Các ứng viên sáng giá nếu được chọn "hồi sinh" một hãng smartphone
(Tiepthigiadinh) - Dù với bất cứ lý do nào đi chăng nữa, sự ra đi của các thương hiệu smartphone một thời đã từng "làm mưa làm gió", vẫn luôn để lại trong lòng người dùng những tiếc nuối khó phai.
Ở thời điểm hiện tại, khi mà thế giới điện thoại dần bão hòa, những chiếc máy đang ngày càng giống nhau cả về thiết kế lẫn tính năng thì những người dùng lâu năm lại có xu hướng trở nên “hoài cổ”. Chẳng những thế mà khi chủ đề “Nếu được hồi sinh một hãng smartphone, anh em sẽ chọn thương hiệu nào?” được đặt ra trong một nhóm về công nghệ, đã thu hút được rất nhiều ý kiến cũng như chia sẻ.
Có lẽ bởi vì vào thời kỳ hoàng kim của mình, các hãng điện thoại này đều để lại những ấn tượng sâu sắc, tạo nên được sự khác biệt nổi bật so với đối thủ, cũng như thu hút một lượng lớn fan yêu thích nhất định. Đó cũng là lý do chính để người dùng mong muốn phục hồi, mang những giá trị thiết thực của các thương hiệu đã mất trở lại trên những smartphone hiện đại. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem, đâu là những cái tên được người dùng mong muốn hồi sinh nhất nhé.
Nokia Lumia
Nhắc đến Nokia thì không thể phủ nhận được rằng đây là một tượng đài huyền thoại của thế giới di động với những ý tưởng thiết kế độc đáo, khác biệt đã gây ấn tượng mạnh mẽ và tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc dường như khó có thể lay chuyển. Ngay cả khi có một khởi đầu chậm chạp hơn so với các đối thủ cùng thời, Nokia Lumia cũng vẫn được kỳ vọng sẽ mang lại ánh hào quang xưa cho nhà sản xuất này. Và thực sự, thiết kế vuông vắn nam tính, cùng độ hoàn thiện cao cấp, trải nghiệm mượt mà đã mang tới cho thương hiệu này những tín hiệu ban đầu rất tích cực.
Cùng với đó, màn kết hợp với thương hiệu ống kính Zeiss đã mang tới cho người dùng những siêu phẩm về nhiếp ảnh mà đến cả thời điểm hiện tại cũng hiếm chiếc máy nào so sánh được. Như Lumia 1020 với cảm biến có kích thước lớn cùng độ phân giải 41MP khủng bố kết hợp ứng dụng Nokia Pro Camera đã thực sự mang lại trải nghiệm chụp ảnh chuyên nghiệp mà không một chiếc máy nào cùng thời sánh được. Và đó có lẽ cũng là niềm tiếc nuối lớn nhất của người dùng dành cho những chiếc điện thoại Lumia sau những trải nghiệm hệ điều hành thiếu thuyết phục.
Không thể phủ nhận rằng Window Phone là một hệ điều hành tốt. Giao diện Live Tiles mới lạ, trải nghiệm mượt mà vượt trội hơn hẳn so với Android tại thời điểm đó đã mang tới cảm giác hứng khởi cho những người dùng Lumia. Những từng đó là chưa đủ khi mà kho ứng dụng nghèo nàn và kém hấp dẫn với ngay các nhà phát triển bên thứ ba đã trở thành điểm trừ chí mạng, khiến cho người dùng cũng dần quay lưng với những chiếc máy này. Ngay cả khi đã được Microsoft mua lại, đồng thời phát triển trên nền tảng Android nhưng dường như đó vẫn là chưa đủ khi mà các thế hệ máy cùng thời đã có sự tích hợp tối ưu vượt trội. Có thể nói, phần cứng tốt đến đâu thì sự sụp đổ của Nokia Lumia lại bắt nguồn từ việc chọn sai “nền văn minh”.
HTC
Đằng sau sự thành công của Android ở thời điểm hiện tại, không thể không nhắc đến cái tên HTC khi đây là hãng smartphone đã sản sinh chiếc điện thoại chạy Android thương mại hóa đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh đó, điều làm người dùng nhớ đến HTC chính là việc nhà sản xuất này dường như không thiếu đi những ý tưởng. Có thể kể đến như việc HTC liên tục thử nghiệm những tính năng mà ở thời điểm đó chưa từng xuất hiện như camera kép hay thiết kế nhôm nguyên khối trên dòng HTC One hay HTC Legend.
Nhưng cũng chính điều này lại trở thành một điểm yếu khi HTC tạo ra quá nhiều sản phẩm tuy độc đáo, nhưng không có sự tổ chức nhất quán, nên người dùng rất khó để có thể chọn lựa cân nhắc một chiếc điện thoại thích hợp. Thêm vào đó, việc thiếu kiên định trong định hướng phát triển, đưa các ý tưởng chỉ nằm ở mức thử nghiệm thay vì nâng cấp trải nghiệm đã khiến người dùng dần mất niềm tin vào sản phẩm. Ngoài ra, việc không đẩy mạnh vai trò của tiếp thị, mà phần lớn kết hợp cùng các nhà mạng khi bán hàng đã trở thành nhân tố quyết định, chấm dứt một thời kỳ hoàng kim của HTC.
Mặc dù vẫn giới thiệu điện thoại mới nhưng tình hình chung của smartphone HTC không mấy khả quan.
BlackBerry
Câu chuyện của “Dâu đen” có nhiều điểm khá tương đồng với Nokia khi cả hai đều là những tên tuổi máu mặt trước khi những chiếc smartphone Android hay iOS xuất hiện. Từng là một biểu tượng sang trọng của tầng lớp doanh nhân với những trải nghiệm mượt mà cùng khả năng bảo mật mạnh mẽ, tuy nhiên khi bước sang thời đại mới, chính điều này lại trở thành con dao hai lưỡi dẫn đến sự sụp đổ của nhà dâu.
Tiếp cận phân khúc khách hàng cao cấp, BlackBerry tỏ ra chậm trễ hơn so với các đối thủ khi không thật sự đem lại những thay đổi cần thiết cho những sản phẩm tiếp theo của mình. Vẫn giữ nguyên DNA với bàn phím QWERTY vật lý, và đặc biệt là hệ điều hành riêng BlackBerry đã khiến hãng bị hụt hơi khi mà các nhà sản xuất khác đều hướng đến việc thay đổi toàn diện từ cấu hình, màn hình với thiết kế mỏng nhẹ thời trang và một kho ứng dụng đầy đủ đáp ứng cho cả làm việc lẫn giải trí. Từ đó, sức hấp dẫn không còn đã trở thành nguyên nhân chính khiến BlackBerry không thể vực dậy đế chế của mình.
Vsmart
Sẽ thật bất ngờ khi một cái thương hiệu điện thoại Việt như Vsmart lại xuất hiện trong danh sách này. Tuy nhiên, nhìn các sản phẩm mà Vsmart mang tới thị trường thì việc hãng không còn sản xuất điện thoại chắc chắn sẽ khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng.
Nổi bật với việc trang bị cấu hình cũng như tính năng và công nghệ “khủng” trên một smartphone với mức giá tầm trung dễ tiếp cận, hãng sản xuất đến từ Việt Nam này đã ghi điểm với khách hàng phổ thông, phân khúc vẫn đang chiếm thị phần rất lớn. Chưa kể với việc những mẫu điện thoại của Vsmart có chất lượng hoàn thiện cùng độ bền khá tốt, giúp nó ghi ấn tượng với người dùng Việt. Vì lẽ đó, cũng khá nhiều ý kiến cho rằng nên hồi sinh thương hiệu này.
Huawei
Để mà nói phải hồi sinh Huawei thì có lẽ không thực sự hợp lý vì hãng vẫn cho ra mắt sản phẩm đều đặn hàng năm và vẫn thu được nhiều tín hiệu tốt. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam nói riêng, các sản phẩm smartphone Huawei đã gần như không còn mấy hiện hữu nên cũng có thể xem đây như một dấu hiệu cho thương hiệu smartphone đã “chết” vậy.
Huawei đã từng rất thành công với các sản phẩm dòng P hay Mate rất được ưa chuộng bởi thiết kế bắt trend cùng với đó là khả năng chụp ảnh cũng như phục vụ công việc, giải trí rất tốt. Tuy nhiên, việc không thể hỗ trợ các dịch vụ của Google đã trở thành rào cản rất lớn khiến người dùng trở nên e dè với các thế hệ smartphone tiếp theo của Huawei.
Mặc dù hãng đã tích hợp thêm cửa hàng cũng như xây dựng các ứng dụng mới để đáp ứng nhu cầu, nhưng đó là chưa đủ để người dùng có thể quay lại với Huawei, dù phần cứng hay độ hoàn thiện, trải nghiệm đều không hề kém cạnh so với các đối thủ cùng thời. Đó cũng là điều khiến cho người dùng tiếc nuối nhất mà mong muốn “hồi sinh” hãng smartphone đã từng huy hoàng này.
Thực ra, vẫn còn rất nhiều các hãng smartphone mặc dù chưa thực sự sụp đổ nhưng cũng đã ở trong giai đoạn “chết lâm sàng” trước những thay đổi quá nhanh của công nghệ. Vậy còn bạn thì sao, đâu là thương hiệu smartphone mà bạn muốn “hồi sinh” nhất?