"Chuyện ấy" khi mang thai có thể gây lõm đầu thai nhi?
Nhiều cặp vợ chồng trẻ lo lắng sự thâm nhập và chuyển động của quá trình giao hợp có thể gây hại cho em bé, thậm chí có người lo quan hệ tình dục sẽ khiến thai nhi bị lõm đầu. Vậy, chuyện ấy trong thai kỳ như thế nào là an toàn?
1. Tình dục khi mang thai không gây nguy hiểm
Trải nghiệm của mỗi phụ nữ khi mang thai không giống nhau, trong đó có tình trạng sức khỏe, tinh thần và cả tình dục…
Đối với một số người, ham muốn mất dần khi mang thai nhưng một số phụ nữ khác cảm thấy mong muốn quan hệ tình dục nhiều hơn với chồng và có cảm giác hưng phấn hơn trước khi mang thai.
3 tháng đầu thai kỳ: Buồn nôn, mệt mỏi hoặc căng tức ngực có thể làm giảm ham muốn tình dục.
3 tháng giữa thai kỳ: Ham muốn tình dục của nhiều thai phụ giai đoạn này có thể tăng cao. Trên thực tế, lưu lượng máu tăng lên khắp cơ thể có thể nâng cao cực khoái cho bà bầu.
3 tháng cuối thai kỳ: Tình dục có thể khiến thai phụ cảm thấy không thoải mái khi sắp đến ngày sinh.
Một số phụ nữ có cảm giác hưng phấn hơn trước khi mang thai.
Theo BS. Đinh Công Đăng, chuyên khoa phụ sản, quan hệ tình dục khi mang thai không có gì là nghiêm trọng nếu thai phụ không có những chỉ định đặc biệt của bác sĩ chuyên khoa. Nếu thai kỳ diễn ra bình thường và không có biến chứng trong thai kỳ thì việc quan hệ tình dục và đạt cực khoái sẽ không làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc gây sảy thai.
Thực tế, với những thai phụ bình thường, quan hệ tình dục sẽ không làm tổn thương thai nhi. Sự thâm nhập và chuyển động của quá trình giao hợp sẽ không gây hại cho em bé vì lúc này thai nhi được bảo vệ bởi bụng, các thành cơ của tử cung và được đệm bởi nước ối. Do đó, lo lắng của một số thai phụ về việc quan hệ tình dục trong thai kỳ có thể khiến thai nhi bị lõm đầu là không có cơ sở khoa học.
Các cơn co thắt khi đạt cực khoái không giống như các cơn co thắt chuyển dạ. Ở giai đoạn sau của thai kỳ, cực khoái hoặc thậm chí là quan hệ tình dục có thể gây ra các cơn co thắt nhẹ. Nếu điều này xảy ra, thai phụ sẽ cảm thấy cơ tử cung của mình căng cứng. Chúng được gọi là cơn co thắt Braxton Hicks và có thể gây khó chịu, nhưng chúng không nguy hiểm. Tuy nhiên, như một biện pháp phòng ngừa an toàn chung, một số bác sĩ khuyên thai phụ nên tránh quan hệ tình dục vào những tuần cuối của thai kỳ.
2. Quan hệ an toàn khi mang thai
Bạn nên thực hiện các tư thế quan hệ tình dục vừa thoải mái vừa an toàn, giảm áp lực lên bụng, đặc biệt là trong giai đoạn sau của thai kỳ. Tránh tư thế nằm ngửa để quan hệ sau tháng thứ tư của thai kỳ. Bằng cách đó, bà bầu có thể tránh được trọng lượng của thai nhi đang lớn làm co thắt các mạch máu chính.
Sử dụng chất bôi trơn nếu tình trạng khô âm đạo khiến việc quan hệ tình dục không được thoải mái. Chất bôi trơn gốc nước có thể làm dịu cảm giác khó chịu do khô âm đạo khi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, nên nhớ mang thai không bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục - chẳng hạn như HIV, mụn rộp, mụn cóc sinh dục hoặc chlamydia - và những bệnh nhiễm trùng đó có thể ảnh hưởng đến thai nhi do đó nên sử dụng bao cao su để bảo vệ bạn và con bạn khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs).
Đừng e ngại khi nói chuyện với bác sĩ về việc quan hệ tình dục khi bạn đang mang thai có an toàn hay không.
3. Khi nào không nên quan hệ tình dục khi mang thai?
Đừng e ngại khi nói chuyện với bác sĩ về việc quan hệ tình dục khi bạn đang mang thai có an toàn hay không. Bác sĩ có thể khuyên bạn không nên quan hệ tình dục nếu bạn có bất kỳ nguy cơ nào sau đây:
- Có nguy cơ sảy thai hoặc tiền sử sảy thai trong quá khứ
- Có nguy cơ chuyển dạ sinh non (các cơn co thắt trước 37 tuần của thai kỳ)
- Đang bị chảy máu âm đạo, tiết dịch hoặc chuột rút, các cơn co thắt không rõ nguyên nhân
- Túi ối bị rò rỉ chất lỏng hoặc bị vỡ màng ối
- Cổ tử cung mở quá sớm trong thai kỳ
- Nhau thai bám thấp, nhau tiền đạo
Gọi cho bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng bất thường trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, chẳng hạn như đau đớn. chảy máu, tăng các cơn co thắt…
Xem thêm: Các tin tức Gia đình mới nhất tại đây