Thứ ba, 12/03/2024, 11:20 (GMT+7)

Vàng và USD tăng nóng, chứng khoán nổi sóng: Tiền tỷ đổ vào đâu?

Minh Dũng (Theo Vietnam Finance)

Trong khi tiền gửi tiết kiệm xuống đáy thì vàng và bitcoin lập kỷ lục mới, USD đi lên, chứng khoán tăng cao, bất động sản khởi sắc. Vậy nên đầu tư vào kênh nào để sinh lời tốt nhất lúc này?

Các tài sản cùng “dắt tay” nhau tăng mạnh

Trong tuần 4-10/3, giá vàng thế giới tăng mạnh, liên tục lập đỉnh mới. Giá vàng giao kỳ hạn đã đạt kỷ lục 2.185,5 USD/ounce vào hôm 8/3. Nhiều chuyên gia dự đoán, giá vàng sẽ sớm đạt 2.300 USD/ounce.

Tuy nhiên, vàng không phải là tài sản duy nhất tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới. Đi theo đà tăng của vàng, một số loại tài sản có độ rủi ro cao hơn cũng leo đỉnh. Đó là bitcoin và các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Phố Wall của Mỹ.

Vàng và USD tăng nóng, chứng khoán nổi sóng: Tiền tỷ đổ vào đâu?

Giá bitcoin trong phiên giao dịch 8/3 đã có lúc vượt ngưỡng kỷ lục thiết lập ngày 5/3, lên mức 70.105 USD/bitcoin.

Bitcoin đã trở lại thời kỳ hoàng kim của tài sản này như hồi tháng 11/2021. Thị trường tài chính đang gọi hiện tượng này là “cơn cuồng tiền điện tử”.

Chỉ số chứng khoán S&P 500 trên sàn giao dịch Phố Wall đã tăng vọt lên 5.157,36 điểm vào ngày 7/3 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa ở mức kỷ lục 16.274,94 điểm vào cuối phiên giao dịch 1/3.

Sự “hưng phấn” còn diễn ra trên các thị trường chứng khoán khác. Điểm nhấn là chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã lập kỷ lục mới vào ngày 4/3, đóng cửa ở mức 40.109,23 điểm.

Chuyên gia Alex Pickard, Phó Chủ tịch nghiên cứu của Công ty Đầu tư Research Affiliates, nhận định, giá vàng tăng cao tạo ra tâm lý lạc quan lan sang các loại tài sản khác, thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào. Dòng thanh khoản tích cực làm tăng giá các loại tài sản.

Ông Pickard kỳ vọng thị trường vàng, bitcoin, chứng khoán Mỹ và các thị trường khác sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, khi dòng thanh khoản tiếp tục đổ vào các loại tài sản có độ rủi ro cao.

Nhiều nhà phân tích kỳ vọng cả hai loại tài sản là vàng và bitcoin sẽ tăng giá do hoạt động mua nhiều hơn bán. Đồng bitcoin sẽ hưởng lợi từ triển vọng cắt giảm lãi suất và tăng theo giá vàng. Còn chỉ số S&P 500 nhiều khả năng cũng sẽ “theo chân” vàng, đạt được những kỷ lục mới.

Trong khi đó, với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, đồng USD đang đối diện với xu hướng đi xuống, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị vẫn ở mức cao và ngày càng gia tăng.

Ở thị trường trong nước, giá vàng tuần qua biến động dữ dội theo chiều hướng tăng mạnh, với sức mua lớn, trong khi nguồn cung vẫn ở mức thấp do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa công bố phương án sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.

Giá vàng miếng SJC đã leo lên 82 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn vượt 71 triệu đồng/lượng. So với đầu năm, vàng miếng SJC đã tăng giá 8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức đi lên 10,8%.

Dòng tiền có xu hướng chảy vào kênh vàng, đặc biệt vàng nhẫn khi giá mặt hàng này cao hơn giá vàng thế giới quy đổi không nhiều bằng vàng miếng SJC.

PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng, ngoài nguyên nhân tăng theo thế giới, giá vàng trong nước tăng còn do một số yếu tố khác như trào lưu mua vàng, lãi suất thấp, trong khi bất động sản vẫn trầm lắng...

Tỷ giá VND/USD cũng có xu hướng tăng cao. Đầu tuần qua, giá USD bán ra tại các ngân hàng chạm mốc 25.000 đồng/USD, trong khi giá USD trên thị trường tự do vọt tăng tới 25.700 đồng/USD. Dù vậy, so với đầu năm, tỷ giá trong nước chỉ tăng 1,7%.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán trong nước trải qua tuần 4-8/3 đầy ắp những thông tin trái chiều tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư, từ giá vàng dồn dập lên đỉnh lịch sử, tỷ giá tăng cao.

Kết thúc tuần 4-8/3, chỉ số VN-Index giảm 0,9% so với tuần trước đó. Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng gần 12%. Kỳ vọng về kinh tế trong trung và dài hạn vẫn khá tích cực.

Nên đầu tư vào kênh đầu tư nào?

Theo giới phân tích, lãi suất tiền gửi và USD năm nay ổn định, còn các kênh đầu tư chứng khoán, tiền số, vàng miếng... còn nhiều ẩn số.

Lãi suất tiết kiệm đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 1,7-4,7%/năm, giảm tới một nửa so với đầu năm 2023.

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, người gửi tiền vào ngân hàng gửi tiết kiệm cần "làm quen" với mức lãi suất trong ngắn hạn thấp. Dù mức lãi suất gửi tiết kiệm thấp nhưng đây vẫn là kênh đầu tư an toàn.

Song việc liên tục dò đáy khiến gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người. Nhiều người đã quyết định chuyển hướng đầu tư sang những kênh hấp dẫn hơn, chẳng hạn như chứng khoán và vàng.

Vàng đang là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh khiến nhiều nhà đầu tư không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của kênh đầu tư này.

Dù giá vàng liên tục đi lên nhưng các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên giữ vàng trong trung và dài hạn.

Vàng và USD tăng nóng, chứng khoán nổi sóng: Tiền tỷ đổ vào đâu?

Với thị trường bất động sản, từ đầu năm đến nay, các chủ đầu tư có dự án triển khai đang đẩy mạnh hơn hoạt động bán sản phẩm ra thị trường. Tâm lý người mua nhà cũng dần cởi mở hơn sau hàng loạt thông tin tích cực về lãi suất và chính sách điều hành. Giá căn hộ chung cư liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.

Theo dự đoán của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong ngắn hạn, giá căn hộ tại trung tâm các thành phố lớn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng, nhất là phân khúc bình dân, trung cấp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng, từ thời điểm giữa năm 2024, thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, giá vàng thế giới tăng liên tục trong suốt 34 năm qua, mức tăng khoảng 40 lần. Trong dài hạn, vàng vẫn trong xu hướng tăng. Với bất động sản, trong 34 năm qua, giá tăng trung bình 120 lần. Vàng và bất động sản là những tài sản được coi là chủ chốt để cất trữ tiền. Trong ngắn hạn, có thể có lúc tăng lúc giảm nhưng xu thế dài hạn luôn đi lên.

Thị trường chứng khoán cũng đang rất hưng phấn. Chứng khoán bắt đầu đi lên từ tháng 12/2023 và là một trong các kênh đầu tư tốt nhất lúc này khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, lãi suất vẫn đang còn cần thêm thời gian để phục hồi. Thậm chí, lãnh đạo một số công ty chứng khoán còn dự báo, VN-Index có thể đạt hơn 1.300 điểm trong năm nay.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, thị trường chứng khoán sẽ hồi phục trước, sau đó dòng tiền mới chảy vào bất động sản.

Trong khi đó, nắm giữ USD thường sinh lời kém so với nhiều hình thức đầu tư khác, với mức sinh lời bình quân 3-5% một năm tính theo đà tăng giá hàng năm của tỷ giá VND/USD.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhận định tỷ giá USD/VND trong năm 2024 sẽ ổn định nhờ các yếu tố vĩ mô và các cân đối lớn của Việt Nam. Tỷ giá USD/VND trong khoảng 23.500-24.500 đồng/USD trong năm nay.

Trong các kênh đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có lẽ là kênh ảm đạm nhất lúc này. Dù lãi suất cao gấp đôi so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm, nhưng thị trường TPDN vẫn kém sôi động.

Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, chỉ có 3 đợt phát hành TPDN trong tháng 2/2024, với tổng giá trị 1.165 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, phải đến nửa cuối năm nay, thị trường TPDN mới có thể khởi sắc.

Còn tiền số đang có tỷ lệ sinh lời cao vượt trội. Song đây là kênh đầu tư vô cùng rủi ro và không phù hợp với đa số nhà đầu tư.

Ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, cho hay, dòng tiền dần dịch chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang giá vàng, chứng khoán và bất động sản. Việc giá vàng lên cao, giá chứng khoán tăng trưởng, giá bất động sản hồi phục phần nào đó cũng cho thấy xu hướng dịch chuyển của dòng tiền.

Tuy nhiên, theo ông Việt, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác bởi “các thị trường khác có lợi nhuận cao hơn nhưng cũng rủi ro cao hơn, đặc biệt với những nhà đầu tư mới”.

Cùng chuyên mục