Thứ năm, 29/05/2025
logo
Tiêu điểm

Báo chí – Doanh nghiệp: Đồng hành không có nghĩa là né tránh phản biện

VIÊN VIÊN Thứ tư, 28/05/2025, 09:58 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Netflix làm mới trải nghiệm truyền hình: Giao diện trực quan, AI thông minh và chiến dịch quảng bá ấn tượng

Netflix làm mới trải nghiệm truyền hình: Giao diện trực quan, AI thông minh và chiến dịch quảng bá ấn tượng

7 bí quyết tinh thần giúp nhà đầu tư vững vàng trên hành trình làm giàu

Đồng hành không có nghĩa là né tránh phản biện

Phát biểu tại Diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do báo Kinh tế và Đô thị tổ chức, GS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị cho biết, báo chí với vai trò là “người bạn đồng hành tin cậy” cần thể hiện rõ sứ mệnh của mình, là cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Báo chí phản ánh tâm tư của cộng đồng doanh nghiệp, kiến nghị chính sách, lan tỏa những mô hình tốt và những giải pháp hiệu quả.

Vai trò cầu nối của báo chí với doanh nghiệp chưa bao giờ rõ nét như hiện nay. Trong giai đoạn đổi mới mạnh mẽ, tinh gọn bộ máy, cải cách thể chế, báo chí không chỉ cung cấp thông tin cho bạn đọc mà còn dẫn dắt dư luận, phản ánh thực tiễn chính sách và gắn kết doanh nghiệp với nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách để cùng phát triển.

bao-3-1748335022-0752
GS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập báo Kinh tế và Đô thị.

Còn theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp không chỉ là hỗ trợ truyền thông đơn thuần, mà là sự cộng sinh mang tính chiến lược trong công cuộc phát triển quốc gia. “Nếu doanh nghiệp là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, thì báo chí là người bạn đồng hành trung thành, truyền cảm hứng đổi mới, lan tỏa giá trị tốt đẹp và thúc đẩy thay đổi",  ông Châu khẳng định.

Trong thời đại chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn, vai trò của báo chí càng trở nên thiết yếu. Báo chí không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xử lý khủng hoảng truyền thông mà còn góp phần vào việc hoạch định chính sách, tạo dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và đầy sức sống.

Chuyên gia truyền thông Phạm Sông Thu khẳng định: “Báo chí không chỉ đưa tin, mà còn góp phần dẫn dắt nhận thức, kiến tạo niềm tin xã hội và lan tỏa những mô hình kinh doanh tốt". Báo chí, với vai trò là “người tham gia” vào hệ sinh thái cải cách, đã và đang cùng doanh nghiệp tạo ra mạng lưới thông tin đa chiều – nơi tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe, những rào cản chính sách được phản ánh và những câu chuyện thành công được nhân rộng.

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm nhận định báo chí giữ vai trò cốt lõi trong việc định hướng dư luận, cảnh báo rủi ro, lan tỏa tri thức và phản ánh chân thực các vấn đề của doanh nghiệp với Nhà nước và xã hội.

Một bài báo điều tra về gian lận thương mại có thể cứu hàng trăm doanh nghiệp chân chính khỏi cạnh tranh không lành mạnh. Một tuyến bài phản ánh những vướng mắc trong chính sách thuế, đất đai, đầu tư có thể góp phần thúc đẩy sửa đổi pháp luật. Một câu chuyện doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng đổi mới sáng tạo.

bao-4-1748335148
 Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm.

Báo chí không chỉ là kênh thông tin – mà là một thành tố trong “hệ sinh thái cải cách”, cùng với doanh nghiệp, nhà nước, và tổ chức xã hội. Trong nghĩa rộng, báo chí đang dần chuyển từ vai trò người quan sát sang vai trò người tham gia – tham gia vào quá trình kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển lâu dài. Không phải ngẫu nhiên mà tại nhiều quốc gia phát triển, báo chí được xem là “cột trụ thứ tư” của nền dân chủ – là nơi giám sát quyền lực, phản ánh thực tiễn và thúc đẩy tiến bộ thông qua quyền lực mềm của thông tin.

Ngoài ra, ông Tú cho biết thêm, chưa bao giờ doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực thông tin như hiện nay. Một thông tin sai lệch, một bài viết thiếu kiểm chứng, hay một status xuyên tạc cũng có thể làm lung lay thương hiệu được xây dựng suốt hàng chục năm. Trong bối cảnh ấy, báo chí chính thống không chỉ là kênh tin tức, mà phải trở thành “người gác cổng” - giúp xác lập sự thật, bảo vệ hình ảnh doanh nghiệp chân chính, và duy trì niềm tin của thị trường.

Muốn làm được điều này, trước hết, báo chí phải có cơ chế kiểm chứng khách quan, tiếp cận được đầy đủ và kịp thời các nguồn tin chính thống từ cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Một mặt, doanh nghiệp cần chủ động cung cấp thông tin minh bạch. Mặt khác, cơ quan nhà nước cần tạo cơ chế phản hồi hai chiều để báo chí không bị “trôi nổi” trong luồng tin không kiểm soát.

Theo ông Tú nhận định, báo chí không thể một mình thay đổi môi trường kinh doanh, nhưng có thể làm cho nó minh bạch hơn. Báo chí không quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp, nhưng có thể bảo vệ họ khỏi những “cái chết oan uổng” về truyền thông. Báo chí không ban hành luật, nhưng có thể khiến luật được thực thi đúng và sớm.

Báo chí làm gì để đồng hành cùng doanh nghiệp?

Theo Tiến sĩ Phan Văn Thường, báo chí và doanh nghiệp có mục tiêu hoạt động khác nhau, do đó việc "đồng hành" nên được hiểu theo hướng hai bên tự nguyện hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong khuôn khổ thực hiện mục tiêu riêng.

"Sự đồng hành này không nên đồng hóa với việc báo chí trở thành công cụ tuyên truyền một chiều, mà cần là mối quan hệ hai chiều, trong đó báo chí góp phần tạo dựng môi trường thông tin lành mạnh, minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động. Đặc biệt, trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 68/NQ-TW, báo chí nên xác định rõ vai trò của mình để có những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân", ông Thường cho biết. 

z6643224292113_dd28b57b8907dedb4b37ad4861f271ac-0812
Tiến sĩ Phan Văn Thường, chuyên gia tài chính, ngân hàng, giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Theo ông Thường có 3 cách để báo chí phát huy hết vai trò của mình trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp: Thứ nhất, báo chí cần giữ vai trò là cơ quan giám sát quá trình thực thi chính sách một cách đồng bộ và khách quan. Việc giám sát này bao gồm theo dõi tình hình thực hiện của doanh nghiệp, cũng như công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai của các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, báo chí không chỉ phản ánh thông tin từ nhiều phía, mà còn có thể tổng hợp và đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể gửi đến các cơ quan chức năng nhằm điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, báo chí cần đảm nhiệm vai trò phản biện chính sách – phát hiện và chỉ ra những bất cập trong quá trình thực thi. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ nhà báo, chuyên gia có năng lực chuyên môn về kinh tế, pháp luật, đủ sâu để nhận diện các điểm nghẽn phát sinh và đề xuất hướng xử lý phù hợp. Việc phản biện một cách công tâm và xây dựng sẽ giúp chính sách ngày càng tiệm cận với thực tiễn và hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tư nhân.

Cuối cùng, báo chí cũng là lực lượng tiên phong trong việc phát hiện sớm những biểu hiện tiêu cực hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi. Trong quá trình thực hiện chính sách, nguy cơ phát sinh các hành vi lợi dụng là có thật. Báo chí, thông qua vai trò giám sát, sẽ là kênh thông tin quan trọng góp phần ngăn chặn ngay từ đầu.

Đồng thời, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp cũng cần được đặt trong bối cảnh cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt với mạng xã hội. Việc doanh nghiệp lựa chọn hợp tác truyền thông chính thống không chỉ giúp đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kế toán về chi phí quảng bá, mà còn nâng cao độ tin cậy với người tiêu dùng, đặc biệt trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và minh bạch hóa thông tin hàng hóa, dịch vụ.

Đồng quan điểm trên, bà Văn Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA), Chủ tịch CLB Báo chí và Truyền thông Xanh (HSIA) chia sẻ trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên của công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh – vai trò của báo chí ngày càng được đề cao.

Đặc biệt, khi nền kinh tế đang dần dịch chuyển theo định hướng phát triển bền vững, kinh tế tư nhân được phát huy và đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng nòng cốt, thì báo chí cần đồng hành sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp, trở thành cầu nối tri thức, thông tin và định hướng dư luận một cách tích cực.

z6643211208495_b5453a8fb163b94788925cba6fc52d70
Bà Văn Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM (HSIA), Chủ tịch CLB Báo chí và Truyền thông Xanh.

Trong hành trình đó, báo chí không chỉ đơn thuần đưa tin mà còn có vai trò cổ vũ, truyền cảm hứng và phản biện – góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.

Bà Minh Hoa nhận định, khi báo chí phát huy đúng vai trò, doanh nghiệp đi đúng hướng, chính phủ tạo đúng cơ chế, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một nền kinh tế Việt Nam bền vững, có trách nhiệm và tràn đầy cơ hội trong kỷ nguyên mới.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục