Bác sĩ chia sẻ cách giữ ấm cho trẻ sơ sinh đúng cách
Hầu hết cha mẹ đều tìm mọi cách để giữ ấm cho trẻ sơ sinh bằng việc mặc quần áo dày, ủ chăn, đặt lò sưởi… Những cách làm như vậy đã đúng chưa?
Giữ ấm bằng quần áo
Theo BSCKI Đặng Thu Hiền - Phòng khám Cây thông xanh thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, giữ ấm đúng cách trong mùa đông giúp trẻ phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Tuy nhiên, không phải cứ mặc nhiều quần áo là ấm, đắp chăn kín và dày là đúng cách.
Cha mẹ cần cho trẻ mặc nhiều lớp áo khác nhau, chất liệu dễ chịu thoáng khí lại giúp cho việc giữ ấm được tốt hơn, tránh nhiễm lạnh ngược khi ra mồ hôi. Bạn có thể mặc cho trẻ một chiếc áo thun dài tay ở bên trong và khoác áo gile, áo khoác bên ngoài. Tránh các chất liệu gây bí dễ khiến da trẻ dị ứng, hăm bí. Không quấn quá nhiều lớp tã hoặc đắp quá nhiều chăn cho bé.
Cần thường xuyên mang tất chân, bao tay, đội mũ, đeo yếm… cho trẻ vì đây là bộ phận rất nhạy cảm với thời tiết lạnh. Đầu bé sơ sinh là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng cũng là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não bé tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.
Ban đêm mùa đông rất lạnh, nếu không được giữ ấm đúng cách, trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên, cha mẹ nên thường xuyên dậy kiểm tra chăn của con và lau người cho trẻ nếu ra mồ hôi. Nếu nhiệt độ thay đổi, bạn có thể cởi bớt các lớp áo cho trẻ.
Duy trì nhiệt độ phòng ổn định
Trong mùa đông, vấn đề duy trì nhiệt độ ổn định là rất cần thiết. Cha mẹ không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột có thể gây cảm cúm cho trẻ.
Cha mẹ có thể dùng thêm điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi để giữ nhiệt độ phòng từ 27 - 28°C. Nhưng tuyệt đối tránh sưởi bằng lò than trong phòng. Khí CO và CO2 có thể gây ngạt thở và nhiễm độc cho cả mẹ và con. Tránh để bé ngủ ở chỗ hơi của máy điều hòa phả ra hoặc nơi gió lùa trực tiếp từ cửa sổ.
Các bác sĩ cũng lưu ý, cha mẹ không nên sử dụng thiết bị làm ấm phòng liên tục trong cả ngày. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho căn phòng của mẹ và bé. Nên nhỏ mũi thường xuyên và cho bé uống đủ nước khi ở trong phòng sử dụng các thiết bị làm ấm.
Những hôm thời tiết có nhiệt độ thấp đột ngột thì hạn chế việc cho trẻ ra ngoài trời nếu không cần thiết, tránh những nơi có gió lùa, gió lạnh.
Dinh dưỡng đầy đủ
Cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý để giữ ấm và tăng sức đề kháng cho trẻ trong mùa đông. Mẹ cần ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng, uống nhiều nước ấm để giữ ấm và tăng sức đề kháng chống lại các loại vi rút, vi khuẩn đang sinh sôi nhiều lên trong mùa lạnh. Dinh dưỡng từ bên trong cũng rất quan trọng. Cho bé bú mẹ đầy đủ để đảm bảo sức khỏe cho bé duy trì được thân nhiệt ổn định.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng nhấn mạnh, việc để bé nằm cạnh mẹ giúp mẹ truyền hơi ấm và tiện theo dõi thân nhiệt của con. Tích cực bổ sung đủ vitamin D theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp trẻ phát triển xương khớp và tăng cường hệ miễn dịch. Đặc biệt, thực hiện tốt việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine cho trẻ theo lứa tuổi để có cách phòng ngừa bệnh chủ động và hiệu quả nhất.