Sau khi Elon Musk tiếp quản 1 tháng, tình hình Twitter ra sao?
(Tiepthigiadinh) - Sau khi tiếp quản, Elon Musk đã liên tiếp thực hiện các hành động nhằm thay đổi Twitter như: sa thải một nửa nhân sự, kiếm tiền từ nền tảng với tài khoản tích xanh, mở lại nhiều tài khoản bị khóa trước đó...
Cắt giảm 50% nhân sự
Ngay khi hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỷ USD, Musk đã sa thải CEO Parag Agrawal và toàn bộ ban giám đốc Twitter. Ông tuyên bố mình là ông chủ duy nhất của mạng xã hội.
Ngày 4/11, hàng nghìn nhân viên Twitter bất ngờ trở thành thành cựu nhân viên khi nhận email thông báo cho thôi việc. Những bộ phận bị ảnh hưởng đầu tiên là AI, tiếp thị, truyền thông, tìm kiếm, chính sách công... Musk thậm chí công khai sa thải một kỹ sư phần mềm khi người này cãi tay đôi với ông trên Twitter.
Trong tháng 10, Twitter có khoảng 7.500 nhân viên toàn cầu. Hiện số lượng nhân viên toàn thời gian của Twitter ước tính còn khoảng 2.300 người (theo Business Insider). Một cựu quản lý nhân sự Twitter dự đoán số nhân viên của mạng xã hội này có thể giảm xuống dưới 900 người thời gian tới.
Ra tối hậu thư 'làm việc chăm chỉ'
Trong email nội bộ gửi ngày 16/11, Musk yêu cầu những nhân viên còn lại của Twitter lựa chọn làm việc với cường độ cao hoặc xin nghỉ với trợ cấp thôi việc. Ông yêu cầu: "Để xây dựng Twitter 2.0 đột phá và thành công trong một thế giới ngày càng cạnh tranh, chúng ta cần cực kỳ chăm chỉ. Có nghĩa mọi người sẽ phải làm việc nhiều giờ với cường độ cao. Chỉ có thành tích đặc biệt mới đủ để ở lại".
Tờ New York Times dẫn 3 nguồn tin rằng có khoảng 1.200 nhân viên toàn thời gian đã quyết định xin nghỉ vào 17/11. Trước tình trạng hỗn loạn, tỷ phú Mỹ đã phải đích thân thuyết phục một số nhân sự quan trọng ở lại nhưng không thành công. Cũng trong ngày 17/11, ban lãnh đạo Twitter phải thông báo đóng cửa các tòa nhà của công ty. Một nhân viên nói với Business Insider rằng động thái trên cho thấy căng thẳng nội bộ đang leo thang.
Nhà quảng cáo rút lui
Chỉ trong 1 tháng qua, hàng loạt thương hiệu đã xác nhận dừng quảng cáo trên Twitter do lo ngại những xáo trộn tại Twitter sẽ khiến việc quảng cáo kém hiệu quả.
"Doanh thu của Twitter sụt giảm nghiêm trọng do các nhóm hoạt động gây sức ép với các nhà quảng cáo, dù việc kiểm duyệt nội dung không có gì thay đổi và chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để xoa dịu", Musk tweet ngày 4/11. "Cực kỳ hỗn loạn. Họ đang cố phá hủy tự do ngôn luận ở Mỹ".
Tỷ phú Mỹ từng đe dọa những doanh nghiệp ngừng quảng cáo. Tuy nhiên, ngày 9/11, trong cuộc họp trực tuyến có sự tham gia của đại diện Adidas, Chevron, Kate Spade, Nissan và Walgreens, ông cố gắng thuyết phục nhà quảng cáo ở lại khi đưa ra các kế hoạch về xác minh người dùng, kiểm duyệt thông tin.
Theo dữ liệu từ trung tâm nghiên cứu Media Matters, một nửa trong số 100 đơn vị quảng cáo chi nhiều tiền nhất đã không còn quảng cáo trên nền tảng sau 25 ngày kể từ khi mạng xã hội có ông chủ mới. Tính từ năm 2020, 50 công ty này mang lại cho Twitter hơn hai tỷ USD, riêng năm nay là 750 triệu USD.
Thu phí bằng dấu xác minh nhiều màu
Ngày 5/11, Musk triển khai việc thu phí 8 USD mỗi tháng đối với mỗi tài khoản có tích xanh. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày sau đó, nền tảng tràn ngập các tài khoản mạo danh người nổi tiếng, các tổ chức và công ty có tầm ảnh hưởng. Khi được phản ánh về nạn giả mạo, Musk chỉ đáp lại bằng mặt cười. "Elon Musk không quan tâm. Ông ấy còn nghĩ điều đó thật vui nhộn. Hãy chờ xem việc này kéo dài bao lâu", Forbes nhận xét. Cuối cùng, Musk cũng phải thông báo Twitter sẽ hoãn việc thu phí.
Ngày 25/11, tỷ phú cho biết ngoài tích xanh để xác minh tài khoản chính chủ, mạng xã hội này sẽ có thêm tích vàng dành riêng cho các công ty và tích xám cho tổ chức chính phủ. Ông khẳng định "tích xanh" sẽ được áp dụng cho mọi tài khoản người dùng cá nhân có nhu cầu, không quan trọng đó có phải người nổi tiếng hay không. Các tài khoản sẽ được xác minh thủ công trước khi cung cấp dấu xác thực.
Khôi phục hàng loạt tài khoản bị cấm
Elon Musk đã tiến hành các cuộc thăm dò để khôi phục cho hàng loạt tài khoản bị đình chỉ trước đó. Một cuộc khảo sát cho thấy, số người đồng ý với đề nghị mở khóa tài khoản chiếm 72% trên tổng số hơn 3,1 triệu người tham gia.
Twitter khôi phục tài khoản của một số người dùng gây tranh cãi như: podcaster người Canada Jordan Peterson, website châm biếm Babylon Bee, diễn viên hài Kathy Griffin, nghị sĩ Marjorie Taylor Greene. Sau đó, khôi phục tài khoản Twitter của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 19/11.
Những động thái của Musk khiến các chuyên gia bảo mật lo ngại sẽ làm gia tăng hành vi quấy rối, ngôn từ kích động và thông tin sai lệch, theo CNBC. Các cuộc thăm dò trên mạng xã hội được cho là không mang tính khoa học và có thể dễ dàng bị thao túng bởi tài khoản bot. Bên cạnh đó, thống kê từ những công cụ theo dõi nền tảng cho thấy các phát ngôn phân biệt chủng tộc, nội dung độc hại đang gia tăng sau một tháng Musk lên nắm quyền. Guardian đăng một nghiên cứu rằng nền tảng không xử lý được 99% các tweet phân biệt chủng tộc nhắm vào các cầu thủ tham gia World Cup 2022.
Musk tự tin với Twitter 2.0
Trong tweet ngày 26/11, Musk nói ông tin vào hướng đi tiếp theo của Twitter, đồng thời dự đoán nền tảng sẽ có hơn một tỷ người dùng mỗi tháng vào năm 2024. "Tôi nghĩ mình đã thấy một con đường để Twitter vượt một tỷ người dùng hàng tháng trong vòng 12-18 tháng", ông viết.
Musk cũng cho biết tính từ 16/11, mỗi ngày Twitter có hơn 2 triệu người đăng ký mới, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Thời gian hoạt động trung bình mỗi ngày của người dùng là gần 8 phút, tăng 30%. Trong khi đó, theo thống kê của Global Wireless Solutions, số người truy cập nền tảng trong giai đoạn từ 28/10 đến 19/11 thấp hơn 3% so với từ 2/10 đến 27/10.
Ngoài ra, Musk tuyên bố Twitter là một trong những bước quan trọng giúp ông đạt được tham vọng tạo ra siêu ứng dụng X. Trong hình dung của ông, Twitter 2.0 sẽ mã hóa trực tiếp tin nhắn, thêm các tính năng về cuộc gọi, thanh toán và cho phép người dùng tweet dài hơn.