Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 14/08/2024, 09:02 (GMT+7)

Amazon hợp tác cùng TikTok Shop: Cuộc đua giữa các sàn thương mại điện tử đang đến giai đoạn cao trào

Cuộc chiến giữa các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đang ngày càng cao trào với sự cạnh tranh gay gắt giữa Amazon, TikTok Shop, Shein và Temu.

Cuộc đua giữa các ‘ông lớn’

Tháng 7/2024, Amazon ra mắt nền tảng mới chuyên cung cấp các mặt hàng thời trang và phong cách sống giá rẻ tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Điều này đã góp phần mở rộng và thúc đẩy sự hiện diện của sản phẩm Trung Quốc đến với thị trường quốc tế.

Không dừng lại ở đó, mới đây sàn thương mại điện tử này cũng đã tuyên bố hợp tác với TikTok Shop, cho phép người dùng có thể mua hàng trực tiếp từ Amazon. Cụ thể, người dùng sẽ thấy sản phẩm từ Amazon thông qua mục ‘Dành cho bạn’ (For You), đồng thời những thông tin chi tiết như mô tả, mức giá, thời gian giao hàng cũng được hiển thị đầy đủ. 

amazone0 0
Amazon cũng đã tuyên bố hợp tác với TikTok Shop, trực tiếp đối đầu với các đối thủ (Ảnh: Sưu tầm)

Có thể thấy rằng, việc TikTok và Amazon bắt tay đã phản ánh về những cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nền tảng thương mại điện tử. Đặc biệt, Amazon có thể đang lo ngại và muốn đối đầu với Shein cùng Temu.

Liên tục tung ưu đãi, hỗ trợ người bán lẫn người tiêu dùng

Shein và Temu vốn nổi tiếng là những nhà bán lẻ Trung Quốc được người Mỹ ưa chuộng. Cả 2 nền tảng này đều thu hút người dùng bởi chiến lược giá rẻ cũng như các ưu đãi, giảm giá sâu.

Một ví dụ điển hình là trong tháng 7/2024, Temu đã chính thức triển khai nền tảng của mình tại Thái Lan đi kèm chương trình giảm giá lên đến 90%.

Được biết, Temu của PDD Holdings có 100.000 nhà máy may mặc, họ vận hành mô hình “ký gửi toàn bộ” hàng hóa từ các nhà cung cấp bên thứ ba cho người tiêu dùng mà không sở hữu hàng hóa, tiết kiệm hàng tồn kho và vốn lưu động. Chính vậy, Temu là sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp nhiều loại sản phẩm với mức giá rẻ hơn nhiều.

Hay như Shein lại có 2 hướng phát triển chính, vừa hướng đến người tiêu dùng trên thế giới bên ngoài Trung Quốc, vừa liên kết mạng lưới 6.000 nhà máy may mặc tại Trung Quốc với nhu cầu trên toàn thế giới. 

Theo một khảo sát chỉ ra, nhiều người dùng không thích Amazon bởi nguyên nhân lớn nhất là về giá. Điều này bắt buộc nền tảng phải thay đổi nếu muốn tiếp tục bám trụ vững tại Mỹ. Ngược lại, Shein và Temu do có mức giá rẻ và thường có nhiều chương trình giảm giá hơn nên người tiêu dùng vẫn chấp nhận việc giao hàng lâu hơn từ Trung Quốc.

Đứng trước ‘mối đe dọa’ từ Shein và Temu, Amazon đã triển khai nhiều chiến lược ưu đãi và hỗ trợ người bán, bao gồm: mở các văn phòng mới tại Vũ Hán, Hồ Bắc và Trịnh Châu, Hà Nam (Trung Quốc). Các văn phòng này hỗ trợ người bán tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, giúp họ sử dụng mạng lưới logistics của Amazon và các nguồn lực khác để bán sản phẩm ra toàn cầu. 

amazone
Amazon đã triển khai nhiều chiến lược ưu đãi và hỗ trợ người bán tại Trung Quốc (Ảnh: Sưu tầm)

Tài khoản chính thức của Amazon trên WeChat hiện cũng đang tích cực tuyển dụng người bán, tổ chức hội thảo trực tiếp để tiếp cận với nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Amazon đã chính thức triển khai chính sách ưu đãi từ tháng 1/2024, họ giảm phí cho người bán các sản phẩm quần áo. Một chiếc áo/quần giá dưới 15 USD sẽ thu phí bán hàng 5%; giá từ 15 - 20 USD sẽ là 10%. Thay vì trước đây, Amazon tính phí đến 17% cho tất cả các sản phẩm quần áo.

Có thể thấy rằng, cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa Amazon với Shein và Temu đang thúc đẩy nền tảng này không ngừng đổi mới và cải tiến chiến lược của mình. Nhìn về tương lai, sự đổi mới liên tục và khả năng thích ứng sẽ là chìa khóa giúp Amazon duy trì và mở rộng sự phát triển cũng như tầm ảnh hưởng của mình. 

Cùng chuyên mục