Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 15/11/2023, 13:51 (GMT+7)

Đề xuất cấm trẻ dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô: Bộ Công an lý giải gì?

Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của tài xế ô tô con khi tham gia giao thông.

Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, được tách một phần từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực, báo Dân Trí đưa tin.

Tại Điều 9 dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35m không được ngồi cùng hàng ghế của người lái ô tô con khi tham gia giao thông. Ngoài ra, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô (trừ ô tô kinh doanh vận tải hành khách).

So với luật Giao thông đường bộ năm 2008, nội dung này hoàn toàn mới bởi hiện hành chưa có quy định bắt buộc về độ tuổi, chiều cao cũng như vị trí ngồi của trẻ em trên ô tô.

Báo Thanh niên đưa tin phía đại diện cơ quan thuộc Bộ Công an đã đưa ra lý giải cho việc đề xuất quy định này. Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT, Bộ Công an), đề xuất trên được đưa ra sau khi Bộ Công an nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trên thế giới. "Một số nước còn áp dụng độ tuổi cao hơn", ông Nhật nói.

de-xuat-tre-duoi-10-tuoi-khong-duoc-ngoi-ghe-truoc-o-to_1407131635
Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 m không được ngồi ở hàng ghế trước của ô tô con khi tham gia giao thông. Ảnh minh họa

Theo đó, trẻ em thường hiếu động, không tự bảo vệ được mình và có thể khiến tài xế mất tập trung. Chưa kể, chiều cao của trẻ em không phù hợp với thiết kế của những thiết bị an toàn trên xe (dây an toàn, túi khí…).

Vì vậy, Bộ Công an đề xuất giới hạn về độ tuổi và chiều cao của trẻ khi ngồi ghế trước ô tô cũng như yêu cầu về trang bị ghế an toàn cho trẻ. Trong trường hợp di chuyển bằng xe kinh doanh vận tải hành khách, trẻ đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ và được những người này bảo vệ trong quá trình tham gia giao thông nên luật không áp dụng.

Đồng tình về đề xuất này, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thậm chí đề nghị nâng độ tuổi trẻ em không được ngồi ghế trước từ 10 lên 12 tuổi, độ tuổi trẻ em phải trang bị ghế chuyên dụng từ 4 lên 6 tuổi.

Trong trường hợp xảy ra va chạm, túi khí ô tô có thể bung ra với vận tốc 300 km/h. Cơ thể người trưởng thành có thể chịu được tác động này, nhưng trẻ nhỏ sẽ rất dễ tổn thương vì phần lưng và cổ trẻ rất yếu. Bên cạnh đó, xét về cấu trúc sinh học, trẻ dưới 6 tuổi có tỷ lệ phần đầu lớn so với cơ thể, khó giữ thăng bằng hơn người lớn, vì thế trẻ dễ bị sai tư thế vào thời điểm túi khí bung ra, dẫn tới chấn thương.

Tương tự, dây an toàn chỉ thực sự hiệu quả đối với người có chiều cao từ 1,48m trở lên. Nếu trẻ có chiều cao thấp hơn, dây an toàn sẽ không giữ được cơ thể của trẻ. 

PGS-TS Phạm Việt Cường (Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Trường đại học Y tế công cộng) dẫn nghiên cứu của đơn vị này được thực hiện từ năm 2021 đến nay, cho thấy có tới 22,8% ô tô có trẻ em ngồi ghế trước một mình; 19,2% xe có trẻ em ngồi ghế trước chung với người lớn; đặc biệt là mới có 1,3% ô tô sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ.

Thực tế trên rất nguy hiểm khi không may xe gặp tai nạn. Vì vậy, ông Cường cho rằng, cần siết chặt hơn so với dự thảo của Bộ Công an, theo hướng trẻ em cao dưới 1,35 m hoặc dưới 12 tuổi không được ngồi ở ghế trước, đồng thời phải được trang bị thiết bị an toàn dành cho trẻ em.

Cùng chuyên mục