Bữa ăn trên đĩa ấn tượng của anh chồng Pháp dành cho mẹ đơn thân người Việt và con gái
Với chế độ dinh dưỡng đặc biệt nên con gái của chị Minh Nguyệt luôn đảm bảo phát triển tốt cả về thể lực và trí lực.
Chồng chị Minh Nguyệt là anh Florian Casagrande, người Pháp, sinh năm 1985. Bà mẹ Việt chia sẻ. “Nhà mình có vợ Việt, chồng Tây và 1 cô con gái sống trên đất Pháp. Cả 2 đều đi làm, công việc văn phòng thời gian cố định như nhau, nên việc bếp núc cũng chia làm đôi”.
Do tính chất công việc nên phần lớn chồng chị Nguyệt đảm nhận vai trò đứng bếp là chính, đây cũng là niềm đam mê bất tận của anh Florian Casagrande.
Khác hẳn với một bữa ăn truyền thống của các gia đình ở Việt Nam có vài món thịt cá hay đạm động vật nhưng lại chỉ có một loại rau để nấu canh, với bữa cơm hàng ngày ở đất Pháp, mỗi bữa ăn chị Nguyệt và con gái luôn được chồng nấu cho vài loại rau củ, thay cơm bằng nhiều loại ngũ cốc đa dạng, thịt cá chỉ có duy nhất một loại.
Chị cho biết, tất cả các thực phẩm chồng Pháp lựa chọn luôn là đồ BIO - đây cũng là cách người Pháp gọi đồ hữu cơ organic. Đi siêu thị, chồng chị cũng ân cần dạy vợ con kiểm tra chỉ số dinh dưỡng - nutrition score trên mỗi sản phẩm.
Ngoài ra, tùy theo độ tuổi và cân nặng, anh còn đong đếm lượng thịt cá theo gram/tuần. Mẹ Việt kể, thậm chí có nhiều hôm cả nhà ăn chay luôn nếu cuối tuần trước có lỡ miệng ăn vượt tiêu chuẩn.
Mẹ đảm Minh Nguyệt chia sẻ, không phải khi sang Pháp con mới được bố mẹ chỉ dạy về chế độ dinh dưỡng mà chị đã dạy con gái phân biệt đồ ăn theo nhóm đạm/ xơ/ tinh bột từ lúc 3 tuổi, bữa ăn cần phải đa dạng về màu sắc.
Theo đó, con gái của chị Nguyệt hình thành thói quen ăn rau trước tiên, rồi mới tới thịt cá và sau cùng là cơm. Sữa không chọn loại có đường, bim bim hay kẹo ngọt trong nhà cũng không có sẵn. Tới khi con gái sang Pháp đi học, mẹ Việt mới thấy con trông mảnh mai vậy mà cao nhất trong số các bạn nữ cùng lớp, chỉ sau 1 bạn nam.
Sang một đất nước mới để sinh sống, hai mẹ con chị Nguyệt rất háo hức thưởng thức các món ăn Âu, nhất là ở Pháp - vốn đã nổi tiếng với nền văn hóa ẩm thực.
Ở Pháp, mọi người không ăn cơm trắng hàng ngày, cũng không ăn canh. Chị nói: “Cơm trắng được thay bằng bánh mỳ, hay các loại ngũ cốc khác, như lúa mạch, yến mạch, kiều mạch, hạt diêm mạch... Thay vì ăn bún phở, hai mẹ con ăn nhiều loại mỳ pasta hơn”.
Chị và cô con gái cũng dần bỏ thói quen ăn thịt mỡ mà chỉ ăn thịt nạc, hạn chế thịt đỏ và tăng cường thịt trắng, các loại hải sản. Khi hòa nhập vào các bữa ăn hàng ngày, chị Nguyệt nhận ra không phải món nào cũng có bơ, sữa, phô mai béo ngậy như chị tưởng tượng.
Hiện cả gia đình chị Nguyệt luôn ưu tiên chọn thực phẩm hữu cơ. Ngay cả con gái đi siêu thị cũng chỉ đến quầy thực phẩm hữu cơ để chọn đồ. Thói quen ăn uống và khẩu vị của chị và con từ khi sang Pháp cũng đã thay đổi ít nhiều, nhưng là theo chiều hướng tốt.
Theo đó, chị Minh Nguyệt tiết lộ 4 tips rèn luyện cách ăn uống cho con gái giúp bé đảm bảo phát triển tốt.
Một là, ăn rau là chính, mẹ đảm khẳng định bản thân rất quan trọng việc ăn rau, con gái của chị từ bé đã được luyện ăn đa dạng các loại rau củ thực vật. Bữa ăn luôn bắt đầu bằng việc ăn hết bát rau trước, rồi mới tới thịt cá, cuối cùng là cơm. Lúc thay răng sữa, con gặp khó khăn khi nhai thịt thì con ăn chay một thời gian. Lúc đó, chị Nguyệt đã đi học 1 khóa dạy nấu đồ chay để đổi món cho con, để con đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho con khỏe mạnh. Sau thời gian ăn chay thì con là fan cứng của tất cả các loại nấm.
Thứ hai là hạn chế đồ ngọt. Từ nhỏ con đã uống sữa nguyên chất không đường, bánh kẹo cũng không có sẵn trong nhà. Đồ ăn vặt được thay bằng các loại hạt (hạnh nhân, macca, óc chó...). Bạn nhỏ nhà chị vì thế cũng không có thói quen ăn tráng miệng bằng đồ ngọt sau khi ăn cơm. Thói quen này sẽ giúp con bảo vệ làn da về sau này nữa.
Thứ ba là giáo dục con về dinh dưỡng và ăn uống từ khi còn nhỏ. Bé thành thạo phân chia thức ăn thành các nhóm chất xơ/đạm/béo/tinh bột từ lúc 4 tuổi. Mình dạy con các nhóm vitamin trong các loại thực phẩm, và nó có tác dụng gì với cơ thể. Con gái chị Nguyệt hiểu rõ đồ ăn nhanh có hại tới sức khỏe thế nào, nên dù có thèm gà rán hay burger thì con cũng chỉ xin mẹ ăn 1 tháng 1 lần.
Thứ tư là kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Chị Nguyệt không bao giờ để con ăn quá no, vì khi no quá thì con sẽ lười vận động, ảnh hưởng xấu tới dạ dày. Chỉ ăn vừa đủ, khi cảm thấy no mà muốn dừng là con dừng, và sẽ ăn nhiều bữa 1 ngày.
“Cân nặng là mối quan tâm hàng đầu, mình không để con tăng cân quá nhanh hay theo chủ nghĩa nuôi con mập mạp. 3 năm nay con chỉ tăng có 3kg nhưng cao thêm hơn 20cm. Các chỉ số luôn nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn”, chị Nguyệt nói thêm.
Hiện tại, việc bếp núc hay chăm sóc con gái chị Minh Nguyệt phụ thuộc rất nhiều vào chồng. Khi vợ con thèm món Á, anh chồng người Pháp cũng cố học để nấu cho giống, từ Pad Thái tới làm sushi. Chị Nguyệt từ người không biết nấu ăn nhờ chồng động viên vào bếp nấu món Việt mà nay đã nấu được rất nhiều món và hiểu hơn về chế độ dinh dưỡng.