Thứ hai, 05/06/2023, 06:21 (GMT+7)

"Tiêu như phá" là con đường ngắn nhất để hủy diệt tài chính cá nhân

Theo các chuyên gia CNBC, thiếu kế hoạch và không có mục tiêu cụ thể là hai sai lầm phổ biến nhất trong quản lý tài chính cá nhân.

Mắc sai lầm về tiền bạc có thể đáng sợ và dường như là một thảm họa. Các chuyên gia cho biết một số sai lầm tài chính thực sự có khả năng thay đổi tương lai của một người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cách để ngăn chặn hoặc tránh mắc phải. Trong đó, thiếu kế hoạch và không có mục tiêu cụ thể là hai sai lầm phổ biến nhất.

James McManus - Giám đốc đầu tư của dịch vụ quản lý tài sản trực tuyến Nutmeg, nói với CNBC rằng, nghiên cứu cho biết những người nhóm các khoản tiết kiệm và đầu tư của họ thành các mục tiêu rõ ràng, có nhiều khả năng gắn bó với nó hơn. "Bạn sẽ có nhiều khả năng duy trì các khoản tiết kiệm hoặc vượt qua những biến động ngắn hạn của thị trường nếu ngôi nhà mới, chuyến đi mơ ước hoặc trải nghiệm chỉ có một lần trong đời nào đó hiện rõ trong tâm trí bạn", bà chia sẻ.

Có kế hoạch và mục tiêu tài chính rõ ràng cũng giúp tập trung vào dài hạn, điều rất quan trọng trong quản lý tài chính cá nhân, theo Emma-Lou Montgomery - Phó giám đốc đầu tư cá nhân tại Fidelity International. "Sai lầm tài chính phổ biến nhất là cố gắng 'đánh nhanh thắng nhanh', dự đoán và phản ứng tức thời trước sự biến động của thị trường. Tất cả đều có thể tránh được bằng cách có tầm nhìn dài hạn", bà nói thêm.

Theo chuyên gia này, một sai lầm phổ biến khác khi đầu tư là áp dụng cách tiếp cận "được ăn cả ngã về không". Bà lưu ý rằng ngay cả những khoản đầu tư nhỏ và kiến thức cơ bản cũng có thể đủ giúp chúng ta giàu có.

Bên cạnh đó, rất nhiều sai lầm phổ biến về tiền bạc có liên quan đến việc mất hoặc tiêu tiền thay vì kiếm tiền. Myron Jobson - nhà phân tích tài chính cá nhân cao cấp tại Mỹ - cho rằng việc trả nợ, chẳng hạn như tiền thuê nhà và các hóa đơn, nên được ưu tiên. Không có một quỹ "dằn túi" là một sai lầm nguy hiểm nhưng lại phổ biến.

"Giữ tiền mặt mang lại sự an tâm nếu có điều gì đó không ổn xảy ra. Đây là số tiền sẽ trang trải cho bạn nếu gặp bất trắc, xe bị hỏng hoặc bạn mất việc", ông đưa ra lời khuyên.

nh 1
"Tiêu như phá" là con đường ngắn nhất để hủy diệt tài chính cá nhân.

Nhiều trong số những sai lầm kể trên có thể chỉ có hậu quả ngắn hạn. Nhưng các chuyên gia nói rằng có một điều thường bị bỏ qua và có thể theo bạn trong phần lớn cuộc đời: kế hoạch hưu trí tệ hại.

Theo McManus, khi bạn còn trẻ, việc nghỉ hưu dường như là một điều gì đó quá xa vời và khi đối mặt với những nhu cầu tài chính trước mắt khác, nghỉ hưu thường là điều mà chúng ta trì hoãn.

Thực tế, hầu hết mọi người rồi sẽ nghỉ hưu. Ở bất kỳ độ tuổi nào, chúng ta cũng cần xây dựng một tổ ấm đủ lớn để sống. Vì vậy, chuyên gia khuyên nếu bỏ qua hưu trí, bạn sẽ tự làm khó bản thân sau này.

Ngoài xem xét kỹ phần bảo hiểm xã hội, mỗi người nên chi một khoản tiền, có thể tương đối nhỏ, cho quỹ hưu trí cá nhân. Việc này được thực hiện khi còn trẻ có thể thay đổi cuộc đời khi bạn về hưu, các chuyên gia cho biết. Theo Montgomery, tiết kiệm và đầu tư cho hưu trí một cách nhất quán và đảm bảo dành nhiều tiền hơn khi thu nhập tăng lên là điều rất quan trọng.

Sau tất cả, các chuyên gia cho rằng việc phạm sai lầm về tiền bạc có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp. Nhưng đó là điều rất bình thường.

"Khi sai lầm xảy ra, chìa khóa là học hỏi và tránh rơi vào trường hợp tương tự. Cho dù đó là chi tiêu quá tay hay quên dành ra phần tiền tiết kiệm tháng này, đừng quá trách móc bản thân", Montgomery khuyên.

Các chuyên gia cho biết những sai lầm thường có thể được sửa chữa. Điều quan trọng và mang tính nền tảng là bạn phải biết chịu trách nhiệm về tình hình tài chính của chính mình.

Jobson gợi ý hãy theo dõi thói quen chi tiêu trên bảng tính hoặc thông qua các công cụ lập ngân sách của bên thứ ba. "Một khi bạn hiểu rõ hơn về cách tiêu tiền của mình, bạn có thể khám phá những cách giúp tối ưu tài chính cá nhân", ông nói.

Cuối cùng, học tập và tìm hiểu để nhận biết rộng hơn về tình hình tài chính cá nhân cũng có thể tạo ra thay đổi lớn. Theo bà, kiến thức là sức mạnh và việc đảm bảo rằng bạn hiểu rõ mọi khía cạnh về tình hình tài chính của mình sẽ giúp bạn có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên và đưa ra các quyết định sáng suốt để hỗ trợ các mục tiêu to lớn.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục