Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 23/02/2024, 09:58 (GMT+7)

Việt Nam được dự báo có tốc độ giàu lên nhanh nhất thế thế giới

Vượt qua Ấn Độ, Việt Nam được dự báo là quốc gia có mức tăng trưởng tài sản nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân và số lượng triệu phú trong 10 năm tới.

Theo CNBC, công bố mới đây của công ty tình báo tài sản toàn cầu New World Wealth và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners cho biết, Việt Nam sẽ là quốc gia có mức tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới.

Ông Andrew Amoils, chuyên gia phân tích của New World Wealth cho biết, mức tăng trưởng đột biến về tài sản ở Việt Nam được dự báo tăng tới 125%. Theo đó, đây là mức tăng trưởng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào xét về GDP bình quân và số lượng triệu phú. 

Kinh tế Việt Nam khép lại năm 2022 với nhiều con số ấn tượng | VTV.VN
Việt Nam được dự báo có tốc độ giàu lên nhanh nhất thế thế giới. (Ảnh: M.H)

Theo số liệu của New World Wealth, Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú có tài sản vượt mức 1 triệu USD và 58 triệu phú có từ 100 triệu USD trở lên. Đáng chú ý, Việt Nam cũng là quốc gia được đánh giá là tương đối an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 4.100 USD. Trong khi đó, chỉ 10 năm trước, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được hơn 1 nửa, khoảng 2.190 USD.

"Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và hầu hết người dân đều được hưởng lợi", CNBC dẫn lời ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư VinaCapital Group cho biết. 

Về thị trường, Việt Nam đang là nơi tập trung nhiều công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may. Cùng với đó, tác động tích cực từ làn sóng đa dạng hóa sản xuất của nhiều công ty đa quốc gia với số vốn đầu tư mạnh mẽ cũng tạo điều kiện để Việt Nam phát triển mạnh mẽ. 

Theo ông Brian Lee, chuyên gia kinh tế và Phó chủ tịch Ngân hàng Maybank, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước làn sóng FDI thứ tư. Năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam đã chững lại ở mức 5,05% so với mức tăng 8,02% vào năm 2022 do nhu cầu toàn cầu suy giảm và đầu tư công bị đình trệ.

Đánh giá từ ông Andy Ho cho biết, suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài cũng có thể tác động đến nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường phát triển, từ đó có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Bất kỳ sự giảm giá mạnh nào của đồng tiền cũng có thể gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có khả năng vượt qua những thách thức này trong tương lai. 

Cùng chuyên mục