Thứ sáu, 22/03/2024, 11:27 (GMT+7)

Vì sao lãi suất huy động liên tục giảm?

Động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là nguyên nhân chủ yếu khiến lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm sâu suốt thời gian qua.

Thực tế ghi nhận, thời điểm cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm ngân hàng từng lên tới 11-12%/ năm. Sang đến đầu năm 2023, mức lãi suất vẫn còn khá cao nhưng sang đến quý 2/2023, lãi suất liên tục quay đầu giảm sâu.

Nguyên nhân được xác định do động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, nhằm thực hiện nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn và phục hồi sản xuất kinh doanh, NHNN đã quyết liệt giảm lãi suất điều hành 4 đợt trong năm 2023, với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Động thái quyết liệt của NHNN đối với việc điều chỉnh lãi suất đã khiến lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tục giảm sâu suốt thời gian qua.

thumb (26)
Mức lãi suất từ 6% hoàn toàn biến mất khỏi thị trường. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Chẳng hạn, lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1 tháng vào 12/2022 ở mức 6.0%/năm thì hiện tại lãi suất cao nhất chỉ ở mức 3%. Hiện, hầu hết các ngân hàng đang có xu hướng điều chỉnh lãi suất 1-3 tháng về mức dưới 3,0%. Điển hình là ABBank (2,65%/năm), ACB (2,40%/năm), Agribank (1,70%/năm), Bắc Á (2,80%/năm), Hong Leong (2,50%/năm), GPBank (2,60%/năm), HDBank (2,45%/năm), LPBank (1,80%/năm), MBBank (2,30%/năm), Sacombank (2,40%/năm), Saigonbank (2,50%/năm), SCB (1,70%/năm), Techcombank (2,35%/năm), Vietcombank (1,70%/năm), VietinBank (1,90%/năm),…

Tiếp theo, lãi suất tiết kiệm ngân hàng 6 tháng cao nhất hiện nay là 4,50%/năm được các ngân hàng Bảo Việt, Đông Á, HDBank, OCB PVcomBank và VietBank. Tiếp theo là 4,40% do ngân hàng ABBank, CBBank , Nam Á Bank niêm yết.

Tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay đang là 5,20%/năm tại VietBank, giảm 0,2% so với tháng 2, tiếp theo là 5,10%/năm tại PublicBank. Lãi suất tiền gửi cao nhất cho kỳ hạn 18 tháng là 5,80%/năm do ngân hàng PublicBank áp dụng. Lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 24 tháng là 5,80%/năm, do OCB niêm yết.

Đáng chú ý, sau khi Sacombank điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 36 tháng về 5,2%/năm vào hôm qua (21/3) thì mức lãi suất trên 6%/năm đã chính thức biến mất khỏi thị trường.

Nguyên nhân tiếp theo là tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đang chậm lại. Tổng cầu của nền kinh tế thu hẹp dẫn đến khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp suy giảm. Thực tế, các ngân hàng thương mại có dư vốn khả dụng nhưng lãi suất cho vay cao nên các doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn. Thị trường bất động sản, vốn là kênh đầu tư chính của doanh nghiệp, vẫn chưa phục hồi do nhiều yếu tố.

Tiền gửi vào ngân hàng đạt kỷ lục
Lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục hạ. (Ảnh: M.H)

Tóm lại, lãi suất ngân hàng hạ nhiều chủ yếu do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Việc lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng giảm dần sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế. Lãi suất thấp sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, lãi suất thấp cũng sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục hạ, ít nhất là trong quý đầu năm vì nhu cầu huy động vốn cũng như cầu về tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao. Qua đó tạo dư địa giảm thêm lãi suất cho vay giúp khôi phục, phát triển kinh tế. Sang đến nửa sau của năm 2024, diễn biến có thể đảo chiều.

Trước diễn biến liên tục giảm của lãi suất ngân hàng, giới chuyên gia cho rằng có thể nhu cầu tìm kiếm tài sản sinh lời khác thay cho tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng cao. Tuy vậy, nhiều ý kiến nhận định trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán... chưa thật sự khởi sắc nên gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng vẫn là một trong những kênh đầu tư an toàn đối với nhiều người.

Cùng chuyên mục