1/5 là dịp cao điểm du lịch, cũng là thời điểm không ít du khách rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì bị hét giá dịch vụ, ăn uống, lưu trú hay phương tiện di chuyển. Vậy làm sao để chuyến đi vẫn vui mà không bị "móc ví" oan uổng? Đừng lo lắng, chỉ với một vài mẹo nhỏ dưới đây, bạn hoàn toàn có thể tận hưởng kỳ nghỉ trọn vẹn, vừa vui chơi thả ga mà vẫn giữ ví an toàn.
Lên kế hoạch và đặt trước tất cả dịch vụ
Đừng chờ đến sát ngày đi mới bắt đầu tìm vé xe, đặt phòng hay book tour – bởi đây chính là thời điểm giá cả leo thang chóng mặt. Thay vào đó, hãy lên kế hoạch từ sớm, xác định điểm đến, thời gian cụ thể và danh sách dịch vụ cần thiết. Sau đó, tiến hành đặt trước tất cả: từ vé máy bay, vé tàu, xe khách đến khách sạn, homestay, vé tham quan nếu có.

Việc này không chỉ giúp bạn tránh bị ép giá vào phút chót mà còn đảm bảo có nhiều lựa chọn với mức giá hợp lý hơn. Ngoài ra, nhiều đơn vị còn có chính sách giảm giá cho khách đặt sớm, nên bạn vừa tiết kiệm tiền, vừa yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ mà không lo bị “hớ”.
Kiểm tra kỹ giá cả, menu trước khi ăn uống
Đừng ngại hỏi giá! Nhiều trường hợp “chặt chém” khi đi du lịch bắt nguồn từ việc khách gọi món mà không rõ giá, hoặc quán không niêm yết menu rõ ràng. Trước khi gọi món, hãy yêu cầu xem thực đơn có ghi giá cụ thể. Nếu không có, hãy hỏi trực tiếp từng món để tránh rơi vào cảnh “tá hỏa” khi nhận hóa đơn.
Ngoài ra, nên ưu tiên chọn những quán ăn có menu công khai, được đánh giá tốt trên các nền tảng như Google Maps, Foody, hay hội nhóm du lịch. Một mẹo nhỏ khác là hãy quan sát: quán đông khách địa phương thường sẽ uy tín hơn những nơi chỉ tập trung “chặt” khách du lịch.
Nói rõ yêu cầu và xem kỹ lại hóa đơn thanh toán
Một trong những chiêu thường gặp khiến khách du lịch bị “hét giá” là lợi dụng sự mơ hồ trong trao đổi dịch vụ. Để tránh rắc rối, hãy nói thật rõ ràng và cụ thể yêu cầu của mình với người cung cấp dịch vụ: từ thời gian, số lượng món ăn, kích cỡ, đến đơn giá từng hạng mục.
Ví dụ, nếu bạn gọi một phần hải sản, hãy hỏi kỹ: “1 kg là bao nhiêu tiền?”, “Phần này chế biến theo cách nào?”, “Tính tiền theo ký hay theo suất?”,... Đừng để tình huống “tưởng vậy mà không phải vậy” làm hỏng chuyến đi.

Sau khi sử dụng dịch vụ, nhất định phải kiểm tra kỹ hóa đơn. Đối chiếu lại từng món, từng mức giá xem có khớp với thỏa thuận ban đầu hay không. Nếu phát hiện điểm bất hợp lý, hãy yêu cầu giải thích rõ ràng và đừng ngại phản hồi.
Việc chủ động kiểm tra hóa đơn không chỉ giúp bạn tránh bị tính sai mà còn là cách để “đánh tiếng” rằng mình là người cẩn thận – không dễ bị qua mặt.
Tuyệt đối không nên đi theo “cò mồi”
Ở nhiều điểm du lịch, đặc biệt là những nơi đông khách vào dịp lễ, tình trạng “cò mồi” chèo kéo khách vẫn còn phổ biến. Những lời mời gọi ngọt như mía lùi kiểu “giá rẻ lắm em ơi”, “đặc sản ngon – bổ – rẻ”, “tour chất lượng cao, không phát sinh phí” nghe thì hấp dẫn nhưng thực chất lại tiềm ẩn vô số rủi ro.
Đi theo cò mồi, bạn có thể bị đưa đến những hàng quán “sân sau” với chất lượng kém, giá trên trời và dịch vụ tệ. Tệ hơn, còn có thể bị ép mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ không đúng nhu cầu.
Vì vậy, bạn hãy chọn các dịch vụ rõ nguồn gốc, có địa chỉ cụ thể, bảng giá minh bạch, hoặc được gợi ý từ những người từng trải. Nếu cảm thấy bị chèo kéo quá mức, đừng ngại từ chối dứt khoát và rời khỏi khu vực
Cảnh giác với chiêu 'phụ thu' bất ngờ
Một chiêu trò không mới nhưng vẫn khiến nhiều người bất ngờ là phí phụ thu – những khoản chi phí “trên trời rơi xuống” mà bạn không hề được báo trước. Điển hình như: phí ngồi bàn ngoài trời, phí mắm tỏi, khăn lạnh, phí phụ thu ngày lễ, phụ thu người nước ngoài, phụ thu khi gọi món ít… thậm chí có nơi còn thu cả phí… giữ xe mà không thông báo trước.
Nếu không hỏi rõ ngay từ đầu, đến khi thanh toán, bạn dễ rơi vào thế bị động, vừa bực mình vừa không biết khiếu nại với ai.
Luôn giữ bình tĩnh và giữ bằng chứng

Trong trường hợp không may bị “chặt chém”, thay vì nổi nóng hay đôi co ngay lập tức, việc giữ bình tĩnh và lưu lại bằng chứng sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi một cách khôn ngoan và hiệu quả hơn.
Bạn hãy chụp ảnh, quay video hóa đơn, menu, bảng giá niêm yết nếu có dấu hiệu bất thường. Lưu lại tin nhắn, cuộc gọi trao đổi đặt dịch vụ (như homestay, tàu xe, tour…) để làm căn cứ đối chiếu.
Trong trường hợp cần thiết, có thể gọi đến đường dây nóng của cơ quan chức năng địa phương hoặc phản ánh lên các nền tảng như Google, TripAdvisor, mạng xã hội để cảnh báo cho người khác.