Các nhãn thời trang danh tiếng liên tục tăng giá bất chấp khủng hoảng?
Kể từ sau đại dịch Covid-19 kéo theo sự khủng hoảng kinh tế khắp nơi trên thế giới, các nhãn hàng đua nhau giảm giá để giữ khách. Tuy nhiên, điều này không đúng với các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Hermes hay Dior.
Tăng giá bất chấp khủng hoảng kinh tế
Mới đây, các nhà bán hàng xách tay và cả các store chính hãng đều thông báo các sản phẩm túi xách của Chanel đã tăng giá thêm 10% với loạt sản phẩm. Cùng với Chanel, nhà mốt Louis Vuitton, Dior và Gucci cũng đã có những đợt tăng giá từ cuối năm 2022 đến đầu 2023 với một số sản phẩm túi xách thuộc hàng “best seller”.
Kể từ sau đại dịch Covid-19 theo theo sự khủng hoảng nền kinh tế thế giới nói chung và sự phá sản của hàng loạt các doanh nghiệp như Brooks Brothers, thương hiệu may mặc cổ điển nhất của Mỹ dành cho nam giới, nhãn hàng TopShop hay F21 và loạt các nhà mốt danh tiếng phải loay hoay trong việc chiếm lĩnh thị phần khách hàng như nhãn thời trang của Victoria Beckham.
Tuy nhiên, sự khủng hoảng này dường như không tác động nhiều đến các nhà mốt lừng danh, có tên tuổi lâu đời như Louis Vuitton, Hermes hay Dior. Minh chứng cho sự tăng trưởng có vẻ ngược đời này chính là việc tỷ phú Bernard Arnault, người đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành 73 tuổi của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ nổi tiếng với việc điều hành các thương hiệu mang tính biểu tượng như Louis Vuitton, Tiffany và Christian Dior đã vượt qua Musk để trở thành người giàu nhất thế giới vào cuối năm 2022. Ông vẫn giữ danh hiệu đó cho đến hôm nay, theo ước tính từ Forbes và Bloomberg.
Chiến lược xây dựng thương hiệu
Sự kìm hãm dịch chuyển ở thời kỳ Covid-19 toàn cầu khiến các khách hàng trở nên “điên cuồng” mua sắm hơn sau đại dịch. Cùng với sự ngưng trệ hoàn toàn của ngành du lịch, khiến lượng khách du lịch bạo chi là Trung Quốc không thể mua sắm khiến các thương hiệu lừng danh phải chuyển hướng và tập trung vào phân khúc khách hàng trong nước.
Thay vì nghĩ đến việc kích cầu mua sắm bằng cách giảm giá để tăng doanh thu, các ông chủ lớn như Bernard Arnault lại đi ngược với số đông nhãn hàng bằng tuyên bố không những không giảm giá mà còn tăng giá liên tục, biến món hàng “tiêu sản” trở thành một kênh đầu tư sinh lời.
Để làm được điều này, người sáng lập và giám đốc điều hành của LVMH, từng so sánh sự xa xỉ với ham muốn. Ông phân tích rằng các thương hiệu xa xỉ muốn thành công với chiến lược không ngừng tăng giá và xây dựng giá trị thương hiệu lên một tầm cao mới thì phải khả năng tạo ra khao khát mua hàng phụ thuộc vào việc sẵn sàng đổi mới để có thể kết nối với nhóm khách mục tiêu đang có ảnh hưởng nhất: Gen Z.
Bên cạnh việc tạo ra khao khát sở hữu, thì yếu tố quan trọng để tạo nên việc khao khát đó chính là việc tạo ra khan hiếm. Để mua được những sản phẩm của Louis Vuitton hay Hermes, không phải khách cứ có tiền là mua được, với một số sản phẩm đặc thù thì khách hàng phải mua tích điểm rất nhiều lần mới có cơ hội sở hữu sản phẩm mà khách định mua.
Việc tạo ra sự khan hiếm và không ngừng kích thích sự khao khát được sở hữu các sản phẩm giới hạn khiến khách hàng càng “điên cuồng” hơn trong việc cố gắng để mua cho bằng được, bất chấp việc tăng giá không ngừng từ các thương hiệu đình đám này.
Biến “tiêu sản” thành món đầu tư sinh lời
Thực tế trong giới nhà giàu và dân chơi hàng hiệu, ai cũng am tường việc sử dụng hàng hiệu không chỉ đơn giản là khẳng định vị thế mà còn là một cách để đầu tư sinh lời. Ví dụ đơn giản như khi khách hàng mua một chiếc túi xách Chanel Classic với giá gần 200 triệu đồng ở thời điểm năm 2021 thì đến 2023, chiếc túi ấy đã ở mức giá trên dưới 260 triệu tùy phiên bản.
Tương tự Chanel, các sản phẩm túi xách của Hermes cũng tăng giá dần đều mà vẫn không có hàng để bán. Thị trường túi hiệu hay đồng hồ xa xỉ của các hãng lừng danh như Rolex, Hublot... đều được giới mộ điệu và giàu có không ngừng săn lùng các dòng sản phẩm với phiên bản giới hạn để sở hữu và coi đó là một kênh đầu tư.
Chính vì thanh khoản tốt nên các thương hiệu trên lại càng gây ra sự khao khát không ngừng với khách hàng vì mua là có lãi.