Bức tranh tiêu dùng xanh vẫn còn 'tối màu' vì rào cản giá thành cao
Rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao, kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra thị trường của Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC) cho biết trong khuôn khổ buổi họp báo thông tin về Vòng Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững, Hội DN HVNCLC, Dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập.
Ông Nguyễn Văn Phượng cho biết, theo Cuộc khảo sát tiêu dùng xanh 2024 cho thấy, lựa chọn sản phẩm xanh và tiêu dùng xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay. Bức tranh tiêu dùng xanh trong các cộng đồng dân cư còn khá “tối màu”. Ngay tại Hà Nội và TP HCM là hai trung tâm văn hóa, kinh tế lớn nhất cả nước nhưng tỷ lệ người tiêu dùng xanh ở mức độ phổ biến cũng chỉ chiếm khoảng 12% - 18%.
Hiện nay, thực phẩm xanh được người tiêu dùng sử dụng ở mức độ cao nhất so với sản phẩm xanh các ngành khác nhưng cũng chỉ đạt gần tới mức độ thường xuyên. Sản phẩm hóa mỹ phẩm xanh và đồ gia dụng xanh được sử dụng ở mức độ thỉnh thoảng. Các sản phẩm dụng cụ thể thao, văn phòng phẩm, phương tiện đi lại và may mặc xanh còn ít khi được mua dùng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy quan điểm của người tiêu dùng hiện nay là chưa nỗ lực mua sản phẩm xanh (3.5 điểm trên thang điểm 5) và chưa mặn mà với việc khuyến khích người thân/ bạn bè tiêu dùng sản phẩm xanh. Có thể tóm lại ngắn gọn: nhận thức và thái độ đối với tiêu dùng xanh của người tiêu dùng hiện nay là tín hiệu đáng mừng, nhưng thực trạng tiêu dùng xanh thì còn đáng buồn.
Theo ông Phượng, khi chọn mua sản phẩm xanh, bên cạnh các tiêu chí (chất lượng, an toàn, tốt cho sức khỏe) được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu như khi họ chọn mua sản phẩm thông thường thì yếu tố sản phẩm thân thiện môi trường cũng rất được người tiêu dùng quan tâm khi chọn mua sản phẩm xanh.
"Có thể nói tiêu chí thân thiện môi trường trở thành thước đo của người tiêu dùng đối với sản phẩm, là nhân tố tạo dấu ấn và niềm tin nơi người tiêu dùng khi chọn mua sản phẩm xanh. Ngoài các tiêu chí trên, người tiêu dùng hiện nay cũng rất quan tâm đến yếu tố giá thành khi chọn mua sản phẩm xanh", ông Phượng cho biết.
Đối tượng khách hàng chính yếu của các sản phẩm xanh hiện nay là người tiêu dùng trong độ tuổi từ 31 tuổi đến 45 tuổi, trình độ đại học, có nghề nghiệp ổn định và mức thu nhập từ 15 triệu đến 30 triệu. Tùy thuộc đặc trưng tiêu dùng của sản phẩm xanh mỗi ngành hàng mà đối tượng khách hàng chính yếu của từng loại sản phẩm ngành hàng có sự chuyển dịch nhất định
Tuy nhiên, ông Phượng cho biết, rào cản lớn nhất đối người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (78%), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh.
Ngoài ra, sự phàn nàn của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa không đúng như cam kết của nhà sản xuất cũng là trở ngại làm giảm lòng tin với đối với sản phẩm xanh lưu thông trên thị trường (18%)) người tiêu dùng cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng của họ).
Rào cản cuối cùng phải kể đến là nhận thức của một bộ phận người tiêu dùng còn hạn chế, đặc biệt người tiêu dùng ở khu vực nông thôn vẫn chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng và mức độ hiểu biết của họ về tiêu dùng xanh còn khá hạn chế (với 7% người tiêu dùng cho biết họ cảm thấy chưa cần thiết phải tiêu dùng xanh).
"Tiêu dùng xanh là xu hướng tất yếu và sẽ ngày càng trở nên phổ biến, kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng xanh cho thấy đa số người tiêu dùng cho biết họ sẽ gia tăng sử dụng sản phẩm xanh, và tiêu dùng xanh trong thời gian tới", ông Phượng chia sẻ.
- Xu hướng chuyển đổi xanh, tiêu dùng bền vững: Doanh nghiệp hành động, cộng đồng hưởng lợi
- Túi xách, giày dép giả mạo nhãn hiệu tràn ngập mạng xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng có trách nhiệm gì?
- Hai ‘ông lớn’ hợp tác đưa gà sạch không sử dụng hormone đến tay người tiêu dùng
- Xu hướng tiêu dùng bền vững: Doanh nghiệp cần làm gì để nắm bắt cơ hội vàng?
- Chuyên gia chỉ ra lợi ích quan trọng khi tiêu dùng sản phẩm xanh: Không thể tính bằng tiền!
- 'Muôn hình vạn trạng' vi phạm livestream bán hàng giả, không rõ nguồn gốc trên thương mại điện tử, đánh lừa người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách