Cách giúp cha mẹ cải thiện tình trạng mất tập trung cho trẻ
Nhà tâm lý học William James cho biết, cách giáo dục tốt nhất là thúc đẩy sự tập trung của trẻ. Vậy làm cách nào để thúc đẩy sự tập trung của trẻ?
Tình trạng mất tập trung thường xảy ra với nhiều trẻ nhỏ. Tình trạng này có thể cải thiện khi trẻ lớn dần lên. Khi trẻ bắt đầu bước vào độ tuổi đi học, cha mẹ có thể áp dụng một số cách sau để thúc đẩy sự tập trung của trẻ.
Tạo môi trường học tập nghiêm túc
Khả năng tập trung của trẻ sẽ kém ổn định và dễ bị phân tâm bởi các kích thích bên ngoài. Đừng cho con học khi bố mẹ đang xem tivi, nghe nhạc hoặc sử dụng điện thoại… Thay vào đó, cần tạo cho con một môi trường yên tĩnh, không bị làm phiền và xao lãng bởi những thứ xung quanh.
Giữ gìn vệ sinh trong nhà
Dù bận rộn đến đâu, cha mẹ cũng nên dành thời gian làm việc nhà, thường xuyên dọn dẹp những đồ đạc lặt vặt trong phòng để tạo môi trường sống sạch sẽ, ngăn nắp cho con cái.
Không gian học tập của trẻ cần thoáng đãng, ngăn nắp và hạn chế nhiều nhất tiếng ồn xung quanh. Bàn học nên hướng về phía có ánh sáng tự nhiên vì ánh sáng tự nhiên giúp kích thích khả năng tư duy. Chỉ đặt đồ dùng học tập và sách vở cần thiết cho nội dung ôn tập lên bàn học của trẻ.
Sắp xếp thời gian biểu sinh hoạt
Cha mẹ nên chú ý sắp xếp thời gian sinh hoạt, nghỉ ngơi của trẻ hợp lý, để cuộc sống của trẻ được thoải mái và linh động. Không để trẻ tập trung quá lâu, cũng không để trẻ ngồi yên một chỗ cả ngày.
Trẻ em cũng cần chế độ ngủ khoa học để giúp thiết lập và củng cố khả năng ghi nhớ, sự tập trung của não bộ. Trẻ ngủ không đủ giấc vào đêm hôm trước, rất dễ bị phân tâm vào ngày hôm sau.
Tùy độ tuổi, phụ huynh nên cho con tuân theo thời gian ngủ khác nhau. Theo các chuyên gia, trẻ 3-5 tuổi có tổng thời gian ngủ 10-13 giờ; trẻ 6-12 tuổi có tổng thời gian ngủ là 9-12 giờ…
Làm một việc một lần
Không phải ai cũng có thể làm nhiều việc cùng lúc, đặc biệt là trẻ em. Khi các bé còn nhỏ, phụ huynh nên hướng dẫn con tập trung làm một việc trong khoảng thời gian nhất định để rèn luyện sự tập trung. Trẻ học bài thì không nghe nhạc hoặc khi chơi đồ chơi, dọn nhà thì không xem tivi... Điều này giúp các con tập trung vào vấn đề trước mặt thay vì cố gắng nghĩ nhiều thứ khác cùng một lúc.
Kiểm soát thời gian chơi điện tử
Nếu trẻ thường xuyên chơi trò chơi điện tử sẽ rất bất lợi cho sự phát triển trí não và mắt. Nguyên do là trong trò chơi điện tử có nhiều âm thanh và ánh sáng kích thích, dễ khiến trẻ hưng phấn và không thể bình tĩnh được, lâu dần gây ra chứng mất tập trung ở trẻ. Mỗi ngày, cha mẹ chỉ nên cho trẻ chơi 1 lần khoảng 15-20 phút và hạn chế dần.
Kể chuyện mỗi tối
Kỹ năng đọc hiểu và tư duy logic đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển các kỹ năng học tập và khả năng giao tiếp. Khi trẻ lắng nghe bố mẹ kể chuyện, dần dần học được cách dự đoán được các sự kiện xảy ra tiếp theo. Từ đó, trẻ dần biết được cách để ghi nhớ và xâu chuỗi lại các sự kiện theo đúng trình tự được nghe. Điều này giúp ích rất lớn trong việc tập trung suy nghĩ.
Trẻ thường sẽ không có hứng thú với những câu chuyện dài, vì thế, cha mẹ nên sử dụng cách truyền đạt dễ hiểu và giọng điệu thú vị để tạo sự lôi cuốn. Những biểu cảm, giao tiếp bằng mắt trong quá trình kể chuyện sẽ làm tăng sự tương tác, cải thiện rõ rệt sự tập trung của trẻ.