Tiếp Thị Gia Đình

Thứ năm, 10/08/2023, 07:18 (GMT+7)

Chuyên gia gợi ý cách tính toán số tiền cần tiết kiệm mỗi tháng

Tiết kiệm là điều vô cùng quan trọng đặc biệt ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên, không phải ai cũng tính toán được số tiền cần tiết kiệm cho mỗi tháng. Dưới đây là những gợi ý của chuyên gia tài chính, cùng tìm hiểu nhé.

Tiết kiệm luôn được xem là bài toán khó với hầu hết mọi người. Cuộc sống hiện nay, bạn sẽ gặp được rất nhiều người có thu nhập hàng tháng trên 6 con số, thế nhưng không phải ai cũng có thể tích lũy tài chính vững vàng. Điều khác biệt ở đây là cách mỗi người quản lý tiền và tiết kiệm số tiền có được như thế nào. Thực tế, tiết kiệm không hề khó chỉ cần bạn có mục tiêu, kế hoach rõ ràng. 

Trí thức trẻ thông tin, theo chị Mina Chung - Người sáng lập nền tảng Money With Mina với mục tiêu đem an tâm tài chính đến với 50 triệu phụ nữ Việt Nam chia sẻ "Khi nói đến tiết kiệm dài hạn, chúng ta nói đến việc chuẩn bị cho những mục tiêu và kế hoạch lớn trong tương lai. Một trong số đó là tiền sinh hoạt khi về già".

Theo chuyên gia tài chính có nhiều yếu tố quyết định con số bạn cần tích lũy cho từng tháng. Dưới đây là những cách giúp bạn cân nhắc tỷ lệ tiết kiệm cho bản thân!

Tiết kiệm càng sớm, tỷ lệ càng nhỏ

Ví dụ, bạn và đồng nghiệp cùng có mục tiêu nghỉ hưu khi 60 tuổi. Cả hai cùng có mức lương ngang nhau, nhưng nếu bạn tiết kiệm từ năm 24 tuổi và họ từ năm 35 tuổi thì số tiền đồng nghiệp phải góp mỗi tháng sẽ nhiều hơn so với bạn.

quan-ly-chi-tieu-trong-gia-dinh-hang-thang-nhu-the-nao-hop-ly-366x244
Ảnh minh họa.

Thực tế, mỗi người đều có mục tiêu, thời điểm bắt đầu và thói quen chi tiêu khác nhau. Nhưng nên nhớ nếu thời gian bạn dành dụm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ tiết kiệm

Bắt đầu sớm bạn sẽ có thêm thời gian và “nhẹ gánh” hàng tháng. Bên cạnh đó, khi có được thói quen tiết kiệm bạn sẽ quản lý nhu cầu tốt hơn và giữ ngân sách ổn định.

Tìm hiểu lãi kép và sử dụng công cụ tính

Mỗi ngày, bạn dành 20.000 đồng mua một ly cà phê. Một tháng sau, bạn đã chi 600.000 đồng. Một năm tiếp đó, bạn chi 7,2 triệu đồng. Nếu bạn uống cà phê hàng ngày trong vòng 40 năm, thì tổng sẽ là 288 triệu đồng. Với lãi kép chỉ 5%, số tiền này có thể tăng gấp 3 lần nếu bạn đều đặn, kỷ luật và kiên định để riêng ra trong thời gian dài.

Bạn có thể áp dụng lãi kép vào nhiều kế hoạch tài chính thông qua công cụ tính lãi trực tuyến. Ưu điểm của những công cụ này là hỗ trợ bạn tính số tiền cần tiết kiệm định kỳ để đạt một giá trị nhất định.

Ước lượng chi phí sinh hoạt sau nghỉ hưu

Trước khi tính toán tỷ lệ tiết kiệm, bạn hãy thử đặt ra câu hỏi rằng bản thân muốn sở hữu bao nhiều tiền khi không làm việc, và muốn nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi.

Ví dụ, khi bạn 55 tuổi đã có nhà khang trang cùng bảo hiểm sức khỏe đã có trước đó. Nếu chỉ cần thêm 10 triệu đồng/tháng để trang trải tiền thực phẩm, đồ dùng,… thì từ sau 55 tuổi, bạn cần 120 triệu đồng/năm để sống (chưa tính bảo hiểm xã hội).

Với trường hợp bạn sống thêm 25 năm nữa, thì số tiền bạn cần chuẩn bị cho quỹ hưu trí là: 120 triệu đồng x 25 năm = 3 tỷ đồng.

Theo chuyên gia tài chính, khi đặt mục tiêu bạn đã hiểu hơn phần nào mình cần bao nhiêu tiền để chủ động tài chính khi về già.

chi-tieu
Ảnh minh họa.

Khi đó, tỷ lệ tiết kiệm sẽ là câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để tôi có 3 tỷ đồng?”. Có 2 mức phổ biến bạn có thể tham khảo:

Nếu tiết kiệm từ 25 tuổi với 2 triệu đồng/tháng, lãi 5%, thì bạn có khoảng 3 tỷ 100 triệu đồng khi 65 tuổi (40 năm sau). Nếu bạn tiết kiệm ở tuổi 35 với 4 triệu đồng/tháng, lãi 5%, thì bạn có khoảng 3 tỷ 300 triệu đồng khi 65 tuổi (30 năm sau).

Theo chuyên gia tài chính, con số chính xác tùy thuộc vào mong muốn của bạn. Chung quy lại, dù bạn đặt tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập là 10%, 20% hay 30%, khi góp tiền, đặc biệt cho quỹ hưu trí, bạn cần kiên trì đóng góp, không rút vốn lẫn lời trong một khoảng thời gian đã định. Đây là cách để lãi kép phát huy công dụng, giúp bạn đạt cột mốc độc lập hay tự do tài chính trong tương lai.

Cùng chuyên mục