2 đại học đầu tiên công bố kế hoạch thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy năm 2024
Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia Hà Nội là 2 đại học công bố kế hoạch thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực năm 2024. Đợt thi dự kiến diễn ra từ tháng 12/2023 đến tháng 6/2024.
Đại học Bách khoa Hà Nội
Để cung cấp thông tin cho học sinh và giáo viên các trường THPT có kế hoạch học tập và dự thi kỳ thi đánh giá tư duy (TSA) sớm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chính thức công bố lịch 6 đợt thi đánh giá tư duy năm 2024 với nội dung và hình thức thi sẽ giữ nguyên như năm 2023. Thí sinh tham gia Kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số TSA để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.
Bài thi đánh giá tư duy năm 2024 gồm 3 phần: Tư duy Toán học (60 phút), Tư duy Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy Khoa học/Giải quyết vấn đề (60 phút) với ba mức độ đánh giá tư duy (tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao). Các câu hỏi được xây dựng dưới hình thức trắc nghiệm với 4 dạng cấu trúc: Chọn đáp án đúng, đúng/sai, kéo thả và câu trả lời ngắn.
6 đợt thi TSA năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật. Đợt 1 từ ngày 2/12 - 3/12/2023; Đợt 2 từ ngày 20/11 - 21/1/2024; Đợt 3 từ ngày 9/3 - 10/3/2024; Đợt 4 từ ngày 27/4 - 28/4/2024; Đợt 5 từ ngày 8/6 - 9/6/2024; Đợt 6 từ ngày 15/6 - 16/6/2024. Địa điểm diễn ra kỳ thi tại các địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng…
Thống kê cho thấy, năm 2023 có 32 trường đại học, học viện sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội làm căn cứ xét tuyển năm 2023.
Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm 2024, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực (HSA) với quy mô khoảng 75.000 lượt thi, ít hơn 2 đợt so với năm 2023.
Dạng thức (đề cương) bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2024 được xây dựng theo hướng đánh giá các năng lực cốt lõi cần thiết của học sinh THPT đạt được theo Chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với tiêu chuẩn, xu hướng đánh giá năng lực trên thế giới.
Thông qua nội dung kiến thức thuộc chương trình giáo dục phổ thông, bài thi đánh giá 3 nhóm năng lực chính học sinh đạt được sau khi tốt nghiệp chương trình THPT. Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỷ lệ: Cấp độ 1: 20%, Cấp độ 2: 60%, Cấp độ 3: 20%.
Cấu trúc bài thi gồm 3 phần thi. Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi, gồm 132 câu hỏi trắc nghiệm 4 lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học.
Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm, nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.
Kiến thức trong phần 1 và 2 được phân bổ như sau: Phần 1 và phần 2: Kiến thức trong chương trình lớp 10: 10%, kiến thức trong chương trình lớp 11: 20%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%. Phần 3: Kiến thức trong chương trình lớp 11: 30%, Kiến thức trong chương trình lớp 12: 70%.
Đợt thi sớm nhất dự kiến tổ chức vào ngày 23/3 - 24/3/2024 và đợt cuối dự kiến vào ngày 1/6 - 2/6/2024. Lịch này có thể thay đổi theo số lượng thí sinh đăng ký và lịch thi tốt nghiệp THPT năm sau. Thí sinh đăng ký dự thi từ tháng 2/2024 và được đăng ký tối đa 2 lượt mỗi năm, thời gian giữa hai đợt tối thiểu 28 ngày.
Các ngày thi đều diễn ra vào thứ Bảy và Chủ nhật. Kỳ thi năm 2024 diễn ra tại 10 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đại học Quốc gia Hà Nội chưa công bố địa điểm thi theo từng đợt.
- 20 ngành có điểm chuẩn đại học 2023 cao nhất, ngành nào “lên ngôi”?
- Việt Nam có bao nhiêu trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế?