Thứ năm, 09/05/2024, 09:05 (GMT+7)

Từ 15/5, áp dụng cơ chế điều hành giá điện mới: Những ai được hỗ trợ tiền điện cho sinh hoạt?

Có hai đối tượng được hỗ trợ tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định của Khoản 2 Điều 1 Thông tư 190/2014/TT-BTC, Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP và Điều 1 Quyết định 60/2014/QĐ-Ttg.

Thực hiện Quyết định số 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá bán điện sẽ được điều chỉnh 3 tháng/lần kể từ ngày 15/5/2024. Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện. Khi chi phí này giảm từ 1% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ giảm tương ứng. Theo tính toán, giá bán lẻ tới người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ tăng khi chi phí sản xuất biến động 3% trở lên, theo Kinh tế Môi trường.

Với quy định điều hành giá điện mới, nhiều người lo lắng giá điện sinh hoạt sẽ tăng do nhu cầu sử dụng điện lớn khi bước vào tháng cao điểm mùa hè, nắng nóng diện rộng. Tuy nhiên, để góp phần vào đảm bảo ổn định đời sống cho người dân, chính sách hỗ trợ tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt vẫn sẽ được Chính phủ áp dụng. 

z5422829155838_1da4844ff1b086d1d91cac4742112067
Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân áp dụng từ ngày 15/5/2024. (Ảnh: Hoàng Giám)

Theo đó, có hai đối tượng được hỗ trợ tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định của Khoản 2 Điều 1 Thông tư 190/2014/TT-BTC, Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP và Điều 1 Quyết định 60/2014/QĐ-Ttg. 

Thứ nhất, hộ nghèo được cấp thẩm quyền phê duyệt. 

- Khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

- Khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

Trường hợp địa phương có hộ nghèo theo chuẩn quy định của địa phương cao hơn chuẩn hộ nghèo quốc gia thì thực hiện theo chuẩn hộ nghèo thực tế tại từng địa phương, kinh phí hỗ trợ tiền điện cho số hộ nghèo có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn quốc gia do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Thứ hai, hộ chính sách xã hội được cấp có thẩm quyền phê duyệt, là hộ có một trong những tiêu chí sau đây, không thuộc diện hộ nghèo. 

- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới.

- Hộ có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật sống ở vùng chưa có điện lưới.

- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.

Trường hợp hộ có nhiều thành viên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc thuộc diện được hỗ trợ tiền điện theo các chính sách khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất.

Mức hỗ trợ tiền điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt ?

Căn cứ Điều 2 Thông tư 190/2014/TT-BTC, mỗi hộ nghèo và hộ chính sách xã hội chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện. Mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Khi cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 tăng, giảm so với hiện hành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh kịp thời mức hỗ trợ tiền điện hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 đã điều chỉnh.

Phương thức hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội: Chi trả trực tiếp theo hình thức hỗ trợ bằng tiền từng quý đến hộ nghèo và hộ chính sách xã hội.

Cùng chuyên mục