Cần giữ án tử hình với tội sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả: Không thể nhân nhượng với cái ác giấu mặt
Sản xuất, buôn bán thuốc và thực phẩm giả không đơn thuần là gian lận kinh tế, mà là tội ác có thể trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người.
TP HCM phát hiện sữa giả thâm nhập vào nhà thuốc
Thuốc giả, sữa giả, quảng cáo sai sự thật đang bào mòn niềm tin xã hội
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ chín của Quốc hội, vấn đề giữ hay bỏ án tử hình với một số tội danh trong Bộ luật Hình sự đã trở thành chủ đề gây nhiều tranh luận. Đặc biệt, đề xuất bỏ án tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc và thực phẩm đã dấy lên lo ngại sâu sắc từ nhiều đại biểu. Bởi đây không đơn thuần là hành vi gian lận kinh tế, mà là những tội ác có thể trực tiếp gây nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người.
Thuốc và thực phẩm giả: Tội ác gián tiếp nhưng hậu quả trực tiếp
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhấn mạnh rằng, việc sản xuất và kinh doanh thuốc, thực phẩm giả không chỉ đơn thuần là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là tội ác nhân danh lợi nhuận, đẩy người dân – đặc biệt là người bệnh và người yếu thế vào cảnh hiểm nghèo.
“Tại sao lại giảm án? Để nhân đạo với tội phạm hay vô tình bỏ rơi các nạn nhân của tội ác?” – bà Lan đặt câu hỏi. Theo đại biểu, với mức độ nguy hiểm ngày càng tinh vi và hậu quả nghiêm trọng, hình phạt tử hình là cần thiết để răn đe và bảo vệ cộng đồng.
Đặc biệt, bà đề xuất mở rộng hình phạt tử hình cho cả hành vi sản xuất thực phẩm giả, nhất là những sản phẩm như sữa hay thực phẩm chức năng vốn được tiêu thụ rộng rãi và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cũng lên tiếng: “Tội làm thuốc giả chẳng kém gì giết người. Nếu một người chết do bị đầu độc, thì người kia chết vì uống nhầm thuốc giả, có khác gì?”. Ông khẳng định không thể nhân đạo với hành vi phi nhân tính này, bởi khoan nhượng chẳng khác nào tiếp tay cho những cái chết âm thầm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) cũng cảnh báo, các khung hình phạt hiện tại chưa đủ mạnh để răn đe. Với những vụ án thuốc giả gây chết nhiều người nhưng chỉ bị xử phạt 20 năm tù hay chung thân, thực tế cho thấy mức án này chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của tội phạm.
Tranh luận quanh việc bỏ án tử hình với 8 tội danh
Dù có nhiều ý kiến đồng thuận về việc giữ án tử hình với các tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không ít đại biểu cũng cho rằng việc giảm nhẹ hình phạt, nếu được cân nhắc kỹ, có thể phản ánh một hệ thống pháp luật nhân văn.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhìn nhận rằng, việc bỏ án tử hình không phải là biểu hiện của sự khoan dung với tội phạm, mà cần được đặt trong bối cảnh nhân quyền, pháp lý hiện đại. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, việc thay đổi mức án cần dựa trên những đánh giá toàn diện và khoa học, tránh làm suy yếu hiệu quả răn đe của pháp luật.
Còn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cảnh báo rằng án tù chung thân không giảm án tuy là biện pháp thay thế tử hình, nhưng có thể gây ra hệ lụy lớn về mặt tâm lý và nhân lực thi hành án. “Khi bị tuyên án mà không có cơ hội cải tạo, phạm nhân có thể mất ý chí sống, chống đối, gây rối, hoặc sinh ra các hành vi tiêu cực”, bà lo ngại.
Chính phủ phản hồi: Đổi mới nhưng cần thận trọng
Trước những tranh luận gay gắt, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết Chính phủ đang đề xuất sửa đổi một số điều cấp thiết trong Bộ luật Hình sự. Theo ông, xu hướng toàn cầu đang tiến dần đến việc xóa bỏ án tử hình hiện đã có 142/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thực hiện hoặc không còn áp dụng án này.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng sự thay đổi này cần có lộ trình và căn cứ chắc chắn, bởi các tội liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người luôn là vấn đề nhạy cảm. Được biết, trong quá khứ, số lượng tội danh có thể bị xử tử tại Việt Nam đã được cắt giảm đáng kể: từ 44 tội (năm 1985) xuống còn 18 tội (tính đến Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017).
Giữa lúc tội phạm về thuốc và thực phẩm giả ngày càng tinh vi, việc giữ lại án tử hình với các hành vi này không chỉ là trừng phạt, mà còn là cách xã hội tuyên bố rằng: tính mạng và sức khỏe con người là thiêng liêng, không thể đánh đổi. Một hệ thống pháp luật hiện đại không chỉ hướng đến sự văn minh, mà còn phải đảm bảo an toàn cho từng người dân – đặc biệt là những người không thể tự bảo vệ mình trước cái ác giấu mặt.