Quản lý tài chính gia đình 'dễ như chơi': 7 cách theo dõi chi tiêu giúp bạn giữ chặt từng đồng trong ví
Theo dõi chi tiêu không phải là nhiệm vụ quá khó nếu bạn bắt đầu từ những bước đơn giản, duy trì thói quen đều đặn và có tinh thần chủ động điều chỉnh khi cần.
Khi vật giá leo thang, đồng tiền khó kiếm thì việc chủ động quản lý và theo dõi chi tiêu hàng tháng là một kỹ năng quan trọng với mọi thành viên trong gia đình. Không cần những công cụ quá phức tạp hay lý thuyết tài chính rối rắm, bạn chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng thiết thực mỗi ngày dưới đây.
Kiểm tra sao kê tài khoản định kỳ
Bước đầu tiên để kiểm soát tài chính là biết rõ mình đang chi tiền vào đâu. Hãy bắt đầu bằng cách xem lại sao kê ngân hàng và thẻ tín dụng trong 1 – 3 tháng gần nhất. Điều này giúp bạn xác định các khoản chi cố định như tiền nhà, điện nước, học phí cũng như các khoản chi biến động như ăn uống, mua sắm, giải trí...
Đừng quên kiểm tra kỹ những khoản nhỏ mà bạn dễ bỏ sót như phí duy trì tài khoản, các dịch vụ đăng ký tự động hoặc những lần cà thẻ “cho tiện”. Những khoản này có thể cộng dồn thành một con số đáng kể mỗi tháng.
Phân loại chi tiêu một cách rõ ràng
Phân loại chi tiêu sẽ giúp bạn dễ dàng nắm bắt bức tranh tổng thể về tài chính gia đình. Một cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng là chia thành 3 nhóm: Nhu cầu thiết yếu, mong muốn cá nhân và tiết kiệm hoặc trả nợ.
-
Nhu cầu: các khoản bắt buộc như tiền thuê nhà, điện nước, học phí, thực phẩm, y tế.
-
Mong muốn: ăn ngoài, mua sắm không thiết yếu, du lịch, giải trí.
-
Tiết kiệm/trả nợ: gửi tiết kiệm, quỹ khẩn cấp, trả nợ thẻ tín dụng hoặc các khoản vay.
Việc theo dõi chi tiêu theo cách trên không chỉ giúp bạn biết tiền đi đâu mà còn xác định đâu là những chỗ cần cắt giảm khi cần thiết.

Áp dụng nguyên tắc 50/30/20 cho ngân sách gia đình
Một trong những mô hình ngân sách được nhiều người áp dụng hiện nay là 50/30/20:
-
50% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu
-
30% cho mong muốn cá nhân
-
20% dành cho tiết kiệm và trả nợ
Giả sử, thu nhập hàng tháng của gia đình bạn là 20 triệu đồng. Theo nguyên tắc này, bạn nên dành:
-
10 triệu cho các khoản bắt buộc
-
6 triệu cho các khoản tùy chọn
-
4 triệu để tiết kiệm hoặc trả nợ
Dĩ nhiên, bạn có thể linh hoạt điều chỉnh theo thực tế. Ví dụ, nếu đang tập trung xây dựng quỹ khẩn cấp, bạn có thể giảm chi tiêu mong muốn xuống 20% và tăng tiết kiệm lên 30%.
Sử dụng ứng dụng tài chính hoặc bảng tính
Nếu bạn là người quen dùng điện thoại, hãy thử các ứng dụng quản lý chi tiêu thông minh hoặc nếu thích cách truyền thống, Excel hay Google Sheets vẫn là lựa chọn tuyệt vời. Bạn có thể tự thiết lập bảng theo dõi chi tiêu hoặc sử dụng các mẫu miễn phí có sẵn trên mạng.
Điều quan trọng là bạn duy trì thói quen ghi chép đều đặn, dù mỗi ngày chỉ mất 5 phút.
Thường xuyên rà soát và tối ưu ngân sách
Tài chính gia đình không phải là con số cố định. Khi thu nhập, hoàn cảnh hoặc mục tiêu thay đổi, bạn cũng cần rà soát lại ngân sách. Ví dụ:
-
Con bước vào năm học mới, học phí và chi phí sách vở tăng lên.
-
Vợ hoặc chồng có thêm khoản thưởng, bạn có thể tăng phần tiết kiệm.
-
Các khoản chi tiêu cho sinh hoạt (điện, nước, xăng xe) tăng đột biến, bạn cần xem lại mức sử dụng và tìm cách cắt giảm.
Lời khuyên cho bạn là nên kiểm tra lại ngân sách ít nhất mỗi quý một lần.
Chủ động cắt giảm chi phí thông minh
Đôi khi, việc tiết kiệm không nằm ở việc “thắt lưng buộc bụng” mà ở cách tiêu dùng khôn ngoan hơn. Dưới đây là một số mẹo tiết kiệm được nhiều gia đình Việt áp dụng:
-
Mua thực phẩm theo tuần, tránh lãng phí.
-
Săn ưu đãi ở các sàn thương mại điện tử.
-
Dùng lại quần áo, sách vở, đồ dùng cũ còn tốt.
-
Cân nhắc cắt bớt những gói dịch vụ không cần thiết (TV trả phí, ứng dụng giải trí, gói internet quá cao...).
-
Tự nấu ăn thay vì gọi đồ hoặc đi ăn ngoài quá thường xuyên.
Tìm cách gia tăng thu nhập
Nếu bạn đã tối ưu chi tiêu nhưng vẫn khó cân đối ngân sách cho gia đình, đừng ngại tìm thêm cách tăng thu nhập. Nếu có thời gian rảnh, hãy thử:
- Làm thêm ngoài giờ (freelance, dạy kèm, bán hàng online...).
-
Thanh lý đồ không dùng đến.
-
Tận dụng kỹ năng để mở lớp dạy hoặc làm sản phẩm thủ công.
-
Đầu tư nhỏ lẻ, nhưng cần tìm hiểu kỹ trước khi tham gia.
Việc tăng thu nhập sẽ giúp bạn có thêm “quỹ đệm” để tiết kiệm, đồng thời bớt áp lực với các khoản chi thiết yếu.