Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 03/04/2024, 06:20 (GMT+7)

6 doanh nghiệp bảo hiểm bị thanh tra vi phạm gì?

Bộ Tài chính đã hoàn tất và công bố kết luận thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm. Nhiều sai phạm về bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng đã được chỉ rõ.

bh

Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ AIA (Việt Nam). Trước đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, đã thực hiện công bố công khai kết luận thanh tra Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi Việt Nam từ tháng 2/2024 trên cổng thông tin điện tử của Cục.

Năm 2023, Bộ Tài chính thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm như: Công ty Bảo hiểm nhân thọ AIA, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential (Prudential), Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (MB Ageas), Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life (Sun Life) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV Metlife (BIDV Metlife).

Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, Bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm, gồm: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm của đại lý tư vấn bảo hiểm và yêu cầu tổng giám đốc doanh nghiệp bảo hiểm xử lý nghiêm, có văn bản báo cáo.

Các sai phạm phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm gồm: Chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm; chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm; chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm; không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra 6/10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong kế hoạch thanh tra năm 2023.

Thông tin về tiến độ thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm tại họp báo thường kỳ quý I/2024 của Bộ Tài chính diễn ra chiều 29/3 mới đây, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết, qua thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy các sai phạm chủ yếu liên quan đến việc ban hành quy chế, quy trình giám sát đại lý bảo hiểm chưa tuân thủ đúng quy định; công tác quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm còn sai phạm; công tác hạch toán, kế hoán còn sơ suất.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, các hành vi sai phạm đã được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm rà soát kỹ, xử phạt các vi phạm hành chính. Với những sai phạm liên quan đến xử lý thuế thì Cục đã phối hợp với cơ quan thuế để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

Kết quả thanh tra đợt 1 với 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7/2023 cho thấy, tổng doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến ngày 31/12/2021 là khoảng 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu (thường đóng phí lần đầu là phí 1 năm hoặc 2 năm). Phần lớn khách hàng mua bảo hiểm qua ngân hàng ngay khi ký hợp đồng đã xác định là hủy ngang, chấp nhận mất hoàn toàn số phí bảo hiểm đã đóng.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty bảo hiểm ban hành các quy định về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định, đảm bảo khách hàng khi tham gia bảo hiểm phải được tư vấn phù hợp với nhu cầu và tình hình tài chính, phải nhận thức rõ được quyền lợi bảo hiểm, các rủi ro đầu tư có thể gặp phải và các khoản phí mà doanh nghiệp tính cho khách hàng.

Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm phải đảm bảo quản lý được đại lý, thực hiện chặt chẽ, ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm. Tránh trường hợp phát hiện muộn, khách hàng đã tham gia bảo hiểm được nhiều năm dẫn đến khiếu nại của khách hàng.

Vừa qua, trả lời chất vấn trước Quốc hội về giải pháp lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ thanh tra hết các công ty bảo hiểm, chấn chỉnh kịp thời sai phạm, giải quyết quyền lợi cho người tham gia trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục