5 cách bố trí bếp sai lầm và những bí quyết đơn giản để tạo nên không gian hoàn hảo
Bố trí bếp sai lầm không chỉ gây bất tiện khi nấu nướng mà còn làm giảm tính thẩm mỹ và công năng của không gian. Từ những thiết kế chật chội, rối mắt đến cách sắp xếp thiếu khoa học, nhiều căn bếp trở thành “ác mộng” trong mắt các nhà thiết kế.
Những cánh tủ kêu cót két hay màu sơn nhạt nhòa có thể làm giảm sức hút của gian bếp, nhưng không gì gây bực bội hơn một bố cục bếp kém khoa học. Vì mặt bằng và cách sắp xếp không gian gần như cố định, nhiều người cảm thấy bị "mắc kẹt" với căn bếp mà mình có.

Tuy nhiên, ngay cả khi không muốn cải tạo lớn hay tốn kém quá nhiều, vẫn có cách để biến một gian bếp bất tiện trở nên tiện nghi và thẩm mỹ hơn. Đừng lo, các chuyên gia nội thất có giải pháp cho bạn.
Dưới đây là những kiểu bố trí bếp khó nhằn nhất theo đánh giá của các nhà thiết kế – cùng với mẹo giúp bạn biến chúng thành không gian lý tưởng.
Bếp hành lang cụt
Theo các chuyên gia thiết kế nội thất, bếp hành lang – đặc biệt là phiên bản cụt một đầu – nằm trong danh sách những cách bố trí bếp tệ nhất. Dù phổ biến, kiểu bếp này có nhiều nhược điểm lớn khiến việc nấu nướng trở nên bất tiện.
“Khi tủ lạnh hoặc bếp nấu bị đặt ở cuối lối đi hẹp, bạn sẽ liên tục phải quay đầu và dễ va vào người khác. Nó tạo điểm nghẽn giao thông và khiến việc chuẩn bị bữa ăn trở nên rối loạn", nhà thiết kế nội thất Jodi Peterman chia sẻ.
Trong một số trường hợp, bếp hành lang có lối mở ở cả hai đầu, giúp không gian bớt chật chội hơn. Ngoài ra, kiểu bếp này có thể tận dụng diện tích hiệu quả trong những ngôi nhà nhỏ, nhưng theo nhà thiết kế Alice Moszczynski, nó vẫn thường hạn chế sự lưu thông và linh hoạt của không gian sống.
Cách tận dụng tối đa bếp hành lang cụt

Mục tiêu chính khi cải thiện bếp hành lang là mở rộng không gian về mặt thị giác, ngay cả khi không thể thay đổi cấu trúc thực tế.
“Hãy giữ mặt bàn luôn gọn gàng, tận dụng kệ treo tường để giải phóng diện tích và thay cửa tủ nặng nề bằng kệ mở để tạo cảm giác thoáng hơn”, nhà thiết kế Jodi Peterman gợi ý.
Nếu có thể thực hiện một số điều chỉnh về xây dựng, bạn có thể làm được nhiều hơn là chỉ cải thiện về mặt thẩm mỹ.
“Mở một bên bếp hoặc thêm kệ kéo giúp cải thiện luồng di chuyển, trong khi gương và màu sắc tươi sáng giúp không gian trông rộng rãi hơn”, theo nhà thiết kế Alice Moszczynski.
Bếp đơn tường
Bếp một bức tường là một trong những thiết kế gây nhiều bất tiện hơn là giải pháp. Đúng như tên gọi, kiểu bếp này chỉ có một bức tường chứa tủ bếp và mặt bàn, khiến không gian lưu trữ và khu vực chế biến bị giới hạn.
Tuy nhiên, loại bếp này vẫn có ưu điểm riêng: chi phí thấp, dễ thi công, phù hợp với diện tích nhỏ và cả những người thích tự sửa sang nhà cửa. Dù vậy, vấn đề lớn nhất vẫn là sự bất tiện trong tổ chức không gian và công năng sử dụng.
Cách tận dụng tối đa

Chỉ có một mặt bàn và tủ bếp đồng nghĩa với việc cần tận dụng không gian thông minh hơn.
“Hãy tối đa hóa lưu trữ theo chiều dọc bằng tủ cao và sử dụng đảo bếp di động để tăng diện tích chế biến," nhà thiết kế Alice Moszczynski gợi ý.
Nếu có tủ dưới, hãy cân nhắc lắp kệ mở thay vì tủ kín để có thêm chỗ đựng bát đĩa, ly cốc và dụng cụ nấu nướng. Dù không thể thay đổi cấu trúc bếp, cách này vẫn giúp tăng không gian lưu trữ đáng kể.
Bếp góc
Hầu hết các căn bếp đều có góc, nhưng không phải góc nào cũng hữu dụng. Những góc chéo khó tiếp cận thường trở thành khu vực lãng phí, khiến việc lấy đồ trở nên bất tiện như một trò chơi vặn người.
“Những góc này thường có tủ sâu đến mức bạn phải vươn người hết cỡ mới lấy được đồ, tạo cảm giác như đang chơi Twister”, nhà thiết kế Jodi Peterman chia sẻ.
Dù có giải pháp như kệ xoay hoặc hệ thống lưu trữ thông minh, chúng vẫn không thực sự hiệu quả và đôi khi còn gây phiền toái hơn mức cần thiết.
Cách tận dụng tối đa

Giải pháp tốt nhất cho những góc bếp khó dùng chính là… bỏ qua chúng. Thay vì cố gắng tìm cách tận dụng những tủ khó với tới, hãy hướng sự chú ý đến các phương án lưu trữ khác hợp lý hơn.
“Đừng nhồi nhét đồ vào những góc này. Hãy biến chúng thành kệ trang trí hoặc giữ cho không gian sạch sẽ bằng tranh ảnh và đồ decor. Thay vào đó, đầu tư vào các ngăn kéo kéo ra thông minh ở những khu vực khác để tránh việc liên tục phải loay hoay với những góc tủ bất tiện”, Peterman gợi ý.
Nhà bếp có đảo bếp cỡ lớn
Đảo bếp thường được xem là một yếu tố quan trọng trong thiết kế bếp hiện đại, nhưng chỉ khi nó có kích thước phù hợp và được đặt đúng vị trí. Một hòn đảo quá lớn hoặc nằm ở vị trí bất hợp lý có thể biến không gian trở nên chật chội và kém tiện lợi.
“Nó không còn là nơi tụ tập lý tưởng mà trở thành một chướng ngại vật”, nhà thiết kế Jodi Peterman giải thích.
Cách tận dụng tối đa

Nếu không thể loại bỏ hoặc thu nhỏ đảo bếp, hãy tối ưu cách sử dụng nó để phù hợp hơn với không gian.
“Nên giữ bề mặt luôn gọn gàng, sử dụng ghế không tựa có thể đẩy sát vào bàn, và lắp đèn thả đẹp mắt để cân bằng thị giác”, Peterman khuyên.
Hãy xem xét cách bạn di chuyển trong bếp và sử dụng đảo bếp theo cách hợp lý nhất. Nếu cần thêm không gian chế biến, hãy biến nó thành khu vực chuẩn bị thức ăn. Nếu đảo bếp quá xa khu vực nấu nướng, có thể bố trí nó thành góc ăn nhẹ hoặc nơi thư giãn.
“Nếu không thể thay đổi kích thước, hãy tập trung vào việc khiến nó trở nên có chủ đích và dễ sử dụng. Chức năng luôn phải đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến yếu tố thẩm mỹ để tạo sự hài hòa cho không gian", Peterman nhấn mạnh.
Bếp đóng
Với xu hướng nhà ở không gian mở ngày càng phổ biến, không có gì lạ khi bếp mở cũng trở thành lựa chọn được ưa chuộng. Những gian bếp rộng rãi, kết nối tốt giúp việc di chuyển giữa các khu vực dễ dàng hơn. Ngược lại, bếp đóng thường gây cảm giác tù túng và tách biệt.
“Một căn bếp đóng có thể khiến người nấu ăn bị cô lập và làm không gian trông nhỏ hơn”, nhà thiết kế Alice Moszczynski nhận xét.
Cách tận dụng tối đa

Nếu không muốn người nấu ăn bị tách biệt, có một số cách đơn giản giúp không gian trở nên thoải mái và kết nối hơn. Một giải pháp dễ dàng là đặt một bàn nhỏ hoặc khu vực ngồi để mọi người có thể trò chuyện và thư giãn ngay cả khi không tham gia nấu nướng.
Nếu có đủ diện tích và điều kiện để thay đổi cấu trúc, bạn có thể cải thiện đáng kể sự kết nối của không gian.
“Hãy thử loại bỏ một bức tường hoặc thêm vách ngăn nửa để tạo sự liên kết với các khu vực khác. Ngoài ra, sử dụng cửa sổ lớn và màu sắc tươi sáng cũng giúp căn bếp trông rộng rãi hơn. Bất kể kiểu bố trí nào, hãy giữ bếp luôn gọn gàng, tận dụng giải pháp lưu trữ thông minh và đầu tư vào hệ thống chiếu sáng tốt", Moszczynski gợi ý.