Chi tiền tỷ làm marketing nhưng không hiệu quả, chuyên gia chỉ điểm lý do và cách hóa giải
Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư ngân sách cho marketing với hy vọng gia tăng doanh thu và xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là dù chi tiền tỷ vào các chiến dịch marketing nhưng hiệu quả đạt được lại không như mong đợi.
Để tiếp cận lượng lớn người dùng và nâng cao nhận diện thương hiệu, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền tỷ cho marketing để chạy quảng cáo trên các nền tảng Youtube, mạng xã hội, thuê KOL, KOC… Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng éo le khi lượng khách và doanh thu mang về không đạt kỳ vọng, thậm chí rơi vào thua lỗ. Điều này gây lãng phí nghiêm trọng về ngân sách cũng như nguồn lực cho doanh nghiệp.
Trao đổi với Tiếp thị & Gia đình, chuyên gia Hoàn Phùng (Mèo Vẫy Tiền) - Huấn luyện viên marketing Trường Doanh nhân Chuỗi và Nhượng quyền Việt Nam (SRA)/ Cố vấn marketing cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) nhận định, một trong những lý do chính khiến doanh nghiệp không đạt hiệu quả trong marketing là thiếu chiến lược rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp chi tiêu mạnh vào quảng cáo nhưng không xác định được mục tiêu cụ thể. Họ chạy quảng cáo mà không biết mình muốn đạt được điều gì.
Chưa kể, chiến lược sai lệch, chỉ tập trung vào một kênh truyền thông mà không phân tích kỹ đối tượng khách hàng mục tiêu, khiến ngân sách bị lãng phí. Để khắc phục, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu rõ ràng và đánh giá lại chiến lược, tìm hiểu kỹ đối tượng khách hàng và phân bổ ngân sách hợp lý cho từng kênh.
Cũng theo vị chuyên gia này, một sai lầm phổ biến khác thường thấy ở các doanh nghiệp là việc lựa chọn sai kênh truyền thông. Nếu doanh nghiệp bán sản phẩm cho người cao tuổi mà lại đầu tư mạnh vào TikTok hay Instagram, hiệu quả sẽ rất thấp. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu khách hàng để xác định kênh truyền thông mà khách hàng mục tiêu thường sử dụng, đồng thời cân nhắc sử dụng nhiều kênh khác nhau để tiếp cận đối tượng mục tiêu.
Bên cạnh đó, không tối ưu hóa trải nghiệm người dùng cũng sẽ khiến các chiến dịch marketing của doanh nghiệp dễ gặp thất bại. Thực tế, trang web hoặc trang đích kém có thể khiến khách hàng rời bỏ mà không mua hàng. Để hạn chế tình trạng này, doanh nghiệp cần đảm bảo trang web tải nhanh, thân thiện với người dùng và quy trình thanh toán đơn giản, đồng thời chú trọng đến việc truyền tải thông điệp quảng cáo phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng.
Việc sử dụng KOL/KOC không hợp lý cũng gây ra sự lãng phí ngân sách. Nhiều doanh nghiệp chọn KOL/KOC dựa trên số lượng người theo dõi mà không xem xét sự phù hợp với thương hiệu. KOL/KOC không phù hợp sẽ không thể thúc đẩy doanh thu. Lời khuyên dành cho các doanh nghiệp là hãy lựa chọn OL/KOC dựa trên sự tương thích với sản phẩm và khách hàng mục tiêu. Để tạo sự gắn kết bền vững, doanh nghiệp cần quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với các KOL/KOC.
Nói thêm về điều này, chuyên gia marketing khẳng định, nếu doanh nghiệp không theo dõi hiệu quả chiến dịch, doanh nghiệp sẽ không biết chiến dịch nào cần cải thiện. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc lãng phí ngân sách. Vì vậy, doanh nghiệp nên sử dụng công cụ phân tích để theo dõi các chỉ số quan trọng như tỷ lệ nhấp chuột và tỷ lệ chuyển đổi, đồng thời thực hiện A/B testing để điều chỉnh chiến dịch dựa trên dữ liệu thu thập.
Ngoài ra, thiếu sự đồng bộ giữa marketing và bán hàng cũng là một yếu tố quan trọng. Marketing có thể thu hút nhiều khách hàng tiềm năng, nhưng nếu đội ngũ bán hàng không đủ kỹ năng để chuyển đổi, doanh thu sẽ không tăng. Để khắc phục, doanh nghiệp cần đồng bộ hóa quy trình, đảm bảo thông tin từ marketing và bán hàng nhất quán, đồng thời đào tạo đội ngũ bán hàng để họ có thể chuyển đổi khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả.
Cuối cùng, doanh nghiệp thường không đầu tư vào chăm sóc khách hàng hiện tại, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội gia tăng doanh thu từ khách hàng cũ. Thay vì chỉ tập trung vào việc thu hút khách hàng mới, doanh nghiệp cần đầu tư vào các chương trình chăm sóc khách hàng để giữ chân khách hàng cũ, cũng như tìm cách tăng giá trị từ họ thông qua các sản phẩm và dịch vụ bổ sung.
"Chi tiêu mạnh cho marketing không đảm bảo thành công nếu không có một chiến lược rõ ràng và hiệu quả. Doanh nghiệp cần phải hiểu rõ khách hàng, chọn đúng kênh truyền thông, tối ưu trải nghiệm người dùng và liên tục phân tích dữ liệu. Bằng cách kết hợp các yếu tố này, mỗi đồng chi cho marketing sẽ mang lại lợi nhuận thực sự, giúp doanh nghiệp vươn xa trong thị trường cạnh tranh" - chuyên gia Hoàn Phùng nhấn mạnh.