Chủ nhật, 10/12/2023, 12:27 (GMT+7)

Cục diện chuỗi cà phê ở Đông Nam Á khi ‘ông lớn’ Luckin Coffee nhập cuộc

Minh Sơn (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Một báo cáo mới đây cho biết người tiêu dùng ở Đông Nam Á có thể sẽ chi tới 3,4 tỷ USD mỗi năm cho các chuỗi cà phê hiện đại.

Hôm 9/11, Fore Coffee mở cửa hàng đầu tiên của mình tại thị trường nước ngoài ở Singapore. Chuỗi đồ uống này giới thiệu nhiều đồ uống đậm chất Indonesia như Gula Aren Latte hay Pandan Oat Latte. Động thái này được thực hiện chỉ vài tháng sau khi đối thủ của Fore Coffee là Kopi Kenangan cũng gia nhập Singapore.

Với một quốc đảo nhỏ, cục diện cạnh tranh mảng cà phê theo chuỗi ở Singapore khá đông đảo với sự tham gia của các các chuỗi tuần cầu như Starbucks (130 cửa hàng), các thương hiệu đja phương như Ya Kun Kaya và Toast Box (hơn 70 cửa hàng) và cả các thương hiệu sản phẩm đặc trưng như %Arabica (Nhật Bản) (6 cửa hàng).

Tại sự kiện Tech in Asia 2023, ông Vico Lomar, người đồng sáng lập và CEO Fore Coffee, cũng nhấn mạnh tiềm năng của Singapore như bước đệm cho kế hoạch mở rộng ra toàn khu vực của chuỗi đồ uống này. Dù vậy, kế hoạch phía trước không phải khi nào cũng dễ dàng. Fore và Kanangan sẽ phải cạnh tranh với nhiều đối thủ trường vốn, trong đó đáng chú ý nhất là Luckin Coffee (Trung Quốc). Chuỗi này đã mở được 24 cửa hàng ở Singapore chỉ trong vài tháng.

Hồi tháng 10, Flash Coffee bất ngờ đóng toàn bộ 11 cửa hàng ở Singapore và dừng hoạt động ở quốc gia này.

f7b53b286d184aefbb938c417c06025b
Luckin Coffee mới đây đã chính thức đi vào hoạt động ở Singapore. (Ảnh: Caixin).

Cuộc chiến cà phê tại Đông Nam Á?

Năm 2022, Luckin Coffee ghi nhận lợi nhuận theo năm lần đầu tiên ở mức 153,9 triệu USD từ 1,9 tỷ USD doanh thu. Chỉ trong vài năm vực dậy từ những scandal và phá sản vào tháng 5/2022, Luckin hiện đã có nhiều cửa hàng ở Trung Quốc hơn Starbucks. Dù vậy, điều này cũng cho thấy sự phát triển của Luckin ở Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh.

Felipe Cabrera, giám đốc điều hành Ad Astra Coffee Consulting, nói với Tech in Asia rằng thị trường Trung Quốc đã bão hòa và Luckin cuối cùng cũng sẽ phải có mặt ở các thành phố nhỏ và kém phát triển hơn ở đây để tìm kiếm tăng trưởng.

Sau đó, “thị trường tự nhiên nhất với các công ty Trung Quốc sẽ là Đông Nam Á”, ông nhận định.

Ông Cabrera nhấn mạnh khu vực Đông Nam Á có số lượng người Trung Quốc sinh sống khá nhiều. Bên cạnh đó, nhóm dân số trẻ ở khu vực này cũng rất thích trà sữa. Mặc dù Luckin Coffee không bán trà sữa, đồ uống của nó có hương vị tương tự.

Một báo cáo gần đây của Momentum Works ước tính người dân Đông Nam Á dành 3,4 tỷ USD mỗi năm cho các chuỗi cà phê hiện đại. Dù vậy, hiện chưa rõ triển vọng Luckin mở rộng ra các quốc gia Đông Nam Á khác ngoài Singapore. Guo Yinyi, CEO Luckin, mới đây chia sẻ rằng công ty “sẽ tiếp tục mở rộng ra các thị trường quốc tế để người dùng khắp nơi có thể tận hưởng cà phê chất lượng cao”.

Ở Singapore, Luckin Coffee định vị hình ảnh là thương hiệu cà phê phân khúc cao cấp, ngược lại với hình ảnh giá rẻ và giảm giá nhiều ở Trung Quốc.

Đông Nam Á cũng ghi nhận sự tham gia của nhiều chuỗi cà phê hiện đại khác như Cotti Coffee, Pickup Coffee hay Tomoro Coffee.

Khi cà phê kết hợp công nghệ

Audra Pakalnyte, người đầu tư vào chuỗi Koppiky thông qua công ty đầu tư mạo hiểm First Move, nhận định rằng các chuỗi cà phê ứng dụng công nghệ phải “tích hợp trơn tru công nghệ và mô hình kinh doanh truyền thống”.

Nếu làm được, các chuỗi có thể tinh gọn hoạt động mua hàng, nhà kho và logistics, trong khi đó người dùng nhận được các gợi ý may đo và đặt hàng dễ hơn, Pakalnyte nói.

Với chủ tịch và đồng sáng lập Kopi Kenangan James Prananto, đặt hàng trơn tru là mục tiêu.

Kopi Kenangan cung cấp một ứng dụng cho người dùng cuối, một hệ thống cho các nhà quản lý kiểm soát nhu cầu nhà kho và các dữ liệu kinh doanh khác, và một hệ thống gợi ý các địa điểm phù hợp để mở cửa hàng đến-và-lấy hoặc cửa hàng có chỗ ngồi truyền thống.

Dù vậy, chỉ riêng công nghệ là không đủ để làm tăng định giá của các chuỗi cà phê công nghệ và thúc đẩy tăng trưởng như những startup công nghệ.

Ví dụ, Starbucks mất tới 12 năm để đạt 200 cửa hàng ở Indonesia. Fore Coffee đạt 150 cửa hàng trong gần 5 năm. Kopi Kenangan, thành lập sau Starbucks 15 năm, có 868 cửa hàng.

Theo Prananto, mô hình đến-và-lấy là yếu tố quan trọng. Ông nhận định kinh doanh cà phê truyền thống thường đòi hỏi “các cửa hàng lớn với Wi-Fi và điều hòa”. Mô hình này khó mở rộng do các rào cản về xây dựng, chi phí thuê và vận hành. Bên cạnh đó, tăng trưởng của Kopi Kenangan cũng song hành với sự phát triển của các dịch vụ giao đồ ăn như GrabFood hay GoFood.

Mặc dù có nhiều thành công về công nghệ, các chuỗi cà phên hiện đại vẫn là một mô hình kinh doanh hàng hóa và tập trung vào lối sống của người tiêu cùng. Sau cùng, thứ người dùng cần là “một cốc cà phê ngon”, ông Lomar nói.

Bà Pakalnyte của First Move cũng có cùng quan điểm này khi cho rằng các chuỗi cần tìm điểm cân bằng giữa công nghệ và điểm chạm con người.

“Thành công ở ngành này tức là dùng công nghệ như một yếu tố phụ trợ, thay vì là một yếu tố thay thế, cho các trải nghiệm cà phê chân thật”, bà nói thêm.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục