Cuộc đua giành 'miếng bánh trên trời’ hay để làm chủ hệ sinh thái mặt đất?
Ngành hàng không Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các tập đoàn tư nhân lớn như T&T Group, Sun Group hay trước đó là FLC. Tuy nhiên, điều đáng chú ý không nằm ở việc giành giật thị phần vận tải hành khách, mà ở chiến lược dài hạn: biến hàng không thành công cụ kích hoạt và kết nối toàn bộ hệ sinh thái kinh doanh đa ngành, đặc biệt là bất động sản, du lịch và logistics.
Hãng hàng không giá rẻ Jetstar Asia dừng hoạt động từ ngày 31/7
Tập đoàn Sun Group nhận 'cú đúp' Giải Vàng tại Giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia
Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group làm Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines
“Miếng bánh trên trời” chỉ là phần nổi
Nếu VietJet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo từng tạo cú đột phá với mô hình hàng không giá rẻ, mở rộng cơ hội bay cho hàng triệu người thì chiến lược của những “tay chơi mới” như bầu Hiển (T&T Group) hay bầu Lam (Sun Group) lại khác.
Họ không đơn thuần bước vào ngành hàng không để kiếm lợi nhuận từ vé máy bay mà đang biến nó trở thành một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khép kín do chính mình xây dựng.
T&T Group của đại gia Đỗ Quang Hiển hiện sở hữu một loạt dự án bất động sản trải dài từ Cần Thơ, Quảng Trị cho đến Quảng Ninh. Đồng thời, tập đoàn cũng nắm giữ các dự án cảng biển, logistics và kho vận quy mô lớn.
Việc tham gia vào hàng không cho phép T&T rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đưa khách hàng, nhà đầu tư đến các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển mà họ đang phát triển.
“Chúng tôi không chọn đầu tư theo ranh giới hành chính mà theo logic phát triển vùng và năng lực kết nối thị trường. Mỗi tuyến đường, mỗi sân bay, mỗi cảng biển… đều phải được đặt đúng vị trí trong một chiến lược tổng thể để kích hoạt chuỗi giá trị cho quốc gia”, ông Đỗ Quang Hiển - Nhà sáng lập, Chủ tịch Điều hành Tập đoàn T&T Group chia sẻ.
Có thể thấy, đầu tư vào hàng không không phải là mục tiêu cuối cùng mà là bước đi chiến lược để hoàn thiện mô hình “hạ tầng kết nối – vận tải – logistics – bất động sản” mà T&T đã theo đuổi nhiều năm nay.
“Chúng tôi tham gia vào Vietravel Airlines không chỉ để ‘có mặt’ trong ngành hàng không. Vietravel Airlines là một mảnh ghép chiến lược trong hệ sinh thái logistics - hạ tầng mà T&T Group đang từng bước kiến tạo”, ông Đỗ Vinh Quang - Phó Chủ tịch HĐQT T&T Group, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines bổ sung.

Tương tự, Sun Group với thế mạnh là hệ sinh thái du lịch – nghỉ dưỡng tiếp tục ra mắt Sun Phú Quốc Airways dù trước đó đã có trong tay Sun Air – hãng hàng không chuyên về máy bay phản lực thương gia, trực thăng và dịch vụ bay hạng sang.
Các hãng bay của "đại gia du lịch" này không đơn thuần là cuộc chơi ngách dành cho khách thượng lưu mà là công cụ mở rộng trải nghiệm 5 sao trọn gói: từ vé máy bay riêng đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng, dịch vụ giải trí… Tất cả trong một chuỗi giá trị đồng bộ.
Ấn tượng hơn, Sun Group còn là đầu tư sân bay Vân Đồn, và tới đây là cả Phú Quốc, từ đó tạo nên một mạng lưới di chuyển “độc quyền” phục vụ khách VIP đến các điểm du lịch cao cấp.
Hàng không – đòn bẩy giá trị bất động sản và du lịch
Thực tế, việc tích hợp hàng không vào hệ sinh thái bất động sản – du lịch không phải là điều mới mẻ tại Việt Nam.
Trước đó, Bamboo Airways đã từng đóng vai trò kết nối trực tiếp các điểm đến như Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Bình – nơi FLC sở hữu quần thể nghỉ dưỡng lớn. Mô hình này vừa giúp Bamboo có lượng khách ổn định, vừa làm tăng giá trị bất động sản tại địa phương.
Tương tự, Thiên Minh Group - Tập đoàn chuyên về du lịch cao cấp cũng phát triển hãng bay riêng phục vụ khách đặt tour tại hệ thống resort, khách sạn của mình. Mục tiêu là đảm bảo dịch vụ khép kín và giữ lại lợi nhuận trong nội bộ chuỗi giá trị.
Tuy nhiên, có lẽ chỉ đến khi Sungroup hay T&T liên tiếp lập những thương vụ nghìn tỷ thì mô hình này ở Việt Nam mới thực sự rõ nét và thành một chuỗi "khép kín".

Lãnh đạo T&T hay Sun Group đều không ngần ngại công khai quan điểm: không tham gia hàng không để chạy theo doanh thu bán vé, mà để tối ưu giá trị hệ sinh thái đầu tư.
Chiến lược “mở cửa bầu trời” mở ra nhiều cơ hội vươn mình ở dưới đất cho những doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại Việt Nam.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia dày dặn trong ngành hàng không, chia sẻ với Tiếp thị & Gia đình, TS. Lương Hoài Nam nhấn mạnh rằng, tính chất kinh doanh của vận tải hàng không thường lệ là cộng đồng nên bất kỳ hãng hàng không nào cũng hợp tác với cộng đồng du lịch, với các công ty tour, các nhà kinh doanh khách sạn. Song, cũng có một mô hình nữa là các hãng hàng không chỉ phục vụ du lịch, phục vụ trong hệ sinh thái của họ.
"Hãng bay TUIfly, Condor của Đức, hay là hãng Pegasus của Thổ Nhĩ Kỳ là những ví dụ. Những hãng đó thì người ta chỉ bay chương trình tour phục vụ cho du lịch trong hệ sinh thái của họ, họ không bán vé ra cộng đồng. Họ làm rất tốt và chúng ta có thể học hỏi", ông Nam nói.
Dù vậy, ông cũng lưu ý, Viettravel Airlines ban đầu cũng được gọi là hãng hàng không du lịch nhưng tới đây, hãng này hay các hãng hàng không Việt Nam được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không đều sẽ phục vụ đại chúng, phục vụ cộng đồng chứ không phục vụ riêng cho hệ sinh thái.

Trả lời Tiếp thị & Gia đình, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, mọi thứ vẫn cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả thực tế nhưng có thể kỳ vọng rằng nếu được triển khai hợp lý, mô hình này sẽ mang lại lợi ích lớn về mặt tổng thể cho doanh nghiệp.
"Việc Sun Group hay T&T tham gia thị trường hàng không không hẳn chỉ nhắm đến lợi nhuận trực tiếp từ bán vé máy bay. Những tập đoàn này đang hướng tới việc xây dựng một hệ sinh thái vận hành khép kín, trong đó hàng không đóng vai trò là công cụ hỗ trợ, kết nối các mảnh ghép du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí mà họ đã đầu tư bài bản trước đó", ông Dũng nhìn nhận.

Có thể thấy, hàng không không còn là “miếng bánh độc lập”, mà đang trở thành cánh tay nối dài cho bất động sản, du lịch, logistics và vô vàn những lĩnh vực kinh doanh khác.
Trong 5-10 năm tới, nếu các chiến lược này phát huy hiệu quả, Việt Nam có thể chứng kiến sự thay đổi đáng kể về chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch và giá trị bất động sản tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm - nơi những “đường bay riêng” đang dần hình thành.