Thứ bảy, 27/04/2024, 20:53 (GMT+7)

Có thể kỳ vọng vào đấu thầu vàng?

Song Thư (Tiếp thị & Gia đình)

Sáng ngày 23/4, phiên đấu thầu vàng đầu tiên sau 11 năm dừng hoạt động đã diễn ra, nhưng kết quả không như kỳ vọng của những người quan tâm đến thị trường khi chỉ 2 đơn vị bỏ thầu với khối lượng trúng thầu là 3.400 lượng. Trong khi đó, số lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) muốn đấu thầu là 16.800 lượng vàng miếng SJC.

Đấu thầu vàng không dễ

7 trong số 11 đơn vị tham gia đấu thầu là nhóm ngân hàng bao gồm VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp đang tham gia kinh doanh vàng miếng gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý. Có 2 đơn vị bỏ thầu, trong đó có SJC, với khối lượng trúng là 3.400 lượng, tương đương 20% số vàng chào thầu của NHNN là 16.800 lượng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu, thấp nhất 81,32 triệu đồng. NHNN quy định mỗi đơn vị được phép đặt thầu với khối lượng tối thiểu 1.400 lượng, tối đa 2.000 lượng với giá sàn bỏ thầu là 81,3 triệu đồng/lượng. Trước đó, NHNN cho biết, 26 đơn vị gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng mong muốn đấu thầu nhưng chỉ có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia.

11 năm không thực hiện lại việc đấu thầu vàng, có thể thấy, hoàn cảnh hiện nay đã khác thời điểm đó rất nhiều. 11 năm trước, việc đấu thầu vàng được thực hiện trong bối cảnh Nghị định 24/2012 được triển khai, khi nền kinh tế bị vàng hóa rất nhiều. Mua nhà, mua đất, mua xe...đều quy đổi ra vàng. Thậm chí gửi tiết kiệm cũng bảo đảm bằng vàng. Thời điểm đó, lượng vàng trúng thầu ngoài phục vụ hoạt động kinh doanh trực tiếp còn để đảm bảo lượng vàng vật chất thanh toán cho những người dân gửi tiết kiệm bằng vàng khi đáo hạn bởi khi ấy, tiết kiệm bằng vàng là một hoạt động nghiệp vụ được phép của các ngân hàng. Còn hiện tại, nhu cầu mua vàng của các tổ chức tín dụng sẽ không cao, do hình thức huy động tiết kiệm bằng vàng không còn nữa nên chủ yếu chỉ tập trung ở một số ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng, và lượng vàng trúng thầu ngoài phục vụ kinh doanh trực tiếp còn để "bỏ sỉ" cho những doanh nghiệp khác cũng kinh doanh vàng nhưng không tham gia đấu thầu.

Vang-Mieng-Hn

Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả, cho rằng: việc một vài phiên đấu thầu đầu tiên giao dịch chậm, lượng vàng trúng thầu thấp cũng không phải là mới mẻ, 11 năm trước cũng như vậy. Năm 2013, NHNN tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng nhưng cũng chỉ bán được 1,8 triệu lượng vàng, thấp hơn so với mục tiêu bán ra 1,9 triệu lượng vàng (tương đương 70 tấn vàng). "Về mục tiêu, đấu thầu vàng lần này và đấu thầu vàng của 11 năm trước cùng hướng đến việc giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Tuy nhiên, bối cảnh 2 giai đoạn này lại hoàn toàn khác nhau. Hiện tại, giá vàng thế giới đang có nhiều bất ổn, khó dự đoán nên doanh nghiệp cũng dè dặt hơn rất nhiều. Vừa mới hôm trước dự báo giá vàng có thể lên đến 2.600 USD/ounce nhưng thực tế chỉ lên đến 2.400 USD đã quay đầu, nên doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ khi nhập vàng, nếu không sẽ dễ thua lỗ" - Tiến sĩ Ngô Trí Long phân tích.

pgs-ts-ngo-tri-long-2810

  Còn theo đại diện một số doanh nghiệp, giá đấu là 81,3 triệu đồng/lượng thì cao so với giá thế giới nên khó để họ có thể tham gia vì không nhìn thấy lợi nhuận khi mua vàng thông qua hình thức đấu thầu. Trên thực tế, cuối chiều cùng ngày, giá vàng miếng mua vào tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn là 81 triệu đồng/lượng, bán ra 83,3 triệu đồng lượng, trong khi giá vàng thế giới là khoảng 2.300 USD/ounce. Nếu tính theo tỷ giá của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam Vietcombank là 25.488 đồng/USD thì giá vàng thế giới quy đổi thời điểm 17h15 ngày 23/4/2024 là 70,6 triệu đồng/lượng.

  Liệu có là giải pháp duy nhất?

    Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: "Thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ can thiệp điều hành thị trường vàng trong nước để bảo đảm thị trường vàng cạnh tranh lành mạnh, hoạt động ổn định, công khai, minh bạch, hiệu quả; quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, khắc phục ngay, hiệu quả tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế ở mức cao; kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, buôn lậu, thổi giá vàng".

  NHNN xác định đấu thầu vàng là giải pháp quan trọng nhất hiện nay nhằm tăng cung, khi chưa có nguồn cung từ bên ngoài vào thị trường. Liệu đây có phải là giải pháp duy nhất?

nghi-dinh-24-2012

  Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, tăng cung bằng cách đưa lượng vàng dự trữ ra để đấu thầu chưa phải là giải pháp thực sự hữu hiệu, đặc biệt là trong bối cảnh giá vàng thế giới đang ở mức cao như hiện nay. Lượng vàng dự trữ trong nước đã được mua ở thời gian trước đó với mức giá thấp, nay mang ra bán với giá cao rồi mua lại với giá cao hơn thì ai cũng có thể nhìn thấy lợi nhuận của cách làm này như thế nào.  Hơn nữa, nguyên nhân giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá thế giới hiện nay là do tình trạng độc quyền khiến cho người mua vàng chỉ có một lựa chọn, và đương nhiên khi cầu tăng thì giá phải tăng theo.

  Một điều băn khoăn nữa là đấu thầu vàng với mục tiêu giảm độ chênh so với giá thế giới nhưng lại đưa ra mức giá khởi điểm cao hơn giá thế giới quy đổi hàng chục triệu đồng/lượng tức là đã mặc định công nhận mức giá bất hợp lý kia, vậy thì liệu còn có tác dụng trong giảm độ chênh giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới?

vang

  Về lâu dài vẫn là sửa đổi Nghị định 24/2012, đặc biệt là hai điều kiện độc quyền Nhà nước đối với kinh doanh vàng miếng và nhập khẩu vàng. Khi nào còn duy trì tình trạng độc quyền Nhà nước đối với nhập khẩu vàng và kinh doanh vàng miếng, thì việc thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước với giá vàng thế giới vẫn là bất khả thi. Cần lưu ý, trước khi thực hiện Nghị định 24/2012, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chỉ là 3-4 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 10% giá trị, nhưng hiện nay có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng, tương đương 25% giá trị.

  Việc NHNN chỉ cấp phép nhập khẩu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh vàng có hợp đồng gia công vàng trang sức, mỹ nghệ với nước ngoài dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, khiến buôn lậu vàng gia tăng. Tỷ giá tăng mạnh, giá vàng tăng đang khiến giá trị của đồng tiền Việt Nam giảm kéo theo thu nhập thực tế của người dân giảm mạnh.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục