Thứ sáu, 17/01/2025, 06:15 (GMT+7)

Chi tiêu Tết thông minh: Bí quyết để có một mùa Tết vui và ý nghĩa của mẹ đảm Hà thành

“Không cần phải có nhiều đồ ăn hay quà biếu mới là một cái Tết ấm no, trọn vẹn mà quan trọng hơn cả là những phút giây hạnh phúc, quây quần bên gia đình…”

Tết Nguyên Đán là dịp để mọi gia đình cùng đoàn tụ, tạm gác lại công việc và cùng nhau đón chào một năm mới với nhiều hy vọng. Với gia đình chị Nguyễn Thơ Thơ (Hà Nội), mục tiêu cho mỗi năm trôi qua chính là một cái Tết ít gánh nặng kinh tế và nhiều khoảnh khắc ý nghĩa.

chi-tieu 2
Gia đình chị Thơ đặt mục tiêu cho mỗi cái Tết ít gánh nặng kinh tế và nhiều khoảnh khắc ý nghĩa

Lên kế hoạch thực đơn kỹ càng, tránh lãng phí thực phẩm

Mặc dù không đặt ra một kế hoạch cụ thể, nhưng mỗi năm, gia đình chị Thơ Thơ luôn hướng tới việc chi tiêu Tết sao cho hợp lý nhất.

"Tết càng đến gần, mình càng thấy cần tiết chế hơn trong việc mua sắm. Không ít gia đình sau lễ kêu ca rằng đồ ăn thừa quá nhiều, vừa lãng phí thực phẩm, vừa lãng phí tiền bạc. Như vậy, mình tự hỏi rằng, không biết mình ăn Tết hay là Tết ‘ăn mình’ nữa” - chị bày tỏ.

Gia đình chị Thơ không có thói quen tích trữ quá nhiều thực phẩm cho ngày Tết. Mọi thứ sẽ được mua vừa đủ dùng, không để dư thừa nhiều đồ trong tủ lạnh. Muốn làm được điều này, chị áp dụng cách lên kế hoạch thực đơn cho các bữa ăn sáng, trưa và tối cho những ngày Tết.

Bên cạnh đó, để ngày lễ được thảnh thơi hơn, “tuyệt chiêu” của chị chính là chuẩn bị sẵn nguyên liệu cho các bữa ăn. Từ việc nhặt rau, bóc tỏi, sơ chế thực phẩm… chị sẽ làm từ trước để quá trình nấu nướng sau đó trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.

chi-tieu 3
Gia đình chị Thơ không tích trữ quá nhiều thực phẩm mà sẽ mua vừa đủ dùng

Mua sắm thông minh cho cả gia đình

Không chỉ thực phẩm mà các khoản chi tiêu khác như mua sắm quần áo, quà biếu tặng, trang trí nhà cửa, lì xì… cũng cần được tính toán thông minh. Bí quyết của chị Thơ là không nên để gần Tết mới bắt đầu mua sắm, vì càng gần ngày lễ thì lại càng đắt đỏ, đông đúc và dễ hết hàng. 

Thay vì đợi đến sát Tết, chị Thơ sắp xếp những thứ có thể chủ động mua sắm trước đó, đặc biệt là về trang phục mặc lễ. 

“Hiện tại, việc mua sắm online rất tiện lợi nên mọi người có thể tham khảo mua và gửi hàng về tại nhà. Mình thường mua quần áo cho các con từ sớm để dễ chọn lựa. Còn vợ chồng, nếu thiếu thì mới cân nhắc, còn không thì sẽ không cần phải mua sắm thêm” - chị Thơ nói.

Là người yêu thích cái đẹp nên chị Thơ rất chú trọng đến việc trang trí nhà cửa. Chị cho biết, đây là thời điểm để ‘refresh’ lại cuộc sống sau một năm đã qua, giúp bản thân và gia đình cùng cảm thấy thoải mái, phấn khởi hơn.

"Tết là dịp để làm mới không gian sống, để cùng nhau nhìn lại một năm đã qua và hướng tới một năm mới đầy hy vọng. Vậy nên, mình muốn trang trí lại ngôi nhà, tạo không khí mới mẻ, vui vẻ cho mọi người. Tuy nhiên, mình cũng chỉ mua sắm ít và vừa đủ” - chị hào hứng chia sẻ.

chi-tieu 1
Trang hoàng nhà cửa là thời điểm để gia đình chị Thơ ‘refresh’ lại cuộc sống sau một năm đã qua

Do công việc kinh doanh đặc thù, ngoài quà biếu cho người thân, chị Thơ và chồng còn cần chuẩn bị thêm để tặng bạn bè và đối tác. Hàng năm, chị sẽ lập riêng một danh sách ghi lại tên người cần biếu và mỗi món quà phù hợp, từ đó đảm bảo không bỏ sót ai. Với chị, mỗi món quà biếu Tết có thể không chứa giá trị kinh tế lớn, song vẫn cần phải chỉn chu và thể hiện được tấm lòng chân thành của mình.

Riêng khoản chi tiêu Tết lì xì cho ông bà, bố mẹ và các cháu nhỏ, chị Thơ cho biết bản thân không quá đặt nặng vấn đề này: “Mình lì xì cho ông bà, bố mẹ để chúc sức khỏe, lì xì cho các cháu để chúc chóng lớn, ngoan ngoãn. Nhưng gia đình mình không tính toán, lì xì đối với mình chỉ là một phần trong không khí vui vẻ và ý nghĩa của Tết”.

Tiêu dùng trong khả năng, quan trọng là “không khí”

Chị Thơ Thơ cho rằng, việc chi tiêu Tết nên được cân nhắc kỹ lưỡng tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Để tránh tình trạng dư thừa, cần lên kế hoạch chi tiêu theo nhu cầu thực tế của gia đình mình, từ việc mua thực phẩm đến quà tặng, đồ trang trí…

"Chúng ta cần tiêu tiền theo khả năng và nhu cầu thực tế. Đối với mình, dù là Tết hay bất kỳ dịp lễ nào đều sẽ luôn tính toán và phân bổ ngân sách cho từng khoản chi tiêu. Có như vậy, mình mới giảm tải được gánh nặng kinh tế, cũng sẽ không cảm thấy tiếc nuối” - chị cho hay.

chi-tieu 4
Việc chi tiêu Tết nên được cân nhắc tùy theo khả năng kinh tế của từng gia đình, chị Thơ chia sẻ

Đối với gia đình chị Thơ, Tết không phải là thời gian để đi du lịch hay mua sắm ồ ạt, mà là dịp để gia đình quây quần bên nhau. 

"Không cần phải ‘đề huề’ thì mới là Tết trọn vẹn. Quan trọng là tinh thần vui vẻ, hạnh phúc của mỗi người trong gia đình. Khi mọi người đều cảm thấy hạnh phúc, mọi thứ dù có thiếu một chút vẫn không quan trọng”, chị nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục