Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 27/09/2024, 09:59 (GMT+7)

Cách phòng ngừa não mô cầu sau ca tử vong đầu tiên tại TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM vừa thông tin về một ca tử vong do nhiễm khuẩn não mô cầu, ghi nhận vào ngày 24/9. Bệnh nhân là nữ, 52 tuổi, cư trú tại huyện Bình Chánh, nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm trùng do vi khuẩn não mô cầu thể tối cấp và qua đời chỉ sau vài giờ nhập viện.

Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lúc 11 giờ ngày 24/9 với các triệu chứng như thở nhanh, huyết áp 150/90 mmHg và phát ban lan rộng trên da. Trước khi nhập viện một ngày, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân, sau đó xuất hiện các vết ban hồng tím từ cánh tay lan ra toàn thân. Dù được điều trị tích cực, bệnh nhân không qua khỏi sau 6 giờ nhập viện, theo Công thông tin Sở Y tế TP.HCM

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh và trạm y tế xã Đa Phước để điều tra dịch tễ. Qua điều tra, HCDC xác định bệnh nhân sống cùng chồng tại một nhà trọ và làm việc tại một công ty ở Long An. Hai người tiếp xúc gần đã được cấp thuốc kháng sinh dự phòng và hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

Đồng thời, HCDC đã kích hoạt quy trình liên kết vùng, thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An để phối hợp trong công tác điều tra dịch tễ.

tiem-phong-vaccine-nao-mo
Cần tiêm ngừa để tránh bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu

Vi khuẩn não mô cầu (Neisseria meningitidis) là nguyên nhân chính gây bệnh viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, và các thể bệnh nghiêm trọng khác. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, đặc biệt trong môi trường đông đúc như nhà trẻ, ký túc xá, hoặc quân đội. Tỷ lệ tử vong do bệnh có thể dao động từ 8% đến 15%, trong khi các biến chứng như liệt, điếc và chậm phát triển tinh thần có thể gặp ở 10% đến 20% trường hợp.

Trước tình hình ca tử vong do não mô cầu tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã đưa ra cảnh báo và hướng dẫn người dân về các biện pháp phòng bệnh. Não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có khả năng gây nhiễm trùng máu và viêm màng não, dễ lây lan qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần và có nguy cơ gây thành dịch. Bệnh để lại nhiều di chứng nghiêm trọng như điếc, mất chi, chậm phát triển tinh thần và có tỷ lệ tử vong từ 5 - 15%.

Triệu chứng nhận biết bệnh não mô cầu: Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, kèm theo rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu và nôn mửa. Đặc biệt, các mảng ban xuất huyết hoại tử (tử ban) sẽ xuất hiện, thường bắt đầu từ vùng hông và chi dưới, sau đó lan rộng toàn thân. Ban xuất huyết có hình sao, màu đỏ thẫm, có thể đi kèm với hoại tử hoặc bóng nước ở trung tâm.

Đường lây truyền: Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với dịch tiết từ mũi, hầu, họng của người mang vi khuẩn. Điều này bao gồm cả người bệnh và người lành mang trùng.

Đối tượng dễ mắc bệnh: Bệnh não mô cầu có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, và những người sống trong môi trường tập thể đông người như nhà trẻ, trường học và chung cư. Người suy giảm miễn dịch cũng có nguy cơ cao hơn.

Cách phòng bệnh: Ngành y tế khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn. Việc tiêm nhắc vắc xin cần thực hiện mỗi 3 năm. Sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, cần sử dụng kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Ngoài ra, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh chung như đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng hô hấp, thực hiện vệ sinh cá nhân tốt bằng cách rửa tay thường xuyên, súc miệng và vệ sinh mũi họng bằng dung dịch sát khuẩn. Việc đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục để tăng cường hệ miễn dịch và giữ vệ sinh nơi ở, làm việc cũng rất quan trọng.

Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế hoặc thông báo với cơ quan chức năng gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Cùng chuyên mục