5 yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao cân nặng bé, cha mẹ cần quan tâm
Đồng hành cùng con phát triển khỏe mạnh luôn là mong muốn của mỗi gia đình. Để con cao lớn, cha mẹ cần chú ý tới 5 yếu tố này.
Chỉ số liên quan đến phát triển chiều cao ở trẻ
TS BS. Huỳnh Thị Vũ Quỳnh - Phòng Khám nhi và Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, những giai đoạn phát triển chiều cao ở trẻ bao gồm: Giai đoạn trong bào thai, 1000 ngày sau khi trẻ ra đời, giai đoạn từ 4 tuổi đến bắt đầu dậy thì, giai đoạn dậy thì và giai đoạn sau tuổi dậy thì đến khi tuổi xương ngừng phát triển. Mỗi giai đoạn có đặc tính và tốc độ phát triển khác nhau. Vượt trội nhất là giai đoạn bào thai, 1000 ngày đầu đời và giai đoạn dậy thì.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ như yếu tố di truyền chiếm khoảng 20-25%, yếu tố dinh dưỡng chiếm 32%, yếu tố vận động chiếm 20-25% và yếu tố môi trường sống chiếm 15-16%. Do đó nếu cha mẹ mong muốn con đạt được chiều cao lý tưởng, tất cả yếu tố này đều cần được quan tâm đúng cách. Ngoài ra trẻ cần được quan tâm, phát hiện sớm các bệnh lý gây chậm tăng chiều cao như bệnh gan mạn, bệnh thận mạn, thiếu hoóc môn tăng trưởng, loạn sản sụn, hội chứng Cushing, một số bệnh lý di truyền… để được điều trị sớm.
Cụ thể, để giúp con tăng chiều cao tối ưu, cha mẹ nên cung cấp chế độ dinh dưỡng cân bằng và phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Mỗi ngày, phụ huynh cũng nên khuyến khích con vận động khoảng 30-45 phút để kích thích hệ cơ xương khớp phát triển dẻo dai, linh hoạt. Bên cạnh đó, môi trường sống tạo tâm lý thoải mái, vui vẻ cũng là “bàn đạp” tốt cho trẻ tự do phát triển.
Phụ huynh có thể theo dõi tiến trình phát triển của trẻ bằng cách đánh dấu vào biểu đồ tăng trưởng. Trong trường hợp biểu đồ tăng trưởng phát triển song song với đường bình thường thì cha mẹ chỉ cần tối ưu hoá các yếu tố giúp trẻ tăng chiều cao. Ngược lại, nếu biểu đồ tăng trưởng đi ngang hoặc đi xuống thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện khám để bác sĩ kịp thời tìm ra nguyên nhân và khắc phục yếu tố khiến quá trình tăng trưởng của trẻ bị ảnh hưởng.
5 yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chiều cao – cân nặng của trẻ
1. Yếu tố gen di truyền
Nhiều người cho rằng gen di truyền chỉ ảnh hưởng tới chiều cao. Tuy nhiên trên thực tế, yếu tố này có thể ảnh hưởng tới cân nặng của một người.
Đối với chiều cao, tính di truyền quyết định tới khoảng 23% khả năng chiều cao của mỗi người. Một đứa trẻ được sinh ra trong gia đình có bố, mẹ, ông, bà với chiều cao vượt trội thì sẽ có cơ hội cao lớn vượt trội ở tuổi trưởng thành. Ngược lại, nếu gia đình có bố, mẹ lùn thì việc có được chiều cao tự nhiên sẽ bị ảnh hưởng.
Về cân nặng, mặc dù không rõ ràng như chiều cao song cũng gây tác động thế hệ ở mức nhất định.
2. Dinh dưỡng và môi trường sống
Dinh dưỡng và môi trường sống được xem là yếu tố quan trọng nhất, yếu tố quyết định tới chiều cao, cân nặng của một người. Đây là lý do giải thích cho việc nếu bạn không được sinh ra trong gia đình với bố mẹ có vóc dáng lý tưởng thì bạn vẫn hoàn toàn đạt được thể hình như mong muốn.
Dinh dưỡng và môi trường sống ảnh hưởng tới chiều cao, cân nặng của bé gái ngay từ khi còn là bào thai. Do vậy, người mẹ khi mang thai cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đảm bảo đầy đủ các vi chất cần thiết để giúp thai nhi đạt chuẩn chiều cao, cân nặng theo tháng tuổi.
Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu tiên. Sau đó tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ lựa chọn các loại thực phẩm bổ sung phù hợp.
Ở giai đoạn dậy thì là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về chiều cao và cân nặng. Do đó, cha mẹ cần tận dụng tốt giai đoạn vàng này để giúp các bé gái có được vóc dáng chuẩn khi đến tuổi trưởng thành.
3. Các bệnh lý mãn tính
Nếu mắc phải một trong các bệnh lý mãn tính, sức khỏe của các bé gái sẽ bị ảnh hưởng. Điều này cũng đồng nghĩa với chiều cao, cân nặng của trẻ có thể hạn chế hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Cụ thể, những căn bệnh phổ biến được xem là ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng của các bé gái như:
Béo phì: Trẻ béo phì là những trẻ có trọng lượng cơ thể vượt quá 30% so với chỉ số chuẩn. Khi béo phì thừa cân, khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực cho xương, cản trở xương phát triển.
Đau xương khớp: Xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau song lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chiều cao. Việc đau xương khớp liên tục cũng sẽ khiến cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi, tinh thần xuống dốc, từ đó ảnh hưởng tới việc hấp thu dinh dưỡng, tăng trưởng cơ thể.
Viêm khớp vô căn vị thành niên: Đây là căn bệnh có tên tiếng Anh là Juvenile Idiopathic Arthritis – JIA. Viêm khớp vô căn là bệnh lý viêm khớp khá phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên. JIA gây nên tình trạng đau và viêm khớp ở bàn tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, cổ tay, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Khi bị viêm khớp vô căn, trẻ sẽ có xu hướng phát triển chiều cao chậm, việc tăng cân nặng cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Cong vẹo cột sống, biến dạng cột sống: Có thể do bẩm sinh hoặc do tư thế sinh hoạt không phù hợp trong thời gian dài. Khi cột sống phát triển cong vẹo, hai bên vai không có sự cân bằng, việc tăng trưởng chiều cao sẽ bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, các trường hợp có đạt được chiều cao như mong muốn nhưng cột sống không thẳng thì vẫn có thể khiến vóc dáng không cân đối, tăng trưởng cân nặng bị hạn chế.
Khiếm khuyết ở tuyến yên: Tuyến yên là vùng chịu trách nhiệm sản xuất hormone tăng trưởng cho cơ thể. Khi tuyến yên bị khiếm khuyết hoặc có các bệnh lý thì việc sản sinh ra hormone cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, trẻ có các bệnh lý về tuyến yên sẽ khó có thể đạt được chiều cao như mong muốn.
Hội chứng Turner: Hội chứng này còn được gọi là hội chứng OX, chỉ xảy ra ở nữ giới. Bé gái bình thường sẽ có 2 nhiễm sắc thể giới tính X. Khi mắc hội chứng Turner, bé gái chỉ có 1 nhiễm sắc thể X hoặc trường hợp 1 nhiễm sắc thể X bình thường, nhiễm sắc thể còn lại bị thay đổi cấu trúc.
Đây là yếu tố khiến không chỉ chiều cao, cân nặng mà các vấn đề khác liên quan tới sức khoẻ cũng bị ảnh hưởng.
4. Sự chăm sóc, gần gũi của bố mẹ
Sự chăm sóc, gần gũi, quan tâm của cha mẹ cũng là một trong những yếu tố tác động tới sự phát triển của trẻ.
Một đứa trẻ được sống trong tình yêu thương, sự hạnh phúc, nuôi dưỡng bằng những tiếng cười sẽ có xu hướng phát triển toàn diện, cân bằng hơn. Vì vậy, cha mẹ cần xây dựng môi trường sống tốt cho con ngay từ khi còn là giai đoạn thai nhi.
5. Vận động tích cực, ngủ đủ giấc
Trong những yếu tố ảnh hưởng tới chiều cao cân nặng chuẩn của bé gái thì vận động chỉ xếp sau dinh dưỡng và di truyền.
Vận động tác động tới quá trình tăng trưởng ngay từ khi còn nhỏ, mọi giai đoạn. Bởi vậy tùy theo lứa tuổi mà cha mẹ nên cùng con lựa chọn các hình thức vận động thích hợp. Các bé gái nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày đúng cách, khoa học để duy trì sức khỏe, cải thiện vóc dáng.
Những bộ môn thể dục, thể thao thích hợp cho các bé phát triển có thể kể đến gồm: bơi lội, yoga, nhảy dây, bóng rổ, đạp xe…
Bên cạnh việc vận động thì ngủ đủ giấc cũng là yếu tố quan trọng mà cha mẹ cần chú tâm thực hiện đúng. Trẻ trong độ tuổi phát triển cần ngủ từ 9 - 10 tiếng mỗi ngày và có tối đa số giờ ngủ sâu.
Do đó mà cha mẹ nên cho con đi ngủ sớm trước 21h để cơ thể đạt được độ sâu của giấc ngủ vào khoảng 23h. Thời gian từ 23h - 3h sáng hôm sau là thời gian vàng mà cơ thể tiết ra nhiều hormone tăng trưởng nhất.