18 nhà thiết kế nổi tiếng kể câu chuyện “Nơi tôi sinh ra” bằng chiếc áo dài
Chào đón năm mới 2024, với mong muốn tìm về nguồn cội trong những ngày đầu năm, 18 Nhà Thiết kế trong cả nước sẽ kể câu chuyện trở về nơi được sinh ra bằng chiếc áo dài.
Chương trình nghệ thuật áo dài “Nơi tôi sinh ra” do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với các đơn vị tổ chức sẽ diễn ra tối 5/1 tại khu Thái học - Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Chương trình sẽ kể câu chuyện trở về nơi được sinh ra bằng vẻ đẹp của những chiếc áo dài, với mong muốn đưa khán giả trở về nguồn cội quê hương của các nhà thiết kế và quê hương Việt Nam nói chung của mỗi người.
“Nơi tôi sinh ra” là chương trình nghệ thuật đặc sắc, giới thiệu vẻ đẹp của tà áo dài là chủ đạo, có sự lồng ghép các tiết mục ca nhạc ca ngợi quê hương, đất nước và các hoạt động khác. 18 nhà thiết kế áo dài trong cả nước đã giới thiệu những bộ áo dài độc đáo, mang bản sắc quê hương nơi họ đã sinh ra và lớn lên.
NTK Thanh Thuý sẽ kể về mảnh đất Điện Biên qua những câu chuyện của ông ngoại thường kể cô nghe về những chiếc xe tăng và áo trấn thủ, về những anh hùng trong cuộc chiến chống Pháp “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
NTK Cao Minh Tiến sẽ kể về Hà Nội trong những bức ký họa do chính anh thực hiện.
Khác với Cao Minh Tiến, Hà Nội của NTK Trịnh Bích Thuỷ là bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đặc biệt, với cô mùa Đông là mùa gây thương nhớ nhất mỗi khi xa Hà Nội. Mùa đông Hà Nội trời đất bỗng nhiên âm trầm đến lạ, gió lạnh ùa về len lỏi qua những hàng cây, cơn mưa phùn rơi xuống rất nhẹ vừa đủ để rắc lên phố một màn sương mờ ảo.
Còn với NTK Silky VietNam, Hà Nội - nơi Silky VietNam sinh ra là mảnh đất quê hương máu thịt làng Chuông - Thanh Oai. Ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy hiền hoà thuộc đất Hà Tây cũ.
NTK Duy Nguyễn sẽ kể về quê hương Thạch Xá của mình với những cánh đồng làng quê, cánh diều tung bay và những món đồ chơi giản dị.
NTK Chế Quyết Tiến sẽ kể câu chuyện về làng nghề truyền thống Bát Tràng. Hoa văn gốm Bát Tràng, những màu sắc đặc trưng như xanh lam, xanh bích, trắng ngọc đã miêu tả chân thực những hoạ tiết bình dị của cuộc sống được các nghệ nhân vẽ bằng tay trên sản phẩm gốm của anh. Đặc biệt, màu xanh là sự khát khoa hoà bình được ẩn chứa sau những tà áo dài thướt tha, mong cầu cuộc sống bình yên.
NTK Giang Đoàn sẽ mang câu chuyện về người con gái Thanh Hà, Hải Dương vào trong chiếc áo dài của mình. Nét vẽ trên tà áo dài đều được lấy cảm hứng từ các dấu ấn Thanh Hà, Hải Dương với cây vải tổ và vải thiều. BST “Ngọt thơm quê hương Thanh Hà” được thể hiện với từng nét vẽ chau chuốt trên những tà áo dài thướt tha.
NTK Phương Thảo sẽ kể Hà Nội về những gánh hàng rong Hà Thành. Phương Thảo chia sẻ, ít ai biết được hàng rong có từ bao giờ. Chỉ thấy rằng, khi nói đến cuộc sống của thành phố ngàn năm tuổi này, người ta không thể không nhắc đến hàng rong, như một nét đẹp riêng.
NTK Ngọc Hân cũng kể về Hà Nội nhưng với câu chuyện khác, đó là về tranh Kim Hoàng. Tranh Kim Hoàng là sự kết hợp giữa in, tô màu, vẽ một cách khéo léo tạo ra tranh uyển chuyển nhưng đường nét dứt khoát.
NTK Laura - Chula sẽ mang toàn bộ bộ sưu tập này mô tả hành trình của Diego và Laura từ hai ngôi nhà thân yêu của họ là Tây Ban Nha và Việt Nam. Những chiếc áo lần đầu tiên đi qua các nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo và công viên mang tính biểu tượng của Tây Ban Nha, bao gồm Santiago De Compostela, The Alhambra, Park Güell, The Sagrada Familia và Nhà thờ Hồi giáo vĩ đại Cordoba.
NTK Trần Thiện Khánh sẽ kể về cố đô Huế dưới trời Huế biếc xanh trong Cố đô hửng nhẹ ánh hồng nắng thu, cảm hứng từ ráng chiều cùng nét bảng lảng bâng khuâng đã tạo nên nguồn cảm hứng cho bộ sưu tập với gam màu hồng đào chủ đạo. Hình ảnh những công trình kiến trúc cung đình hiện lên giữa khung cảnh chiều Huế đã được khắc hoạ rõ nét lên những tà Áo dài. Những bức tranh ký hoạ phong cảnh trở nên nổi bật hơn dưới lớp voan tơ, tạo cảm giác như đang ngắm nhìn Huế trong một buổi xế chiều sương khói mong manh.
NTK Huệ Thi sẽ mang câu chuyện mỳ Quảng vào chiếc áo dài của mình với những ký ức về “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.”
NTK Nguyễn Thuý lại mang câu chuyện về Tây Nguyên vào trong chiếc áo dài. Đối với cô, Tây Nguyên là màu xanh của núi đồi và sắc hoa Anh đào khi mùa Xuân đến. Khi Hoa Anh đào nở là lúc cô được mặc những chiếc áo mới, cô yêu thích màu hồng của Hoa anh đào vì sự mong manh tinh khiết mà rất mạnh mẽ. Núi rừng Tây Nguyên bỗng dưng quyến rũ lạ thường khi xen lẫn trong màu xanh của lá của rừng là những mảng màu hồng long lanh.
NTK Trung Beret với mong muốn cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số sống bằng nghề dệt thổ cẩm, cũng như lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống và chấp nhận thách thức để tiếp cận những bí quyết truyền thống anh đã bắt tay vào việc nghiên cứu và khám phá nghệ thuật thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên. Đây cũng chính là vùng đất nơi anh sinh ra và lớn lên đã cho anh cơ hội chứng kiến, trải nghiệm vẻ đẹp và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số trong khu vực.
NTK Minh Hạnh được sinh ra tại thành phố mù sương Pleiku. Ký ức còn đọng lại là những sắc màu thổ cẩm và những đôi mắt sâu thẳm hiền hòa của những người dân tộc. Pleiku xưa và bây giờ với NTK vẫn thế, hiền hòa tĩnh lặng và nồng hậu của những con người có trái tim ấm áp.
NTK Công Huân lại mang Sài Gòn - nơi anh được sinh ra và được nuôi dưỡng trong nhịp sống năng động, là nơi có thể tìm được những món ăn ngon nhất và là nơi mà những nghĩa tình được chia sẻ vào trong chiếc áo dài.
NTK Cao Duy sẽ kể câu chuyện về màu xanh của ruộng lúa trải dài. Tuổi thơ anh là những ngày trốn mẹ đi chèo thuyền trên những con kênh rạch. Những lũy tre xanh ngoài vườn qua bàn tay khéo léo của mẹ của chị anh đã tạo ra những cái rổ, cái nơm rất xinh đẹp và hữu dụng cho anh đi bắt cá ngoài đồng.