Từ sống Yolo chuyển sang “năng nhặt chặt bị” vì mất kiểm soát tài chính cá nhân
Nếu như dịp này năm ngoái, Huệ (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đã xách ba lô và đi dăm ba chuyến du lịch quốc nội và cả quốc tế.
Là một người thích xê dịch, độc thân và có mức thu nhập hàng tháng lên tới 20 triệu đồng, lại không phải lo lắng cho ai, Huệ thường dành phần lớn thu nhập của mình để hoàn thành mục tiêu du lịch 200 quốc gia của mình.
Huệ chia sẻ mình là người sống theo phong cách Yolo. Được biết, Yolo là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "You Only Live Once", có nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần". Yolo thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo của thế hệ trẻ, khuyến khích các bạn trẻ hãy sống hết mình, hãy làm những gì mình thích bởi chúng ta chỉ sống một lần và không ai muốn bị bỏ lại phía sau bởi những tiếc nuối, những "giá như...", "nếu mà...".
Yolo xuất phát từ quan điểm rằng mỗi cá nhân mỗi người là những tài năng độc đáo khác biệt với mọi người khác trên hành tinh này. Khi ta thoả sức bộc lộ ý tưởng phẩm chất bên trong thì mỗi người đều sẽ trở thành ngôi sao mang lại ánh sáng cho một ai đó hoặc để lại những di sản thú vị cho cuộc đời ở một khía cạnh nào đó. Yolo cũng có thể gọi là hình mẫu sống của những người truyền cảm hứng ở một lĩnh vực nào đó, quyết tâm đến cùng để đạt được điều mình mong đợi.
Suy nghĩ của Huệ cũng không nằm ngoài định nghĩa đó, cô muốn trở thành một người truyền cảm hứng về chủ nghĩa xê dịch và dám nghĩ dám làm ở trước tuổi 30 đặt chân đến 200 quốc gia.
Từ 2019 đến 2022, Huệ đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia, đó là một con số ấn tượng. Tuy nhiên, việc du lịch cũng ngốn sạch khoản lương của Huệ, cô dường như không có một khoản tiết kiệm nào, thậm chí còn thường xuyên quẹt thẻ tín dụng và phải trả bù vào khi có lương.
Sự cố xảy đến khiến việc du lịch của Huệ bị gián đoạn, thậm chí là ảnh hưởng đến công việc cô đang làm do công ty cô làm ăn thua lỗ, gồng từ đợt dịch Covid-19 đến nay thì đã phải tuyên bố vỡ nợ.
3 tháng nợ lương khiến Huệ lần đầu tiên kể từ ngày đi làm phải xin tiền bố mẹ, không những thế, cô cũng gặp vấn đề khi tìm công việc mới bởi khi công ty cô tuyên bố phá sản thì hàng trăm nhân sự đang từ người lao động trở thành ứng viên cạnh tranh với chính công việc cô đang làm.
Lần đầu nếm trải cảm giác không thể “Yolo” được, thậm chí phải “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu tằn tiện qua ngày, cô còn đăng thông tin lên mạng để tìm bạn ở ghép chung để bớt chi phí thuê nhà, đồng thời quyết định trong lúc thất nghiệp thì xách xe, đeo khẩu trang chạy xe ôm công nghệ để đảm bảo chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Tương tự Huệ, Phong (30 tuổi, nhân viên văn phòng) là một người mê xe hơi. Dù anh chỉ là một nhân viên văn phòng với mức thu nhập 15-18 triệu/ tháng nhưng Phong lại thể hiện rõ việc ham muốn sở hữu một chiếc xe hơi luxury ở tuổi 30. Sau hơn chục năm cày kéo tiết kiệm, Phong cũng không hiểu lắm về trào lưu Yolo, tuy nhiên khao khát được lái một chiếc “Mẹc” dạo quanh phố phường là điều mà anh rất mong thực hiện. Khi đó, bạn bè nói nhiều đến trào lưu Yolo, lại thêm được người bạn thân tiên phong trong trào lưu này, bán phắt cái xe máy đi làm hàng ngày để thực hiện một tour xuyên Việt bằng xe máy đi… thuê.
Phong cảm thấy rõ ràng mọi người trẻ xung quanh để dám nghĩ dám làm và dám tận hưởng như mình. Phong chia sẻ: “Lúc ấy tôi nghĩ tại sao mình lại cứ phải chờ đến khi có đủ tiền mới mua nhỉ, mình làm ra tiền cơ mà, sở hữu trước sẽ có động lực để trả nợ.”. Nghĩ thế, Phong quyết định xuống tiền để tậu một con “Mẹc lướt” C200, trong khi chỉ có 500 triệu đồng. Số tiền còn lại Phong làm thủ tục vay ngân hàng và thế chấp giấy tờ xe. Mỗi tháng cả gốc và lãi anh phải trả cho quyết định “Yolo” này là 7 triệu đồng.
Có xe rồi, thời gian ban đầu Phong như trên mây, cảm giác hơn người và được chúng bạn, người thân đánh giá là thành đạt khiến anh cảm thấy sự lựa chọn là đúng đắn. Thế nhưng, khi cảm xúc qua đi là lúc hiện thực trả lại cho anh một loạt hóa đơn: Tiền bảo dưỡng, sửa xe do va quệt, xăng xe, phí gửi đỗ hàng ngày, hàng tháng, tiền trả ngân hàng,… tất cả những khoản đó đã làm bay sạch khoản lương ít ỏi của anh. Vì bản thân anh cũng không làm gì tăng được thu nhập, chưa kể từ ngày có xe, các chi phí đi du lịch, tụ tập bạn bè nhiều hơn, đến cuối tháng có khi anh còn phải vay mượn bạn bè.
6 tháng có xe với Phong lúc này dài như 6 năm, không biết bao lần, anh để xe ở bãi và chọn cách đi xe máy cho đỡ tốn xăng và phí gửi đỗ ở cạnh công ty, vì công ty anh không có chỗ đỗ. Lần lữa tính bán xe để đỡ phải sống trong cảnh thiếu trước hụt sau, nhưng lại vì sĩ diện nên Phong cứ vứt khối “tiêu sản” hàng tháng ngốn của anh ít nhất là 9 triệu ở bãi xe và “năng nhặt chặt bị” hết sức để làm việc trả nợ.
Những người trẻ như Huệ hay Phong là một trong những điển hình của một bộ phận người trẻ thích lối sống hưởng thụ hiện tại và không muốn nghĩ đến tương lai. Thực tế, trào lưu Yolo khuyến khích mỗi người tận hưởng cuộc sống thú vị và các trải nghiệm mới mẻ trong phạm vi cho phép, bao gồm cả ngân sách để bạn có thể sống Yolo mà không phải lo nghĩ.
Tuy nhiên, thực tế chúng ta không thể biết được tương lai sẽ có những biến động gì, điều gì sẽ đợi chúng ta ở phía trước. Vì không đoán được bất trắc nên phần lớn mỗi người đều phải có những dự phòng trong cuộc sống để khi biến cố xảy ra, chúng ta đều có thể vượt qua nó an toàn.
Trào lưu Yolo nếu được áp dụng bừa bãi thì đó cũng chính là bước chân cuối của mỗi người khi đứng trước vực thẳm. “Bạn chỉ có một lần để sống”, đó cũng chính là giá trị mà cuộc sống không “Yolo” nhắc nhở, chúng ta chỉ có một lần để sống, sự cố gắng, nỗ lực, tiết kiệm để phòng trừ bất trắc luôn là kim chỉ nam cho bất cứ ai.