Rèn tính kiên nhẫn cho trẻ từ những hoạt động đơn giản
Những đứa trẻ có tính kiên nhẫn thường rất tự lập, không ỉ lại vào người khác. Đây là một trong những đức tính quan trọng giúp trẻ đạt được sự thành công trong cuộc sống.
Cha mẹ làm gương
Khi làm bất cứ việc gì, cha mẹ cần nghiêm túc và kiên trì thực hiện chứ không được bỏ dỡ nửa chừng. Trong trường hợp phát sinh những vấn đề không như ý muốn, cha mẹ không nên tức giận, nổi nóng mà phải kiên trì thực hiện và kiểm soát hành vi của mình. Hoặc cha mẹ tránh cho trẻ nhìn thấy các hành vi, thói quen xấu để trẻ không học theo. Trẻ luôn quan sát từng cử chỉ, hành động, lời nói của người lớn, vì thế hãy làm tấm gương sáng để con trẻ học hỏi.
Dạy cách xếp hàng
Giáo viên Nguyễn Thị Kim Dung - Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội) cho biết, trong nhiều nhà trường, giáo viên thường chú trọng dạy trẻ kỹ năng xếp hàng từ khi còn nhỏ. Kỹ năng xếp hàng chờ đến lượt là một trong những kỹ năng quan trọng và rất cần thiết, gắn liền với thực tế cuộc sống hàng ngày mà cô giáo cần phải hướng dẫn trẻ. Đây cũng chính là tiền đề tạo thành thói quen tốt cho trẻ sau này lớn lên ra xã hội trở thành người lịch sự, biết ứng xử văn minh nơi công cộng.
Trẻ thường có xu hướng tranh giành vị trí đứng đầu bởi tâm lí muốn trở thành người quan trọng nhất. Đây là trong những vấn đề khó khăn mà giáo viên mầm non thường gặp phải khi hướng dẫn trẻ xếp hàng. Cách thức để giải quyết vấn đề này là chỉ định sẵn trẻ đứng đầu để làm mẫu giúp các trẻ khác nắm được cách thức xếp hàng. Bên cạnh đó, nên thay đổi luân phiên và tăng tầm quan trọng của vị trí đứng khác để giảm bớt sự chú ý của trẻ vào vị trí đầu hàng.
Gia đình có nhiều con có thể áp dụng cách dạy con xếp hàng cho các con ở nhà trong các việc cần phải chờ đợi đến lượt làm của mình, không quá phân biệt độ tuổi hay giới tính của các trẻ mà ưu tiên hơn.
Hình dung về thời gian
Trẻ em bắt đầu phát triển tư duy trừu tượng vào khoảng 9 tuổi. Trước độ tuổi này, trẻ hình dung cụ thể về các hoạt động. Đây là lý do trẻ có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra sự khác biệt giữa 15 phút và 45 phút. Do đó, ba mẹ cần giúp trẻ hiểu về giá trị của thời gian cũng như biết chờ đợi một việc nào đó khi chưa thể thực hiện được ngay lúc đó. Cách rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ lúc này có thể là dùng đồng hồ ví dụ như "Khi chuông báo 6h, con phải dọn dẹp đồ chơi và chuẩn bị ăn cơm."
Chơi những trò chơi đơn giản
Cách dễ dàng nhất để trẻ rèn luyện kiên nhẫn mà không cảm thấy gò bó là thông qua các trò chơi. Một giáo viên mầm non chia sẻ một số trò mà cha mẹ có thể dạy con, cùng chơi với con như cắt ghép tranh. Người lớn có thể chuẩn bị cho con các bức tranh về phong cảnh, đồ vật… rồi cắt bức tranh ra thành các mảnh ghép nhỏ rồi cho trẻ ghép. Mức độ tăng dần từ dễ đến khó. Cha mẹ có thể tạo ra cuộc thi nhỏ cho các con để gia tăng sự tập trung và hứng thú.
Tự chơi một mình
Có rất nhiều lợi ích từ việc để trẻ chơi một mình. Một trong số đó là trẻ có thể tìm thấy niềm vui ở bất cứ nơi đâu và thời điểm nào. Khi trẻ tự làm thứ gì đó một mình, trẻ buộc phải suy nghĩ và tìm ra cách chơi tốt nhất, nếu không bé hoàn toàn phải chơi lại. Việc này giúp trẻ phát huy óc sáng tạo, trí tưởng tượng và đặc biệt là có thời gian suy nghĩ thấu đáo. Đây cũng là một trong những cách có thể rèn tính kiên nhẫn cho trẻ.
Hạn chế các thiết bị điện tử
Theo các chuyên gia giáo dục, các thiết bị điện tử như tivi, máy tính bảng, điện thoại thông minh đều không tốt cho sự phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng của trẻ. Những thiết bị này thường cung cấp những chương trình giải trí nhanh chóng và dễ khiến trẻ bị lệ thuộc. Những trẻ có thói quen sử dụng các thiết bị điện tử thường nảy sinh tâm lý cáu gắt, chán nản, thiếu sự kiên nhẫn và tập trung.
Bên cạnh việc cho trẻ tham gia các hoạt động thực tế, một số bộ phim hoạt hình hay sách, truyện cũng có thể giúp trẻ hiểu về tính kiên nhẫn. Giống như hầu hết các hành vi khác, kiên nhẫn là học cách điều chỉnh cảm xúc.
- Rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ, phương pháp nào là phù hợp?
- Dạy trẻ chậm nói tại nhà: cha mẹ cần kiên nhẫn và bên con nhiều hơn