Apple cho phép người dùng mở tài khoản tiết kiệm, lãi suất cao gấp 10 lần trung bình
Apple cho phép khách hàng mở tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu, lãi suất cao thông qua tài khoản thẻ tín dụng của Apple (Apple Card).
Apple vừa thông báo “bắt tay” Ngân hàng Goldman Sachs cho ra mắt sản phẩm tiền gửi mới với lãi suất 4,15%/năm tại Mỹ. Các tài khoản tiết kiệm không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu và được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) bảo đảm. Người dùng có thể dễ dàng tạo tài khoản tiết kiệm trên ứng dụng Wallet ở iPhone. Yêu cầu bắt buộc là người dùng phải có Apple Card (dịch vụ ví của Apple giúp khách hàng nhận tiền, gửi và thanh toán tiền thông qua ứng dụng).
Thông cáo báo chí của Apple cho biết, số dư tối đa cho phép đối với mỗi tài khoản là 250.000 USD. Toàn bộ phần tiền mà người dùng được hoàn thông qua dịch vụ Daily Cash ở Apple Card sẽ được tự động gửi vào tài khoản tiết kiệm. Người dùng có thể quản lý tài khoản thông qua ứng dụng Wallet, nơi có thể theo dõi tiền lãi, số dư tài khoản hoặc biến động khi rút tiền.
Daily Cash được xem là một điểm thu hút của Apple Card khi ra mắt bởi người sử dụng sẽ được trả lại 2% tiền mặt khi thực hiện tất cả các giao dịch mua sắm thông qua điện thoại và 3% khi mua sắm các sản phẩm của Apple. Nếu không muốn gửi tiết kiệm, người dùng có thể thay đổi nơi nhận khoản tiền hoàn này bất cứ lúc nào hoặc có thể thêm tiền từ tài khoản ngân hàng để gửi tiết kiệm tùy theo nhu cầu.
Tính năng này hiện chỉ hỗ trợ người dùng Mỹ trên 18 tuổi và đồng thời phải có iPhone chạy từ iOS 16.4 trở lên. Theo dữ liệu của FDIC, lãi suất trung bình hàng năm với với các tài khoản tiết kiệm truyền thống chỉ là 0,37%. Vì thế, mức lãi suất tiền gửi mà Apple mang đến cho người dùng thực sự hấp dẫn, hiện rất ít ngân hàng tại Mỹ có thể đưa ra mức lãi suất tiết kiệm cao hơn của Apple đi kèm với nhiều ưu đãi như vậy.
Mức lãi suất này vượt xa các sản phẩm tiền gửi của American Express (lãi suất 3,75%), hay sản phẩm tiền gửi riêng của Goldman Sachs, hoạt động dưới thương hiệu Marcus (lãi suất 3,9%). Hay Ngân hàng CTI Banks đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 4,75%/năm, cao hơn so với Apple nhưng lại yêu cầu khách hàng phải duy trì tối thiểu 5.000 USD trong tài khoản.
Quyết định này đánh dấu bước đi tiếp theo lấn sân sang lĩnh vực dịch vụ tài chính của Apple. Hàng loạt dịch vụ tài chính mới được Apple triển khai trong thời gian gần đây cho thấy nhà sản xuất iPhone này đang nhắm tới một mảnh đất màu mỡ mới là thị trường tiêu dùng cá nhân của người dùng Mỹ – một mảng kinh doanh truyền thống vốn đang nằm trong tay các ngân hàng.
Cuối tháng 3 vừa qua, Apple cũng đã ra mắt dịch vụ “mua ngay, trả tiền sau” (buy now, pay later) trên iPhone và iPad tại Mỹ. Với dịch vụ này, người dùng có thể vay từ 50 USD cho đến 1.000 USD và có thể hoàn trả khoản vay đó thông qua 4 lần thanh toán trong 6 tuần mà không bị tính lãi hoặc phí.
Apple được mệnh danh là cỗ máy in tiền với khả năng khai thác triệt để mọi ngóc ngách thị trường để kiếm tiền, từ iPhone, iPad, máy tính Mac, AirPods, Apple Watch và các dịch vụ đi kèm như bảo hành, hoa hồng mua bán ứng dụng trên thiết bị và mới đây là cả các gói dịch vụ như iCloud, Apple Music, Apple TV+, … Tổng cộng hàng loạt mảng kinh doanh này mang lại cho Apple nguồn thu khổng lồ với hơn 100 tỷ USD mỗi quý tài chính.
Apple dấn thân vào cuộc đua ngân hàng trong bối cảnh áp lực đã gia tăng đối với các nhà băng trên khắp nước Mỹ, nhất là những ngân hàng nhỏ và ngân hàng khu vực. Tiền gửi đang chảy sang các sản phẩm trả lãi cao hơn, chẳng hạn quỹ thị trường tiền tệ, trong bối cảnh lãi suất điều hành của Mỹ đi lên. Kể từ tháng 3/2022 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất, khách hàng đã rút khoảng 800 tỷ USD tiền gửi tại hệ thống ngân hàng.